Sau 3 tháng tích lũy, chờ cú kích hoạt đưa cổ phiếu HVN 'cất cánh'

Diễn biến tích cực của cổ phiếu HVN trùng với thời điểm Vietnam Airlines đẩy mạnh các hoạt động hợp tác chiến lược quốc tế.

Kết thúc tuần giao dịch 18-22/11, cổ phiếu HVN của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đóng cửa ở mức 27.450 đồng/cp, tăng 7,23% so với tuần trước đó. Theo đó, vốn hóa thị trường của hãng hàng không quốc gia đạt 60.785 tỷ đồng.

Không chỉ ghi nhận tín hiệu tích cực về diễn biến giá, thanh khoản cổ phiếu tiếp tục duy trì trên mức trung bình 20 phiên, với hơn 3 triệu đơn vị được khớp lệnh mỗi ngày.

Cổ phiếu HVN tăng trở lại sau 3 tháng tích luỹ  
Cổ phiếu HVN tăng trở lại sau 3 tháng tích luỹ  

So với mức giá thấp nhất trong tháng 11 là 21.000 đồng/cp, HVN đã tăng gần 30%. Theo phân tích kỹ thuật, nhịp tăng giá của cổ phiếu đã xuất hiện từ cuối tháng 10. Sang đầu tháng 11, đà tăng được củng cố khi cổ phiếu kiểm định thành công vùng tích lũy 19.000-22.000 đồng/cp. Các chỉ báo động lượng như RSI, OBV và MACD đều phát tín hiệu tích cực, cho thấy xu hướng tăng giá đáng tin cậy.

Tổng quan diễn biến giá cổ phiếu HVN từ đầu năm đến nay, cổ phiếu này đã tăng hơn 3 lần, từ vùng giá 12.000 đồng lên 36.500 đồng/cp, trước khi giảm mạnh về quanh mức 19.000 đồng/cp. Sau nhịp giảm gần 50%, cổ phiếu đã tích lũy trong hơn 3 tháng với khối lượng giao dịch thấp. Nhờ nhịp tích lũy này, HVN hoàn toàn có thể chinh phục lại vùng đỉnh trong phần còn lại của năm nếu dòng tiền duy trì ổn định.

Sau 3 tháng tích lũy, chờ cú kích hoạt đưa cổ phiếu HVN 'cất cánh' - Ảnh 1

Diễn biến tích cực của cổ phiếu HVN trùng với thời điểm Vietnam Airlines đẩy mạnh các hoạt động hợp tác chiến lược quốc tế. Cuối tháng 10, hãng đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với hai hãng hàng không hàng đầu thế giới là Etihad Airways và Emirates.

Theo đó, Vietnam Airlines và Etihad Airways sẽ phát triển quan hệ song phương trong lĩnh vực vận chuyển hành khách và hàng hóa, tăng cường kết nối giữa Abu Dhabi và Việt Nam, qua đó mở rộng mạng lưới đường bay của cả hai hãng. Đối với Emirates, Vietnam Airlines sẽ đẩy mạnh hợp tác trên các tuyến bay giữa Việt Nam và UAE, cũng như tới các điểm trung chuyển. Ngoài ra, hai hãng sẽ hợp tác trong lĩnh vực phục vụ hàng hóa, bảo dưỡng kỹ thuật, đào tạo và chia sẻ kinh nghiệm nhằm phát triển nguồn nhân lực.

Giữa tháng 11, thông tin từ Reuters cho biết Vietnam Airlines sẽ gửi đề xuất đến các nhà sản xuất máy bay vào năm 2025 để mua 50 máy bay thân hẹp. “Boeing là một lựa chọn, họ đã đưa ra lời đề nghị rất tốt cho chúng tôi,” ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn bên lề sự kiện của Hiệp hội các hãng hàng không châu Á - Thái Bình Dương tại Brunei.

Năm ngoái, hãng hàng không quốc gia cũng đã ký một thỏa thuận tạm thời với Boeing về việc mua 50 máy bay 737 MAX, nhưng thỏa thuận này vẫn chưa được hoàn tất. Ông Lê Hồng Hà cũng cho biết hãng sẽ cần thêm 170 máy bay mới vào năm 2035 để đáp ứng nhu cầu phát triển.

Về kết quả kinh doanh, kết thúc 9 tháng, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu 9.162 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ, và lợi nhuận sau thuế đạt 6.624 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với mức lỗ 3.534 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Năm nay, Vietnam Airlines đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất là 105.946 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 4.524 tỷ đồng. Với kết quả hiện tại, hãng đã hoàn thành 75% kế hoạch doanh thu và vượt xa mục tiêu lợi nhuận.

Tại thời điểm cuối quý III/2024, vốn chủ sở hữu âm 11.087 tỷ đồng, giảm đáng kể so với mức âm 17.026 tỷ đồng đầu năm. Lỗ lũy kế cũng giảm từ 41.057 tỷ đồng xuống còn 35.226 tỷ đồng.

Hoàng Anh

Theo VietnamFinance