Sacombank: Quý 2 thông báo 'lãi đậm', nhưng còn băn khoăn về dòng tiền
Lợi nhuận tại Sacombank ghi nhận hàng nghìn tỷ nhưng dòng tiền vào ra lại bị hao hụt một lượng không nhỏ trong 6 tháng đầu năm. Đồng thời, lãi dự thu tại Sacombank tuy có giảm song vẫn ở mức khá cao.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - Mã CK: STB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2021 với doanh thu và lợi nhuận ấn tượng.
Cụ thể, quý 2/2021, thu nhập lãi thuần của STB đạt mức 3.148 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ 2020. Lãi từ hoạt động dịch vụ và hoạt động kinh doanh ngoái hối đạt lần lượt hơn 936 tỷ đồng và gần 168 tỷ đồng, tăng 34% và 1,3% so với cùng kỳ năm 2020. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư của STB có lãi 17 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ hơn 50,5 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động khác tăng gấp 3,4 lần, đạt 475 tỷ đồng.
Quý 2/2021, chi phí hoạt động của STB ghi nhận 2.336 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, chi phí dự phòng rủi ro lại giảm 14% xuống còn gần 986 tỷ đồng.
Do đó, lợi nhuận sau thuế tại STB đạt gần 1.113 tỷ đồng, tăng gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, tổng thu nhập hoạt động của STB đạt hơn 8.889 tỷ đồng, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí hoạt động tăng 12,5%, đạt hơn 5.005 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro ở mức hơn 1.461 đồng, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả, nửa đầu năm 2021, STB báo lãi sau thuế đạt mức gần 1.914 tỷ đồng, tăng 69,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Lưu ý, tính tới 30/6/2021, lãi dự thu tại Sacombank có tín hiệu tích cực khi con số này giảm so với đầu năm. Tuy nhiên, lãi dự thu vẫn ghi nhận ở mức khá cao, hơn 14.051 tỷ đồng trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 1.914 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ lãi dự thu/lợi nhuận sau thuế cao gấp 7,3 lần.
Lãi dự thu là các khoản lãi dự kiến sẽ thu được trong tương lai và là một phương thức hạch toán bình thường trong kế toán ngân hàng. Tuy nhiên, sẽ có những rủi ro khi lãi dự thu mãi không thể thu hồi có thể do nợ xấu, bên phải trả mất khả năng thanh toán.
Điều đó khiến lãi dự thu được đánh giá là một nguồn "lãi ảo" cho các ngân hàng. Và khi con số lãi dự thu càng lớn, khả năng tác động đến lợi nhuận của ngân hàng càng cao.
Tính đến 30/6/2021, tổng tài sản của ngân hàng đạt 505.534 tỷ đồng, tăng 2,4% so với đầu năm, trong đó cho vay khách hàng tăng 6,1% đạt 361.109 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng là 433.944 tỷ đồng, tăng 1,4% so với cuối năm 2020.
Đáng chú ý, Sacombank báo lãi đậm trong nửa đầu năm nhưng dòng tiền vào ra lại cho thấy ngân hàng này đã bị hao hụt những khoản tiền không hề nhỏ.
Tính đến 30/6/2021, tổng lưu chuyển tiền thuần trong kỳ bị âm gần 1.099 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái dương gần 15.316 tỷ đồng.
Trong đó, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm hơn 848 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2020 dương 15.482 tỷ đồng. Dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư cũng âm hơn 250 tỷ đồng (cùng kỳ 2020 chỉ âm gần 166 tỷ đồng) và dòng tiền từ hoạt động tài chính cũng âm 82 triệu đồng (cùng kỳ 2020 âm hơn 328 triệu đồng).
Một trong những nguyên nhân khiến dòng tiền tại Sacombank bị âm là trong khi tiền gửi của khách hàng (bao gồm cả kho bạc nhà nước) chỉ tăng khoảng 5.972 tỷ đồng thì cho vay khách hàng tăng tới hơn 20.859 tỷ đồng. Đồng thời, Sacombank còn thanh toán khoản công nợ hoạt động hơn 1.203 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2020 chỉ gần 843 tỷ đồng.
Hơn nữa, nửa đầu năm 2021, ngân hàng này tăng cho vay hơn 20.000 tỷ đồng, giảm các khoản tiền gửi và vay các TCTD gần 374 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ tăng mạnh 412 tỷ đồng).