Sau cú sốc suy giảm 2023, Gilimex 'vỡ trận' ĐHĐCĐ 2024
Thay tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh như mọi năm, năm nay, Gilimex lựa chọn tổ chức ĐHĐCĐ tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhưng cổ đông không đủ để tiến hàng đại hội.
Mới đây, Công ty CP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, HoSE: GIL) đã báo cáo về việc không thể tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 vào ngày 5/5. Nguyên nhân là do số cổ đông dự họp đại diện không đủ trên 65% tổng số phiếu biểu quyết.
Cụ thể, báo cáo kết quả xác nhận tư cách cổ đông ghi nhận, tổng số cổ đông dự họp (bao gồm cả cổ đông uỷ quyền) là 93 người, tương ứng chiếm 64,74% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự. Trong khi đó, theo điều lệ của Gilimex, Đại hội lần đầu phải có số cổ đông tham dự họp đại diện cho ít nhất 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự thì mới đủ điều kiện tiến hành. Nếu Đại hội lần đầu bất thành, Đại hội lần 2 sẽ được tổ chức trong vòng 30 ngày sau đó và phải có tối thiểu 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự, còn Đại hội lần 3 không phụ thuộc vào tỷ lệ cổ đông tham dự.
Đáng chú ý, thay vì tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh như mọi năm, năm nay, Gilimex bất ngờ chọn Cụm công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp Hắc Dịch, Khu phố Trảng Cát, phường Hắc Dịch, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu làm nơi diễn ra ĐHĐCĐ.
Hụt thu từ dệt may sau sự cố Amazon, dồn lực cho bất động sản khu công nghiệp
Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên, Gilimex đặt mục tiêu doanh thu năm 2024 đạt 1.500 tỷ đồng, tăng 60,2% so với thực hiện năm 2023. Lợi nhuận trước thuế kỳ vọng đạt mức 100 tỷ đồng, tăng trưởng 99,9%.
Cần biết, năm vừa qua, doanh nghiệp dệt may này đã có một kỳ kinh doanh không mấy sáng sủa khi doanh thu chỉ đạt hơn 936 tỷ đồng và lãi ròng vỏn vẹn 29 tỷ đồng, lần lượt giảm 70% và 92% so với năm 2022, không thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng đã đề ra. Bên cạnh đó, dòng tiền kinh doanh chính của Gilimex âm tới hơn 319 tỷ đồng, là mức âm kỷ lục kể từ khi thành lập.
Lý giải về kết quả nói trên, Gilimex cho biết, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã gặp rất nhiều khó khăn khi nhu cầu của khách hàng sụt giảm trong bối cảnh lạm phát neo cao và xung đột địa chính trị khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Bên cạnh đó, doanh nghiệp dệt may này cũng phải đối mặt với áp lực giảm giá của khách hàng cùng những quy định ngày càng khắt khe về tiêu chuẩn, chất lượng, yêu cầu liên tục cải tiến, áp dụng tự động hoá vào sản xuất.
Tại báo cáo thường niên, ban lãnh đạo Gilimex nhấn mạnh, doanh nghiệp đã thực hiện tái cấu trúc hoạt động sản xuất kinh doanh để phù hợp với tình hình mới. Theo đó, Gilimex đã bắt đầu ghi nhận gần 15 tỷ đồng doanh thu từ mảng bất động sản khu công nghiệp trong quý cuối năm. Mảng kinh doanh này cũng được kỳ vọng trở thành động lực tăng trưởng mới cho doanh nghiệp dệt may này trong những năm tới.
Trên thực tế, trong 3 tháng đầu năm, mảng bất động sản khu công nghiệp tiếp tục “toả sáng” và có những đóng góp tích cực vào kết quả kinh doanh của Gilimex. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024, doanh thu từ mảng này đạt xấp xỉ 78 tỷ đồng, tăng gấp hơn 5 lần so với quý IV/2023 - lần đầu tiên Gilimex ghi nhận doanh thu từ bất động sản, đóng góp 35% vào tổng doanh thu.
Cộng thêm 144 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động sản xuất, tổng doanh thu quý I/2024 của Gilimex đạt 221,5 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ. Không còn kinh doanh dưới giá vốn, lợi nhuận gộp đã chuyển dương, đạt 47 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm hơn 4 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí và thuế, doanh nghiệp lãi ròng hơn 7 tỷ đồng, cải thiện hoàn toàn so với khoản lỗ 38 tỷ đồng ghi nhận vào cùng kỳ năm ngoái.
Với kết quả kinh doanh nói trên, so với kế hoạch, doanh nghiệp đã thực hiện được 15% chỉ tiêu doanh thu và 7% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Nói thêm về định hướng kinh doanh năm 2024 của Gilimex, doanh nghiệp sẽ tiếp tục đầu tư phát triển sản phẩm ngành hàng chính là hàng gia dụng, tái cơ cấu để tối ưu hoá các chuyền may, đẩy mạnh phát triển sản phẩm, tìm kiếm khách hàng mới tiềm năng. Đặc biệt, đối với lĩnh vực bất động sản công nghiệp, Gilimex đặt tham vọng phát triển thêm các khu công nghiệp tại miền Bắc, miền Trung và miền Nam và các dịch vụ để phục vụ cho khu công nghiệp như nhà xưởng cho thuê, kho cho thuê, dịch vụ logistics.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 6/5, cổ phiếu GIL đóng cửa ở mức 33.500 đồng/cp, tăng 4,69%.