Vượt vàng và chứng khoán, bất động sản có tốc độ tăng giá cao nhất
Tại báo cáo thị trường bất động sản quý II/2022 của Batdongsan.com.vnvừa được công bố mới đây, đơn vị này cho biết so với các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán hay gửi tiết kiệm thì BĐS vẫn là kênh có tốc độ tăng giá nhanh nhất.
Cụ thể, trong hơn 2 năm, từ 1/2020 đến tháng 6/2022, đất và nhà ở vẫn luôn có chỉ số tăng giá cao nhất, xếp sau đó là vàng, chứng khoán và tiền gửi tiết kiệm. Đến năm 2022, mặc dù chỉ số giá vàng và chứng khoán đã tăng mạnh vào tháng 1 năm nay, lần lượt tăng 44% và 57% so với tháng 1/2020, nhưng sang tháng 6/2022, giá vàng và chứng khoán đã giảm, nên mức tăng so với tháng 1/2020 còn 34% và 21%.
Theo số liệu của Batdongsan.com.vn trong quý II/2022 phân khúc đất nền tại miền Bắc và miền Nam có mức độ quan tâm giảm lần lượt là 16% và 12% so với cùng kỳ năm 2021, nhưng mặt bằng giá rao bán vẫn tăng ở nhiều tỉnh so với trung bình giá 2021.
Trong đó, TP.HCM ghi nhận mức độ quan tâm đất giảm 11%. Tuy nhiên, giá rao bán đất nền trong quý 2/2022 ở nhiều khu vực của thành phố đều tăng so với trung bình năm 2021, như quận 9 tăng 11%, Củ Chi tăng 8%, Nhà Bè tăng 4%.
Nói qua về thị trường vàng và chứng khoán thời gian qua. Đối với thị trường vàng, giá vàng trong nước thời gian gần đây có dấu hiệu đi xuống do ảnh hưởng từ đà giảm của giá vàng thế giới. Thêm vào đó giới phân tích nhận định, giá vàng SJC giảm mạnh trong bối cảnh các đại biểu Quốc hội và chuyên gia yêu cầu có biện pháp kéo giá vàng SJC về sát với giá vàng thế giới.
Kết quả khảo sát của Kitco News về xu hướng giá vàng tuần tới cho thấy, đa số các nhà phân tích đến từ phố Wall đều có niềm tin về giá vàng tuần tới. Trong đó, 33% nhà đầu tư dự báo, giá vàng tăng, 20% nhà đầu tư dự báo giảm và 47% nhận định đi ngang.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán cũng trải qua thời gian khó khăn với đợt điều chỉnh mạnh. Tuy nhiên trong các phiên giao dịch, VN-Index có sự biến động tăng-giảm điểm số khá lớn và thanh khoản của thị trường cũng tăng nhẹ.
Phiên giao dịch cuối tuần ngày 8/7 diễn biến có phần giằng co, lực cầu hấp thụ khá tốt trong khi lực cung trên thị trường vẫn ghi nhận tiếp tục bán ra.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 4,83 điểm lên 1.171,31 điểm. Toàn sàn có 325 mã tăng, 130 mã giảm và 62 mã đứng giá. HNX-Index tăng 5,94 điểm lên 277,80 điểm. Toàn sàn có 145 mã tăng, 44 mã giảm và 53 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,58 điểm lên 86,96 điểm. Toàn sàn có 251 mã tăng, 109 mã giảm và 77 mã đứng giá.
Mức độ quan tâm BĐS giảm nhưng giá vẫn sẽ ổn định trong ngắn hạn
Trở lại với tình hình thị trường bất động sản, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, mặc dù lượng quan tâm đến BĐS có dấu hiệu “giảm nhiệt” tại nhiều địa phương trong quý II/2022 so với cùng kỳ năm 2021 nhưng trong ngắn hạn sẽ khó có khả năng giá BĐS giảm. Ngoài mục đích để ở với nhu cầu luôn hiện hữu, mục đích đầu tư sẽ hướng tới dài hạn. Vì vậy, tâm lý đầu tư sẽ không bị ảnh hưởng bởi những yếu tố ngắn hạn như dịch bệnh và các yếu tố khác.
Theo đó, trong quý vừa qua, hoạt động mua bán phục hồi, nhiều dự án mới triển khai tạo ra sức nóng cho giao dịch.
Đáng chú ý, riêng đối với phân khúc cho thuê, ở Hà Nội và TP.HCM ước tính tăng lần lượt 35% và 23% so với cùng kỳ 2021, tăng 64% và 32% so cùng kỳ năm 2020. Xét trên toàn quốc, ước tính nhu cầu tìm kiếm bất động sản cho thuê mảng văn phòng tăng 100%, nhà phố tăng 60%, chung cư tăng 17% so với cùng kỳ 2021.
Đối với chung cư cho thuê tại Hà Nội, lượng quan tâm tăng chủ yếu ở khu vực ngoài trung tâm. Mức độ quan tâm tại huyện Gia Lâm tăng 42%, tại huyện Đông Anh tăng 52%, tại quận Tây Hồ tăng 31%, tại quận Hoàn Kiếm tăng 11% so với cùng kỳ năm 2021.
Còn tại TP.HCM, lượng quan tâm chung cư cho thuê tăng nhiều nhất ở khu vực phía đông. Cụ thể, quận 2 tăng 52%, quận 1 tăng 35%, quận 7 tăng 32%, quận 3 tăng 27%, quận 4 tăng 26% và quận 9 tăng 14%.
Còn phân khúc nhà phố, mức độ quan tâm tăng đều ở Hà Nội và khu trung tâm TP.HCM. Tại Hà Nội, mức độ quan tâm tại quận Tây Hồ tăng 127%, tại quận Hoàn Kiếm tăng 102%, tại quận Long Biên 99%, tại hai quận Đống Đa và Hai Bà Trưng cùng tăng 65% so với cùng kỳ 2021. Đối với TP.HCM, mức độ quan tâm nhà phố cho thuê tại quận 3 tăng 107%, tại quận Thủ Đức tăng 14%, tại quận 9 tăng 52%, tại quận 2 tăng 8%, tại quận 7 tăng 92%, tại quận 4 tăng 138% và quận 1 tăng 108%.
Nhìn chung, sau thời kỳ khó khăn kéo dài do dịch bệnh và những bất cập của các chính sách, thị trường bất động sản chưa thể hồi phục như kỳ vọng nhưng theo các chuyên gia, trên đây vẫn là những thông tin tích cực về thị trường mà nhà đầu tư bất động sản hoàn toàn có thể kỳ vọng để gửi gắm.
Từ những diễn biến trong 6 tháng vừa qua cho thấy bất động sản vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn và đem lại lợi nhuận lâu dài, ổn định hơn các kênh đầu tư khác. Điều quan trọng là người mua cần tìm hiểu kỹ lưỡng về pháp lý, lựa chọn sản phẩm có thanh khoản tốt, vị tris thuận tiện để khai thác cho thuê và hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính để dự phòng rủi ro trước những biến động của nền kinh tế.