Sân bay là 'cầu nối' với đất liền thuộc tỉnh nhỏ nhất Đông Nam Bộ sắp được ‘lên đời’
Phương án mới nhất nhằm nâng cấp và mở rộng sân bay Côn Đảo do Bộ Giao thông vận tải đề xuất tạo cơ hội lớn cho các nhà đầu tư có thể tham gia ở hạng mục công trình khu hàng không dân dụng của sân bay này.
Mất một năm để tìm phương án tối ưu
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cách đây không lâu đã có Công văn số 7942/BGTVT-KHĐT gửi đến Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, liên quan đến phương án đầu tư và nâng cấp Cảng hàng không Côn Đảo.
Cụ thể, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ cho phép Bộ này được tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện Dự án Đầu tư cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn tại Cảng hàng không Côn Đảo, nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, được Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1795/QĐ-BGTVT ngày 14/10/2021.
Bộ GTVT cũng kiến nghị giao UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nghiên cứu và xây dựng Đề án Đầu tư khu hàng không dân dụng Cảng hàng không Côn Đảo theo phương thức PPP nhằm sớm báo cáo với Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai thực hiện.
Trong Thông báo số 110/TB- VPCP ngày 4/4/2023 của Văn phòng Chính phủ về tình hình đầu tư, nâng cấp và mở rộng Cảng hàng không Côn Đảo, Bộ GTVT được giao nghiên cứu phương án đầu tư tổng thể, đồng bộ các hạng mục (gồm đường cất cánh, đường lăn và nhà ga hành khách) của Cảng hàng không Côn Đảo.
Công văn số 7942, Bộ GTVT cũng đã giải thích lý do cơ quan quản lý Nhà nước về GTVT phải mất một năm để tìm phương án tối ưu cho việc nâng cấp Cảng hàng không Côn Đảo.
Theo chia sẻ của ông Lê Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ GTVT, ngay khi nhận được chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ GTVT đã tiến hành chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam cùng các đơn vị liên quan nhanh chóng rà soát, nghiên cứu và lập phương án đầu tư tổng thể, đồng bộ các hạng mục của Cảng hàng không Côn Đảo; đảm bảo khai thác an toàn, hiệu quả những loại tàu bay như code C, nghiên cứu phương án điều chỉnh quy hoạch sân bay Côn Đảo.
Kết quả rà soát bước đầu được thực hiện vào tháng 5/2023, Cục Hàng không Việt Nam khẳng định, phương án quy hoạch với hướng đường cất hạ cánh hiện hữu được xem là phương án tối ưu.
Ngoài ra, để khai thác đầy tải trọng thương mại đối với các dòng máy bay tầm trung như A321, Cục Hàng không Việt Nam báo cáo phương án cần kéo dài đường cất hạ cánh ra phía biển khoảng 860m về phía Đông nhằm đạt được chiều dài 2.400m.
Ước tính sơ bộ kinh phí đầu tư phát triển Cảng hàng không Côn Đảo theo phương án này khoảng trên 10.000 tỷ đồng; trong đó, ước tính chi phí đầu tư các công trình khu bay khoảng 10.600 tỷ; đầu tư các công trình bảo đảm hoạt động bay khoảng 350 tỷ đồng; đầu tư khu hàng không dân dụng khoảng 2.100 tỷ đồng...
Thực tế, do điều kiện địa hình của sân bay Côn Đảo có nhiều hạn chế, việc triển khai ra biển sẽ phức tạp, yêu cầu kinh phí lớn, tác động đến môi trường nên để có đầy đủ cơ sở xem xét, Bộ GTVT đã đề xuất sử dụng nguồn vốn viện trợ của Chính phủ Australia để lựa chọn đơn vị tư vấn uy tín của quốc tế hỗ trợ rà soát cũng như đánh giá khả năng đáp ứng của đường cất hạ cánh; khuyến nghị chủng loại tàu bay khai thác tối ưu tại sân bay này.
Thông qua nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình Hỗ trợ kỹ thuật ngành GTVT - Aus4 Transport, các đơn vị chức năng của Bộ GTVT đã lựa chọn ADPi (Pháp) - đơn vị tư vấn quốc tế để rà soát phương án đầu tư Cảng hàng không Côn Đảo.
"Rộng cửa" cho các nhà đầu tư tư nhân
Bộ GTVT và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dành sự quan tâm đặc biệt đối với việc nâng cấp sân bay Côn Đảo.
Từ năm 2021 đến nay, lãnh đạo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã liên tục có văn bản gửi Quốc hội và Chính phủ, kiến nghị sớm triển khai nâng cấp sân bay này.
Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Nguyễn Văn Thọ khẳng định Côn Đảo là huyện nổi bật trong việc đảm bảo quốc phòng, an ninh, cũng là huyện có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là kinh tế du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biển...
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có diện tích 1.987km2 - nhỏ nhất khu vực Đông Nam Bộ. Theo Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh này sẽ trở thành một trong những khu vực động lực phát triển quan trọng của vùng Đông Nam Bộ, đặc biệt Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ là thành thành phố trực thuộc Trung ương sau năm 2030 theo quy hoạch.
Trong khi đó về phía Bộ GTVT, lãnh đạo Bộ này cho biết các công trình khu bay (gồm đường cất cánh, đường lăn) là một trong những "điểm nghẽn" lớn khiến Cảng hàng không Côn Đảo không đón được các tàu bay trung bình.
Sân bay Côn Đảo được xây dựng từ năm 2004, hiện nay, đường cất hạ cánh và đường lăn tại sân bay này đã trong tình trạng xuống cấp, khả năng chịu tải kém, chiều rộng đường cất hạ cánh 30m không đảm bảo tiêu chuẩn khai thác tàu bay code C, chỉ đáp ứng khai thác các loại tàu bay như ATR72 và tương đương (Embraer E190/E195 giảm tải).
Vì tài sản kết cấu hạ tầng đường cất hạ cánh, đường lăn hiện hữu do Bộ GTVT là đại diện chủ sở hữu nên Bộ GTVT có trách nhiệm đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về xây dựng.
Trước đó, Bộ GTVT đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn tại Cảng hàng không Côn Đảo vào tháng 10/2021 với tổng mức đầu tư 1.680 tỷ đồng; đã được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn với nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, giai đoạn 2021-2025.
Sân bay Côn Đảo đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, chính trị và an ninh quốc phòng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Internet
Dự án này sẽ mở rộng, nâng cấp kết cấu đường cất hạ cánh hiện hữu theo quy hoạch với kích thước 1.830m x 45m; xây dựng mới một làn đường song song và các đường lăn nối; bổ sung các hạng mục nhằm đảm bảo an toàn trong khai thác; hệ thống thiết bị hạ cánh đồng bộ nhằm đảm bảo khai thác hiệu quả các tàu bay code C theo đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và theo Quy hoạch.
Bộ GTVT nhấn mạnh rằng quy mô đầu tư của dự án này cơ bản phù hợp với khuyến nghị của tư vấn quốc tế nhằm nâng cao năng lực khai thác của Cảng hàng không Côn Đảo.
Đối với các công trình dịch vụ chuyên ngành hàng không (cung cấp suất ăn hàng không, xăng dầu...), Cục Hàng không Việt Nam sẽ tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về đấu thầu.
Trong quá trình triển khai phát triển công suất của sân bay Côn Đảo, căn cứ vào nhu cầu thực tế cũng như mức độ hấp dẫn các nhà đầu tư, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định.
Cảng hàng không Côn Đảo - sân bay Côn Đảo là sân bay dân dụng cấp 3C và sân bay quân sự cấp 2 theo tiêu chuẩn quốc gia, tọa lạc tại Khu dân cư số 1, Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu.
"Án ngữ" ở vị trí vô cùng đắc địa khi hai bên là những dãy núi bao bọc, mặt trước mặt sau đều giáp biển, sân bay Côn Đảo là "cửa ngõ" giao thương, là “cầu nối” với đất liền; có vị trí đặc biệt vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế, chính trị và an ninh quốc phòng của Bà Rịa - Vũng Tàu.