Giờ là thời điểm “có một không hai” để đầu tư bất động sản?
Thị trường bất động sản nhen nhóm những tín hiệu tích cực từ thời điểm cuối năm 2023. Theo nhiều ý kiến cho rằng, hiện tại thị trường đang ở “chân sóng cuối”, do đó đây là thời điểm không thể thích hợp hơn để đầu tư bất động sản.
Vẫn là kênh đầu tư được ưa chuộng
Theo một báo cáo của Viện nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, bất động sản chính là kênh đầu tư có tỷ suất lợi nhuận ngắn hạn cao nhất trong hai năm qua, lên tới 14%/năm.
Xếp ở vị trí thứ hai là kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (8,5%/năm). Tiếp đến là vàng SJC (7,36%/năm). Việc gửi tiền tiết kiệm đứng ở vị trí thứ tư với lợi suất là 6%/năm. Riêng với cổ phiếu, đây là kênh đầu tư bị xếp ở thứ hạng thấp nhất khi người tham gia có thể bị lỗ tới 20,14%/năm.
Viện nghiên cứu Bất động sản Việt Nam cho rằng nguyên nhân khiến kênh đầu tư bất động sản được săn đón xuất phát từ việc các chủ đầu tư liên tục tung ra các mức chiết khấu “khủng”. Điều này đã khiến nhiều dự án tiệm cận với giá trị thực.
Tuy nhiên, chính đơn vị này cũng thừa nhận rằng thị trường đang chững lại do một số khó khăn, vướng mắc. Trong đó, nổi cộm nhất là vấn đề về pháp lý và khả năng tiếp cận nguồn vốn. Ngoài ra, một trở ngại khác đó là việc ba bộ luật quan trọng nhất liên quan đến bất động sản vẫn đang chờ được hoàn thiện. Dẫu vậy, theo Viện Nghiên cứu thị trường Bất động sản Việt Nam, thị trường đang đón nhận thêm nhiều thông tin tích cực.
Thực tế, năm 2023 có thể coi là một năm cực kỳ khó khăn đối với thị trường bất động sản, song vẫn ghi nhận những con số tương đối tích cực. Cụ thể, số liệu của Tổng cục Thống kê tại Báo cáo Tình hình kinh tế – xã hội năm 2023 cho thấy, dù thị trường bất động sản trải qua một năm khó khăn nhưng trong suốt năm 2023, cả nước có 4.725 doanh nghiệp bất động sản được thành lập mới. Ngoài ra, có 2.081 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản quay trở lại hoạt động, bằng 109,1% so với năm 2022.
Bất động sản vẫn là lĩnh vực hấp dẫn nhà đầu tư khi đứng ở vị trí thứ 2 về thu hút vốn đầu tư ngoại. Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tính đến ngày 20/12/2023, kinh doanh bất động sản thu hút gần 4,67 tỷ USD, chiếm hơn 12,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 4,8% so với cùng kỳ.
Bất chấp các khó khăn của thị trường bất động sản, việc số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số doanh nghiệp quay lại hoạt động tăng; cũng như nguồn vốn FDI đổ vào bất động sản đứng thứ hai trong thu hút đầu tư nước ngoài cho thấy bất động sản vẫn là một kênh đầu tư được ưa chuộng.
Về dài hạn, theo Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, giai đoạn 2030-2045, thị trường bất động sản Việt Nam chắc chắn sẽ bùng nổ và trở thành kênh đầu tư hấp dẫn số 1 bởi Việt Nam có môi trường chính trị - xã hội ổn định, an toàn; đà phục hồi tích cực của kinh tế và các hoạt động thương mại, đầu tư, du lịch.
Bên cạnh đó, nhu cầu và khả năng chi trả cho bất động sản sẽ ngày càng tăng nhờ tốc độ đô thị hóa; sự gia tăng thu nhập và tầng lớp trung lưu...
“Thị trường bất động sản Việt Nam có vai trò quan trọng đối với quá trình đô thị hóa, tuy nhiên, vẫn chưa phát huy hết vai trò và tiềm năng này của thị trường, khiến cho mức độ đô thị hóa còn tương đối thấp. Đến nay, tỷ lệ đô thị hóa của nước ta mới đạt 41%, so với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới là 69-80%”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam Bùi Văn Doanh chia sẻ.
Theo báo cáo “Tâm lý người tiêu dùng và những xu hướng mới” của Batdongsan.com.vn cho thấy, trong 1.000 người tiêu dùng được khảo sát, có tới 65% số người được hỏi cho biết sẽ tiếp tục mua bất động sản trong một năm tới. Trong số 65% người dự định mua bất động sản tiếp thì có đến 42% người đang sở hữu 2 bất động sản, 38% đang sở hữu 1 bất động sản, 8% đang sở hữu trên 3 bất động sản. Và 60% trong số đó mua với mục đích đầu tư, 48% mua do cần thêm không gian sống, 22% mua nhằm tăng thêm diện tích sở hữu.
Thời điểm “có một không hai” để đầu tư bất động sản
Có thể thấy, trong mắt giới đầu tư, dù còn đối mặt với khó khăn, nhưng bất động sản vẫn là kênh đầu tư, tích lũy được ưa chuộng, vấn đề còn lại chỉ là chọn thời điểm phù hợp và năm 2024 chính là “thời điểm vàng”.
Theo nhiều lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc đánh giá rằng, giữa lúc thị trường địa ốc còn bộn bề khó khăn, phần lớn giới đầu tư trong trạng thái thăm dò thì năm 2024 chính là thời điểm tốt nhất để ra quyết định đầu tư, là cơ hội hiếm có để tích lũy tài sản là bất động sản, nhất là với người có nguồn tiền nhàn rỗi.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên thị trường địa ốc gặp khó khăn. Nhìn lại diễn biến thị trường từ năm 1987 đến nay, Hà Nội có 42 lần tăng giá và TP.HCM là 27 lần, cho dù trải qua 2 cuộc khủng hoảng kinh tế vào các năm 1998-1999 và 2007-2009.
“Thực tế cho thấy, sau những lần khó khăn, thị trường rơi vào trạng thái bão hòa về thanh khoản và giá cả, nhưng sau khi phục hồi giá bất động sản sẽ tăng rất mạnh. Dẫn chứng là trong giai đoạn khủng hoảng 2008-2013, thị trường địa ốc gần như “đóng băng”, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư vì muốn bán được hàng đã tung hàng loạt chiêu kích cầu, đại hạ giá… nhưng vẫn không bán được. Tuy nhiên, khi thị trường bắt đầu phục hồi cũng là lúc giá nhà đất bật tăng mạnh. Nhiều lô đất tại khu vực quận 2, TP.HCM thời điểm khủng hoảng giá xuống thấp, chỉ quanh mức 20-30 triệu đồng/m2 mà không có người mua, sau đó tăng lên 50-70 triệu đồng/m2 và hiện nay đã chạm ngưỡng cả trăm triệu đồng mỗi mét vuông”, lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản nhấn mạnh.
Đồng thời, thị trường bất động sản vẫn đang trong giai đoạn sàng lọc đối với cả doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư. Thực tế cho thấy, sau giai đoạn khó khăn kéo dài, nhiều chủ đầu tư đã phải rời “cuộc chơi” vì cạn kiệt nguồn lực, nhưng cũng có không ít chủ đầu tư vẫn “sống khỏe” nhờ quản trị tốt các nguồn lực.
Cũng chia sẻ về vấn đề này, TS.Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, quý I/2024 là cơ hội “có một không hai”, giai đoạn thích hợp để các nhà đầu tư có kinh nghiệm, nhà đầu tư chuyên nghiệp gom được hàng tốt, đầu tư dài hơi trong vòng 3-5 năm sẽ đem lại lợi nhuận cao.
Ông Đính dự báo, từ quý III/2024, thị trường sẽ bắt đầu đi lên, khi đó cơ hội mua được bất động sản giá tốt ở đáy sẽ rất ít, thậm chí gần như không còn. Do vậy, hai quý đầu năm 2024 là “chân sóng cuối” trong chu kỳ tăng giảm 10 năm của bất động sản để nhà đầu tư nắm bắt cơ hội "xuống tiền".
Vị chủ tịch VARS cũng nhấn mạnh thêm, giai đoạn này phù hợp để những nhà đầu tư có tài chính bền vững và am hiểu về thị trường nắm bắt "chân sóng cuối”. Với những người có nhu cầu ở thực, thời điểm này là cơ hội tốt để hiện thực hóa giấc mơ an cư lạc nghiệp - do giai đoạn này doanh nghiệp địa ốc buộc phải tái cơ cấu, điều chỉnh giá bán để trụ lại.