Cây cầu gần 5.000 tỷ đồng “hứa hẹn’ đưa thị trường bất động sản của 2 tỉnh sát vách TP. HCM ‘lên hương’?

Cây cầu này đã được khởi công từ tháng 6/2023.

Dự án cầu Phước An bắc qua sông Thị Vải nối huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai với thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được khởi công từ tháng 6/2023.

Theo đó, cây cầu có tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng là hạ tầng có ý nghĩa đặc biệt trong kết nối giao thông, thúc đẩy kinh tế của hai khu vực được quy hoạch lên thành phố trước năm 2030. Dự án có chiều dài 4,3km, trong đó, phần cầu vượt sông Thị Vải dài hơn 3,5km, còn lại là đường dẫn. Dự án có tổng mức đầu tư 4.879 tỷ đồng.

Dự án cầu Phước An khi hoàn thành sẽ kết nối đường liên cảng Cái Mép -Thị Vải với hệ thống đường cao tốc trong khu vực như: Bến Lức - Long Thành và TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây. Từ đó, kết nối toàn bộ nhóm cảng biển với khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, TP. HCM nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.

Dự án cầu Phước An sẽ nối tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu  
Dự án cầu Phước An sẽ nối tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu  

Hiện khu vực đường dẫn phía Bà Rịa - Vũng Tàu đang có nhiều phương tiện máy móc, công nhân thi công. Một số hạng mục như mố, trụ cầu đã dần thành hình. Trên sông Thị Vải, đơn vị thi công cũng đang xây dựng các trụ tháp của nhịp chính cầu.

Sau khi hoàn thành, đây sẽ là hướng giao thông chính để luân chuyển hàng hóa từ cảng Cái Mép - Thị Vải đến hệ thống cao tốc liền kề TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành… giảm tải áp lực cho tuyến quốc lộ 51 hiện hữu.

Đối với Nhơn Trạch và Phú Mỹ, cầu Phước An có vai trò quan trọng khi là cầu nối giữa hai “thủ phủ” công nghiệp của Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Giúp rút ngắn thời gian và khoảng cách di chuyển so với hiện nay. Bên cạnh đó, cây cầu gần 5.000 tỷ đồng khi hoàn thành cũng sẽ làm tăng giá trị bất động cho cả hai khu vực đang có quy hoạch lên thành phố này.

Cũng theo nội dung dự thảo quy hoạch tỉnh Đồng Nai, toàn bộ huyện Nhơn Trạch sẽ được định hướng lên thành phố trước năm 2030. Nhơn Trạch có vị trí tiếp giáp với phía đông của TP. HCM, là gạch nối giữa TP. HCM với thị xã Phú Mỹ. Do đó, địa phương này có nhiều tiềm năng và lợi thế để trở thành một đô thị vệ tinh của TP. HCM.

Thị trường bất động sản từ lâu đã là một điểm nóng hấp dẫn nhà đầu tư. Hiện nay, hàng loạt khu đô thị hiện đại đã và đang được xây dựng ở Nhơn Trạch nhằm đón đầu hàng loạt hạ tầng lớn như Vành đai 3, sân bay Long Thành hoàn thành….

Còn theo quy hoạch đến năm 2025, thị xã Phú Mỹ sẽ trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Phú Mỹ sẽ trở thành đô thị cảng biển, là trung tâm công nghiệp chuyên sâu, công nghiệp cảng biển, thương mại, dịch vụ logistics và đầu mối giao thông cảng quan trọng.

Với vị trí nằm liền kề với nhau, Nhơn Trạch và Phú Mỹ đều có nhiều điểm tương đồng về thế mạnh phát triển công nghiệp, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh. Đặc biệt, cả Nhơn Trạch và Phú Mỹ đều được hưởng lợi trực tiếp hoặc gián tiếp từ hệ thống hạ tầng giao thông trọng điểm có tính chất liên kết vùng đã và đang đầu tư như: cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành; Biên Hòa - Vũng Tàu, quốc lộ 51, sân bay quốc tế Long Thành.

Quốc Chiến

Theo Chất lượng và Cuộc sống