Sắp thu hồi đất vàng Công ty CP Giày Sài Gòn

Khu đất gần 11.000m2 UBND TP.HCM cho Giày Sài Gòn thuê giá rẻ sẽ được thu hồi, nếu doanh nghiệp không chịu bàn giao sẽ cưỡng chế.

Khu đất vàng 419 Lê Hồng Phong, quận 10, TP.HCM do Công ty Cổ phần Giày Sài Gòn thuê lại của Nhà nước sang tuần tới sẽ có thông báo thu hồi, cưỡng chế (nếu không chịu giao mặt bằng), theo kết luận của UBND TP.HCM.

Ngày 9/4, Phó Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP.HCM Nguyễn Văn Dũng đã chia sẻ thông tin này trên báo Thanh tra. Theo đó, Sở TN-MT sẽ thông báo kế hoạch thu hồi, và kế hoạch cưỡng chế nếu doanh nghiệp không chịu bàn giao.

“Thông báo này sẽ công khai minh bạch để doanh nghiệp cũng như người dân được biết”, ông Dũng nói.

Trả lời câu hỏi vì sao khu đất vàng đáng lẽ phải thu hồi từ hơn 3 tháng trước, mà đến nay vẫn diễn ra nhiều hoạt động tấp nập như vậy?", ông Dũng cho biết: “Đến thời điểm hết hạn thuê đất, Nhà nước chưa thu hồi mà đơn vị vẫn sử dụng, thì Nhà nước sẽ truy thu"!

Báo này cũng dẫn lời một cán bộ thuộc Sở TN-MT cho biết, trước kiến nghị của UBND quận 10 về việc sớm thu hồi dứt điểm khu đất để làm giáo dục, mới đây (giữa tháng 3), Sở TN-MT, UBND quận 10 đã có buổi họp để thống nhất các bước thu hồi đất. Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở TN-MT đã chỉ đạo Thanh tra Sở sớm có kế hoạch để trình lên, tiến hành thu hồi đất.

“Phòng quản lý đất chúng tôi cũng đang chờ chỉ đạo để thực hiện thu hồi", vị cán bộ này nói.

Sắp thu hồi đất vàng Công ty CP Giày Sài Gòn - Ảnh 1
Khu đất vàng số 419 Lê Hồng Phong quận 10 sẽ bị TP.HCM thu hồi. Ảnh: Báo Giao thông

Khu đất vàng ở địa chỉ 419 Lê Hồng Phong, TP.HCM có 3 mặt tiền là các tuyến đường Lê Hồng Phong, Vĩnh Viễn và Trần Nhân Tôn, được Công ty CP Giày Sài Gòn thuê lại của Nhà nước để làm văn phòng, nhà kho, nhà xưởng sản xuất giày, túi xách.

Theo thông tin trên báo Thanh tra, Nhà nước chỉ thu tiền thuê đất hàng năm với mức giá 100 ngàn đồng/m2/năm (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Sở TN-MT TP.HCM cấp năm 2007, tức chưa đến 10.000 đồng/m2/tháng), thời hạn đến ngày 31/1/2020.

Theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Sở TN-MT TP.HCM cấp năm 2007, khu đất được sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh đến thời hạn ngày 31/12/2020. Đến tháng 10/2017, Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM chứng nhận bổ sung quyền sở hữu đối với tài sản là công trình trên đất bao gồm các hạng mục nhà khách, văn phòng, nhà xưởng, kho nhiên liệu.

Trong quá trình hoạt động, Công ty CP Giày Sài Gòn cho nhiều cá nhân, tổ chức thuê mặt bằng nơi đây làm kho hàng, bến bãi. Việc sử dụng mặt bằng không đúng chức năng được dư luận phản ánh nhiều lần, Thanh tra Sở TN-MT từng xử phạt Công ty CP Giày Sài Gòn 720 triệu đồng vào năm 2017.

Đến ngày 20/5/2017, UBND TP.HCM yêu cầu Công ty CP Giày Sài Gòn phải chấm dứt ngay hành vi vi phạm và sử dụng đất đúng mục đích; trường hợp công ty tiếp tục sử dụng đất không đúng mục đích hoặc giảm nhu cầu sử dụng đất sẽ bị thu hồi.

Thế nhưng kết quả kiểm tra hồi tháng 3/2019 của UBND quận 10 cho thấy Công ty CP Giày Sài Gòn chỉ sử dụng một phần nhỏ diện tích sàn xây dựng làm văn phòng, nhiều công trình khác tiếp tục được cho thuê làm kho chứa hàng. Điều này cho thấy nhu cầu sử dụng đất của doanh nghiệp giảm so với thực tế.

Trước thực trạng doanh nghiệp sử dụng đất sai mục đích và gần hết thời hạn cho thuê đất, UBND TP.HCM giao UBND quận 10 phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc xác định vị trí, diện tích đất cần thu hồi để xây dựng trường học đạt chuẩn phục vụ nhu cầu giáo dục của địa phương.

Điều đáng chú ý, khi chỉ còn gần nửa năm là hết thời hạn cho thuê đất thì vào ngày 6/7/2020, Công ty CP Giày Sài Gòn bất ngờ đổi tên thành Công ty CP giáo dục G Sài Gòn. Sau khi đổi tên, doanh nghiệp này đang lên phương án chào bán cổ phần riêng lẻ để tăng vốn điều lệ từ 32 tỷ đồng lên 100 tỷ đồng.

Theo phương án sử dụng nguồn vốn sau khi tăng vốn điều lệ, Công ty CP giáo dục G Sài Gòn sẽ dùng 20 tỷ đồng để trả nợ cho 2 cá nhân và dùng 48 tyr đồng bổ sung nguồn vốn làm thủ tục pháp lý xin tiếp tục được thuê đất và cải tạo, sửa chữa và mua sắm thiết bị dạy học.

 

Minh Thái

Theo Đất Việt