Rủi ro đầu tư condotel nhìn từ Cocobay của Empire Group

Các dự án căn hộ khách sạn (condotel) có nhiều sai phạm và khung pháp lý chưa hoàn chỉnh khiến nhà đầu tư đối diện rủi ro pháp lý.

Nhiều sai phạm

Dự án Cocobay Đà Nẵng - do Tập đoàn Empire làm chủ đầu tư đang khiến cho nhà đầu tư lo lắng khi Thanh tra Bộ Xây dựng công bố hành loạt sai phạm sau khi tiến hành thanh tra.

Theo đó, chủ đầu tư Cocobay Đà Nẵng thi công công trình khi chưa được phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công Tòa nhà căn hộ khách sạn Cổ Cò 1; tòa nhà căn hộ khách sạn Cổ Cò 2; 8 khối nhà ở liền kề Hoàng Gia và 5 khối ở nhà ở liền kề vườn phố.

Xây dựng không phép tại khối nhà ký hiệu BH1 thuộc Nhà ở liền kề Hoàng Gia. Việc xây dựng cũng không đúng như trong giấy phép được cấp. Sai phạm này được xác định là tăng diện tích xây dựng, sàn xây dựng so với giấy phép hơn 600 m2.

Trong hợp đồng mua bán nhà, căn hộ, các hợp đồng tại Dự án Cocobay Đà Nẵng thiếu thông tin hợp đồng bảo lãnh về nhà ở, số văn bản của Sở Xây dựng Đà Nằng về việc bán nhà ở hình thành trong tương lai. Diện tích sàn xây dựng bán cho khách hàng tăng so với diện tích sàn theo Giấy phép xây dựng.

Ngoài ra, chủ đầu tư Cocobay Đà Nẵng còn sai phạm trong Luật kinh doanh BĐS khi tổ chức huy đồng vốn từ khách hàng quá 70% khi chưa nhận bàn giao căn hộ đối với 30 khách hàng; Ký kết 519 hợp đồng bán nhà khi chưa có Thư bảo lãnh việc bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Với những sai phạm này, Thanh tra Bộ Xây dựng yêu cầu Tập đoàn Empire nộp phạt 540 triệu đồng và tháo dỡ những phần sai phạm chưa được phép xây dựng.

Trong khi đó gần 100 khách hàng mua condotel tại dự án Bavico Nha Trang (tại số 2 Phan Bội Châu, Nha Trang, Khánh Hòa) do Công ty TNHH Sản xuất thương mại Bạch Việt làm chủ đầu tư cũng đang ngồi trên đống lửa trước thông tin tổng giám đốc Công ty Bạch Việt bị khởi tố về hành vi chứa mại dâm ngày 1/4 vừa qua.

Bên cạnh đó, cũng có thông tin nói rằng dự án Bavico Nha Trang đang bị ngân hàng "siết nợ". Công ty Bạch Việt có hợp đồng thế chấp với Ngân hàng MB - Chi nhánh Sài Gòn.

Một khách hàng mua condotel tại Bavico Nha Trang chia sẻ: "Bỏ ra hơn 2 tỷ đồng mua căn hộ tại dự án nhưng từ khi ký hợp đồng, phía Công ty Bách Việt không làm đúng như cam kết, chưa bao giờ chia lợi nhuận. Chúng tôi rất hoang mang, có khi bỏ ra hơn 2 tỷ đồng đầu tư lại mất trắng".

Rủi ro đầu tư condotel nhìn từ Cocobay của Empire Group - Ảnh 1

Phối cảnh tổng thể dự án Cocobay Đà Nẵng do Tập đoàn Empire làm chủ đầu tư có nhiều sai phạm.

Condotel đang dần lộ diện điểm yếu

Sau quãng thời gian phát triển rầm rộ khắp cả nước đến năm 2018, các dự án condotel đang dần bộc lộ nhiều mặt tiêu cực.

Không một cơ quan quản lý nhà nước nào chứng nhận đây là loại hình nhà ở trong tương lai. Từ đó dẫn tới nhiều hệ quả pháp lý, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao.

Hợp đồng mua bán condotel được ký giữa người mua nhà và chủ đầu tư. Nếu như hợp đồng mua bán chung cư có căn cứ rất rõ ràng về các điều khoản được quy định trong Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS thì trong hợp đồng mua bán condotel lại chỉ có thể dựa vào Luật Dân sự trên cơ sở những thoả thuận của hai bên chủ đầu tư và khách hàng.

Trong khi đó, hợp đồng thường là do chủ đầu tư biên soạn, tất nhiên, trong đó sẽ có nhiều điều khoản chủ đầu tư áp đặt lên khách hàng và hướng thuận lợi về phía mình. Nếu có sự cố xảy ra, thiệt hại chắc chắn sẽ thuộc về khách hàng.

Ngoài ra, mức cam kết lợi nhuận giữa chủ đầu tư và nhà đầu tư cũng là dấu hỏi lớn. Trong buổi tọa đảm về condotel diễn ra tại Hà Nội vào đầu tháng 4/2018, ông Ngô Văn Giang, Phó Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng cán bộ kinh tế - kế hoạch (Bộ KH&ĐT) chia sẻ:

"Condotel không có sổ hồng sẽ khó chuyển nhượng hay thế chấp condotel. Trong bối cảnh kinh doanh khách sạn khó khăn, tốn nhiều chi phí, lợi nhuận condotel 10-12%/năm như chủ đầu tư quảng cáo rất khó đảm bảo".

Ông Vũ Tú Thành, đại diện Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN tại Việt Nam: "Việc cam kết lợi nhuận của condotel thực chất đánh vào lòng tham, sự thiếu thông tin của khách hàng.

Chúng ta hoàn toàn có thể có một tỷ lệ vàng, có thể lớn hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng, nhưng sẽ nhỏ hơn tỷ lệ lợi nhuận mà các doanh nghiệp thông báo, quảng bá, tiếp thị cho các dự án hiện tại đang ở mức từ 10-12%. Các nhà đầu tư cần nhớ rằng, lợi nhuận càng cao rủi ro càng lớn".

Danh thủ bóng đá Ronaldo không được cấp sổ hồng nếu mua Cocobay Đà Nẵng

Tháng 4/2017, nhiều nhà đầu tư bất ngờ trước thông tin danh thủ bóng đá người Bồ Đào Nha Ronaldo quyết định mua 1 căn condotel tại dự án Cocobay Đà Nẵng và trở thành khách hàng danh dự của Cocobay Towers.

Sau đó, Ronaldo đã có thông báo rằng: Cocobay, My Home in Vietnam" (Cocobay, ngôi nhà của tôi ở Việt Nam).

Tuy nhiên, đến tháng 10/2017, đại diện truyền thông của Tập đoàn Empire cho biết, hiện tại dự án Cocobay Tower chưa mở bán và cầu thủ Ronaldo chưa hề đặt cọc tiền để mua nhà. “Chúng tôi (Tập đoàn Empire) mới chỉ thông tin Ronaldo sẽ là người đầu tiên mua nhà tại đây”, đại diện truyền thông Tập đoàn Empire cho biết.

Nếu thông tin Ronaldo mua căn hộ tại dự án Cocobay Đà Nẵng là thật nhưng với quy định pháp luật hiện hành, căn hộ này chưa được được cấp sổ hồng thì liệu đây có trở thành ngôi nhà mơ ước của anh tại Việt Nam?

 

Theo Tiến Hưng/ Báo Đất Việt