Sau 1 tháng vắng bóng, doanh nghiệp BĐS lại phát hành gần 7.000 tỷ đồng trái phiếu
Nếu như trong tháng 4/2022, không có doanh nghiệp bất động sản (BĐS) nào phát hành trái phiếu thì đến tháng 5, nhóm bất động sản xếp ở vị trí thứ hai về khối lượng phát hành với 6.879 tỷ đồng trái phiếu, tương đương 28,53% tổng giá trị phát hành.
Mới đây, Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) đã công bố báo cáo thị trường trái phiếu tháng 5 cho thấy các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành trái phiếu trở lại sau một tháng vắng bóng trên thị trường.
Theo đó, tính đến hết 31/5, các doanh nghiệp chỉ có 1 đợt phát hành ra công chúng trong khi có tới 34 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị phát hành 24.105 tỷ đồng. Nhóm bất động sản xếp ở vị trí thứ hai về khối lượng phát hành với 37.395 tỷ đồng trái phiếu, tương đương 32.85% tổng giá trị phát hành. Đứng đầu là nhóm ngân hàng với tổng giá trị 42,382 tỷ đồng, tương đương 37.4% tổng giá trị phát hành.
Trong danh sách phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 5 phải kể đến CTCP Đầu Tư và Phát Triển Eagle Side (3,930 tỷ đồng), Công ty Cố phần Long Thành Riverside (105 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (300 tỷ đồng)
Trước đó, trong tháng 4/2022, báo cáo của VBMA cho thấy, không có đợt phát hành trái phiếu ra công chúng nào và có 23 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị phát hành 16,472 tỷ đồng. Phần lớn doanh nghiệp phát hành trong tháng 4 đến từ các ngân hàng thương mại với 14,940 tỷ đồng, chiếm 90.7% tổng giá trị phát hành. Ngoài ra, doanh nghiệp thuộc các nhóm năng lượng, vận tải, sản xuất và tài chính cũng phát hành trái phiếu riêng lẻ trong tháng nhưng khối lượng chiếm chưa tới 10% tổng giá trị phát hành. Như vậy, trong tháng 4/2022, không có doanh nghiệp bất động sản nào phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).
Tính từ đầu năm đến nay, có 17 đợt phát hành TPDN ra công chúng với giá trị là 8.996 tỷ đồng chiếm 7.91% tổng giá trị phát hành và 160 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị 104.828 tỷ đồng chiếm 92.09% tổng giá trị phát hành. Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản đứng ở vị trí thứ hai với 37.395 tỷ đồng.
Trước đây không lâu, Bộ Tài chính đã có Văn bản gửi Chính phủ về tình hình trái phiếu doanh nghiệp năm 2021. Trong đó, đáng chú ý là có 20 doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhiều nhất năm 2021 với tổng số tiền lên đến hơn 100.000 tỷ đồng. Lãi vay TPDN của các doanh nghiệp này từ 8%/năm đến 12,9%/năm.
Theo nguồn tin từ Tiền Phong, Bộ Tài chính cho biết, để chào mời TPDN riêng lẻ cho nhà đầu tư cá nhân, nhiều công ty chứng khoán đã “lách luật” để “hô biến” nhiều nhà đầu tư cá nhân thiếu kinh nghiệm trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bằng hợp đồng mua kỳ hạn trái phiếu chính phủ hoặc chứng khoán niêm yết trong thời gian 2-4 ngày. Tư vấn cho nhà đầu tư cá nhân không trực tiếp đứng tên mua TPDN riêng lẻ mà ký hợp đồng dân sự với công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại đứng ra mua hộ.
Tại báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Bộ Tài chính cũng cho thấy, trong số 358 doanh nghiệp phát hành TPDN riêng lẻ trong năm 2021, có tới 57 doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ trước khi phát hành, 45 doanh nghiệp có nợ vay lớn hơn 10 lần vốn chủ sở hữu, và 10 doanh nghiệp có nợ vay lớn hơn 5 lần vốn chủ sở hữu.