Rút ngắn chu kỳ thanh toán T+2: nhà đầu tư chứng khoán hưởng lợi gì?

Rút ngắn chu kỳ thanh toán từ T+3 xuống T+2 được cho sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam hấp dẫn hơn và giúp tính thanh khoản cao hơn. Dự thảo đang được lấy ý kiến và ...

Việc rút ngắn chu kỳ thanh toán sẽ tạo ra nhiều lợi ích cho thị trường chứng khoán, là một điều đáng mừng vì nhà đầu tư có thể giao dịch cổ phiếu sớm hơn, qua đó bớt rủi ro T+, đặc biệt là qua các kỳ nghỉ lễ dài.

Rút ngắn chu kỳ thanh toán T+2: nhà đầu tư chứng khoán hưởng lợi gì? - Ảnh 1

Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) đang lấy ý kiến về việc điều chỉnh thời gian hoàn tất thanh toàn có chu kỳ thanh toán T+2 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN). Thông tin này đã thu hút nhiều sự quan tâm của giới đầu tư chứng khoán trong nước.

Theo đó, VSD sẽ hoàn tất thanh toán chứng khoán và ngân hàng thanh toán tất toán tiền sẽ được điều chỉnh từ 15h30 – 16h00 lên 11h30 – 12h00 ngày T+2. Như vậy, nhà đầu tư có thể thực hiện giao dịch chứng khoán ngay trong buổi chiều của ngày T+2 thay vì phải đợi đến tận sáng ngày T+3 như hiện tại. 

Hầu hết nhà đầu tư chứng khoán đều ủng hộ việc rút ngắn chu kỳ thanh toán. Điều này cho phép nhà đầu tư linh hoạt hơn trong việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư theo những biến động của thị trường: rút ngắn thời gian mua vào khi thị trường tăng trưởng và thoái vốn nhanh hơn khi thị trường giảm. Từ đó, nhà đầu tư tránh được nhiều rủi ro, hiệu quả đầu tư và tỷ suất sinh lợi cũng được cải thiện. 

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh chu kỳ thanh toán được kỳ vọng sẽ cải thiện tính thanh khoản của thị trường chứng khoán do gia tăng do thu hẹp vòng quay giao dịch của nhà đầu tư. 

Nếu như trước đây, khi mua vào một chứng khoán, nhà đầu tư trả tiền trước và phải chờ đến 3 ngày làm việc tiếp theo (6 phiên giao dịch) “hàng” mới về. Nếu muốn bán ngay, nhà đầu tư phải chờ đến sáng của ngày làm việc tiếp theo. Còn nếu như chu kỳ thanh toán được rút ngắn theo ý kiến của VSD, nhà đầu có thể thực hiện giao dịch chỉ sau 5 phiên giao dịch (2,5 ngày làm việc liên tục).

Việc cổ phiếu và tiền sớm về tài khoản được các chuyên gia kỳ vọng sẽ giúp dòng tiền chảy vào thị trường “năng động” hơn. Qua đó, yếu tố thanh khoản trong thị trường được nâng cao. Bên cạnh đó, quyền lợi của nhà hà đầu tư cũng được gia tăng đáng kể vì nhà đầu tư “nhẹ” mối lo bỏ lỡ cơ hội khi thị trường tăng, hoặc thua lỗ nặng khi thị trường sụt giảm. 

Trong buổi Tọa đàm đầu tư tài chính 2022 chủ đề: “Cơ hội trong biến động thị trường chứng khoán” tổ chức ngày 29/06 vừa qua, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường UBCKNN cho biết thị trường chứng khoán Việt Nam hoàn toàn có đủ cơ sở về mặt pháp lý để cung cấp những giải pháp giao dịch chứng khoán tương tự những thị trường chứng khoán phát triển trên thế giới như: giao dịch trong ngày, bán khống hay bán chứng khoán đang trên đường về. 

Tuy nhiên, bà Bình cũng cho biết hiện tại chưa thể áp dụng thanh toán ngay vì hiện hệ thống hệ thống của Việt Nam không áp dụng thanh toán song phương từng giao dịch, mà thanh toán bù trừ dòng đa phương. Vậy nhanh nhất thì cuối ngày giao dịch, Sở giao dịch và trung tâm Lưu ký chứng khoán mới có thể thống kê được số lượng các giao dịch diễn ra, thực hiện bù trừ và tính toán ra số lượng chứng khoán, số lượng tiền cần phải chuyển giao của ngày hôm đó.

Đại diện UBCKNN khẳng định, cơ quan này đang nỗ lực cố gắng giảm hơn nữa thời gian giao dịch. Tuy vậy, nhiệm vụ trước mắt là rút bớt từng khâu trong quá trình thanh toán, cụ thể là giảm chu kỳ thanh toán về mức T+1,5. 

 

Đạt Trần

Theo Kinh doanh và phát triển