Bất động sản du lịch: Hàng trăm dự án với tổng giá trị 30 tỷ USD đang ‘mắc kẹt’ tại khắp các tỉnh thành
Hàng trăm nghìn tỷ đồng dồn ứ trong các loại hình condotel, shophoue, villa của nhiều dự án tại các tỉnh thành trên cả nước cần được tháo gỡ về mặt pháp lý. Chính những vướng mắc này đã khiến thanh khoản của loại hình này gần như đóng băng trong mấy năm qua.
Mới đây, đã diễn ra hội thảo “Thị trường bất động sản Việt Nam, những nút thắt pháp lý, thực tiễn và giải pháp tháo gỡ” do Hội Luật gia Việt Nam tổ chức.
Bất ngờ với số liệu được công bố tại hội thảo. Theo, tính đến tháng 9/2021, có 239 dự án liên quan bất động sản du lịch triển khai ở 15 địa phương đang gặp vướng mắc, gồm Hòa Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hoá, Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quy Nhơn (Bình Định), Phú Yên, Nha Trang và Cam Ranh (Khánh Hoà), Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Phú Quốc (Kiên Giang).
Cụ thể, loại hình căn hộ du lịch (condotel) có hơn 114.097 sản phẩm (ước tính giá trị 297.128 tỷ đồng); có 24.399 sản phẩm villa (ước tính giá trị 243.990 tỷ đồng) và 30.899 shophouse (ước tính giá trị 154.245 tỷ đồng). Tổng số 3 sản phẩm này là gần 170.000 căn với tổng giá trị khoảng 681.886 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD.
Riêng tại Khánh Hòa có 26 dự án với gần 15.000 căn hộ, biệt thự đang “mắc kẹt” vì khung pháp lý chưa hoàn thiện.
Ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, thị trường bất động sản du lịch ở Khánh Hòa phát triển sôi động, dự báo sẽ tiếp tục phát huy trong thời kỳ hậu Covid-19. Tuy vậy, việc thực thi pháp luật còn nhiều hạn chế, thậm chí là điểm nghẽn cần được xem xét tháo gỡ, đặc biệt là hệ thống pháp lý chưa hoàn chỉnh đối với loại hình này.
Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, thành viên HĐTV Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia, cho rằng bất động sản du lịch đang chịu sự quản lý của khá nhiều luật chuyên ngành nhưng có 5 “cái chưa”, gây thách thức đối với loại hình bất động sản này. Đó là chưa được định danh; chưa nằm trong quy hoạch phát triển du lịch; chưa được cấp giấy chứng nhận sở hữu (sổ đỏ, sổ hồng..); chưa theo kịp nhu cầu và năng lực cạnh tranh quốc tế; chưa đồng bộ, thiếu nhất quán, phù hợp với đặc trưng riêng của loại hình này…
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho biết, hiện nay, việc đầu tư của nhà đầu tư chỉ được khẳng định bằng hợp đồng hợp tác đầu tư hay góp vốn. Họ không có giấy tờ pháp lý đủ mạnh để họ có thể tự do chuyển nhượng tài sản đầu tư trên thị trường dẫn đến việc kém thanh khoản, rủi ro pháp lý. Điều này, không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, gây thiệt hại cho ngân sách mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư kinh doanh nói chung, thị trường bất động sản nói riêng.
“Vấn đề trước mắt phải bàn là làm thế nào để tháo gỡ hàng trăm ngàn tỉ đồng đang bị ứ đọng đã gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; thị trường bất động sản và cho cả nền kinh tế. Cần thiết nghiên cứu ban hành những quy định đảm bảo nhà đầu tư thứ cấp có những giấy tờ có giá trị khẳng định quyền quyết định đối với bất động sản du lịch nghỉ dưỡng mà họ đã đầu tư. Nói cách khác chính là tài sản của nhà đầu tư được pháp luật bảo vệ”, ông Đính nêu quan điểm.