Rót thêm hơn 2.000 tỷ đồng để giải phóng toàn bộ mặt bằng cho Khu Công nghệ cao Hòa Lạc

Để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng toàn bộ diện tích Khu Công nghệ cao Hòa Lạc theo quy hoạch và xây dựng một số hạ tầng kỹ thuật thiết yếu còn lại của dự án, Chính phủ đã ưu tiên bố trí đủ vốn theo nhu cầu là 2.367 tỷ đồng.

Vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) có văn bản gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội về trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV. Cử tri kiến nghị quan tâm nghiên cứu trình Quốc hội có cơ chế đặc thù cho TP Hà Nội.

Trong đó, phát triển ngành du lịch, quy hoạch sông Hồng, đề án giãn dân quận Hoàn Kiếm, tuyến phố Tràng Tiền thành tuyến phố thời trang cao cấp; đề nghị tiếp tục quan tâm đầu tư nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án của Trung ương trên địa bàn Hà Nội, đặc biệt là dự án Đại học Quốc gia Hà Nội, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Bộ KH&ĐT cho biết, về quy hoạch sông Hồng, hiện nay, Bộ Tư pháp đang tiến hành rà soát, tổng kết Luật Thủ đô. Đối với kiến nghị của cử tri sẽ được xem xét, nghiên cứu trong quá trình sửa Luật Thủ đô gắn với xây dựng triển khai Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng, quy hoạch TP Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đối với dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội, tính đến hết năm 2020, tổng vốn ngân sách Trung ương đã bố trí thực hiện dự án là 2.621,3 tỷ đồng, trong đó 2.246,5 tỷ đồng vốn trong nước và 375 tỷ đồng vốn nước ngoài.

Dự án được bố trí là 1.564 tỷ đồng (vốn trong nước), kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025.

Quy hoạch tổng thể Khu phần mềm - Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Quy hoạch tổng thể Khu phần mềm - Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Theo văn bản số 1234/KTNN-TH ngày 29/11/2021 của Kiểm toán nhà nước, tiến độ giải ngân của dự án rất thấp. Vì vậy, Bộ đề nghị Đại học Quốc gia Hà Nội đảm bảo tiến độ giải ngân dự án, tránh trường hợp bố trí vốn nhưng không giải ngân hết số vốn được phân bổ.

Về cơ chế, chính sách đặc thù, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình quy hoạch, xây dựng, phát triển dự án xây dựng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 74/2017/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định ngày 27/5/2016 về điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5000 khu công nghệ cao Hòa Lạc đến năm 2030 nhằm thực hiện các giải pháp đồng bộ để kết nối giữa các khu vực, hạ tầng giao thông chung của khu vực, xây dựng đô thị vệ tinh Hòa Lạc trong tương lai.

Về hạ tầng, dự án phát triển cơ sở hạ tầng Khu công nghệ cao Hòa Lạc với quy mô 1.036 ha, thực hiện từ nguồn vốn ODA đã được ưu tiên bố trí đủ vốn đảm bảo đúng tiến độ hoàn thành dự án. Đến năm 2020 dự án hoàn thành, tạo ra hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, hiện đại đáp ứng được yêu cầu phát triển của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và nhu cầu của các nhà đầu tư.

Về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ đã ưu tiên bố trí đủ vốn theo nhu cầu là 2.367 tỷ đồng để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng toàn bộ diện tích Khu Công nghệ cao Hòa Lạc theo quy hoạch và xây dựng một số hạ tầng kỹ thuật thiết yếu còn lại của dự án.

Để đạt mục tiêu hoàn thành giải phóng mặt bằng trong giai đoạn 2021 - 2025, đề nghị cử tri TP Hà Nội có ý kiến với UBND TP Hà Nội có biện pháp tích cực đẩy mạnh giải ngân công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trong năm 2022, đảm bảo mục tiêu hoàn thành giải phóng mặt bằng dự án trong giai đoạn 2021 - 2025.

Ông Trần Đắc Trung - Phó Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc cho biết, Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc đang xây dựng "Đề án phát triển Khu CNC Hòa Lạc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2022. Trong đó, dự kiến có một số định hướng như: phát triển Khu CNC Hòa Lạc theo mô hình mở, là đầu mối quan trọng của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, có hạ tầng hiện đại và thông minh, là nơi thúc đẩy phát triển chuỗi hoạt động tri thức và công nghệ giữa trường đại học, tổ chức nghiên cứu và triển khai, doanh nghiệp và thị trường.

Đến năm 2030, Khu CNC Hòa Lạc cơ bản hoàn thành mục tiêu xây dựng và đi vào hoạt động hoàn chỉnh, vận hành theo mô hình đô thị thông minh, góp phần xây dựng thành phố đổi mới sáng tạo Hòa Lạc, là phần lõi của đô thị vệ tinh Hòa Lạc.

Theo đó, Khu sẽ tập trung phát triển các lĩnh vực công nghệ có nhiều khả năng thu hút nguồn lực nghiên cứu và phát triển. Tập trung thu hút các nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông và công nghệ sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp và y tế. Đây là các lĩnh vực Việt Nam có khả năng, điều kiện phát triển cũng như cầu của thị trường lớn và cũng là những lĩnh vực hiện nay Khu công nghệ cao Hòa Lạc có thế mạnh với các hệ sinh thái đang dần hình thành.

Tập trung thu hút đầu tư các tập đoàn doanh nghiệp lớn trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài có công nghệ và tiềm lực tài chính, các doanh nghiệp đã đầu tư ổn định tại thị trường Việt Nam và ASEAN, mở rộng các hoạt động nghiên cứu để phát triển sản phẩm.

Đồng thời, thu hút các cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm quy mô lớn tại khu vực phía Bắc trong các lĩnh vực công nghệ cao được đầu tư bằng ngân sách nhà nước. Việc này vừa bảo đảm nhu cầu nghiên cứu phát triển của các ngành lĩnh vực, vừa tạo được tiềm lực và cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao của Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Thanh Xuân

Theo Chất lượng và Cuộc sống