Sáp nhập tỉnh: Không nên làm một cách cơ học
Sáp nhập phải hướng tới việc khai thác được tính trội trong công tác quản lý và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững
Bộ Nội vụ đang đưa ra lộ trình, từ năm 2022 - 2026 sẽ thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và “làm điểm” sắp xếp một số đơn vị hành chính cấp tỉnh chưa đạt 50% một trong hai tiêu chuẩn (tiêu chuẩn còn lại chưa đạt 100%) về diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo quy định. Đến năm 2030 sẽ hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp theo tiêu chuẩn.
Nếu xét theo hai tiêu chí này, sẽ có khoảng 10 tỉnh có diện tích và quy mô dân số nằm trong diện phải sáp nhập. Cụ thể, 10 tỉnh dân số ít nhất là: Bắc Kạn, Lai Châu, Cao Bằng, Kon Tum, Ninh Thuận, Điện Biên, Đắk Nông, Quảng Trị, Lào Cai, Hậu Giang. Trong số 10 tỉnh này, dân số chỉ giao động từ 314 – 733 nghìn người.
Về diện tích tự nhiên, 10 tỉnh có diện tích nhỏ nhất cả nước là: Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Ninh Bình, Cần Thơ, Vĩnh Long, Hải Phòng, Thái Bình.
Cho rằng, việc dựa trên hai tiêu chí diện tích và quy mô dân số là chưa đủ, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học hành chính (Học viện hành chính Quốc gia) cho rằng, việc sáp nhập cần xem xét trên nhiều yếu tố. Chúng ta không nên cộng gộp một cách cơ học, chưa đủ sức thuyết phục.
"Chủ trương tách - nhập tỉnh đã được từng được bàn tới từ nhiều năm trước. Trên thực tế, Việt Nam cũng đã thực hiện tách - nhập một số quận, huyện trên cả nước. Những tác động tích cực mang lại cũng có nhưng những tác động tiêu cực, hạn chế cũng không hề ít. Do đó, việc sáp nhập tỉnh tới đây cần phải được tính toán, bàn bạc rất kỹ lưỡng", vị chuyên gia nêu quan điểm.
Cũng theo vị chuyên gia, cần lưu ý, mỗi tỉnh dù có diện tích, quy mô dân số lớn hay nhỏ đều có lịch sử hình thành biên giới lãnh thổ từ lâu và tương đối ổn định.
Những vấn đề này liên quan tới các yếu tố như địa hình, văn hóa, kinh tế và kể cả những yếu tố mang tính đặc thù có tác động lên hệ điều hành, quản lý của địa phương đó.
Vấn đề đặt ra là phải hướng tới việc khai thác được tính trội trong công tác quản lý và phải xét về tính cơ bản, lâu dài hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Ông lấy ví dụ như Pháp, chỉ có 55 triệu dân, thì quốc gia họ vẫn giữ được ổn định. Hay như Trung Quốc có tới 1,4 tỷ dân thì cơ cấu địa giới hành chính của họ cũng vẫn giữ được ổn định.
"Mục tiêu chính là phải quản lý hiệu quả và phát triển bền vững, lâu dài", PGS Nguyễn Hữu Tri nói và nhấn mạnh đó mới là yếu tố quan trọng nhất khi đặt ra chủ trương sáp nhập tỉnh.
Lý giải cho nhận định trên, ông cho rằng, việc điều hành quản lý của một tỉnh khác so với điều hành quản lý một lĩnh vực. Ví dụ, kinh tế có thể quản lý, điều hành bằng các công cụ, thiết chế liên quan tới kinh tế. Hay văn hóa cũng có thể điều hành, quản lý dựa trên các thiết thế về văn hóa. Tuy nhiên, điều hành quản lý một đơn vị hành chính cấp huyện, tỉnh thì khác. Đó là sự điều hành, quản lý tổng hợp từ nhiều mặt, nếu gom một nền kinh tế hay một nền văn hóa, truyền thống của địa phương này gộp vào địa phương khác sẽ khiến mọi thứ trở nên lệch pha, rất khó quản lý.
"Không thể hiểu đơn giản, quản lý hành chính là quản lý địa giới, dân số, kinh tế, mà còn bao gồm cả những vấn đề về văn hóa, phong tục, nếp sống của người dân. Do đó, rất khó áp đặt bằng một thiết chế quản lý chung chung mà cần được điều chỉnh dựa trên những đặc điểm về lịch sử, tính đặc thù cũng như những lợi thế riêng biệt của mỗi địa phương", PGS Nguyễn Hữu Tri phân tích.
Vị PGS cũng đặc biệt lưu ý, quy luật điều hành kinh tế khác với quy luật điều hành văn hóa, xã hội. Nếu sử dụng quy luật quản lý hành chính để điều hành khép kín các quy luật kinh tế sẽ rất không đủ.
"Chúng ta có khái niệm kinh tế vùng nhưng không thể có khái niệm hành chính vùng. Đó phải là hành chính cấp tỉnh, huyện, địa phương. Tương lai cấp tỉnh cần hướng tới tính ổn định, có thể tính tới việc giảm các đơn vị hành chính cấp huyện, nâng quy mô các xã, như vậy sẽ dần giảm bớt được các cấp hành chính, việc quản lý sẽ hiệu quả hơn", vị chuyên gia nói.