Sau hai ‘cơn sốt’ đất, giá bất động sản Hòa Lạc lại ‘nóng’ trở lại

Kể từ thời điểm có thông tin về việc Đại học Quốc gia sẽ chuyển trụ sở về Hòa Lạc (Thạch Thất), bất động sản khu vực này lại “nóng” trở lại.

Giá đất Hòa Lạc nóng trở lại

Cách đây hơn 10 năm khi Hà Nội sáp nhập với Hà Tây, rồi sau đó quy hoạch chung Thủ đô đến 2030 tầm nhìn 2050, thị trường bất động sản “nóng sốt” khắp mọi nơi.

Giá nhà đất Hòa Lạc khi đó tăng rất mạnh, gấp nhiều lần so với mặt bằng ban đầu. Giai đoạn 2008-2009, từ mức chỉ khoảng 2-3 triệu đồng/m2 cho những lô đất đẹp, ô tô đỗ cửa đã tăng vọt lên mức 10-15 triệu đồng/m2, cao điểm nhất có khu lên tới 30 triệu đồng/m2.

Những mảnh đất trong làng xóm khi đó có giá ban đầu chỉ chừng 500-600 nghìn đồng/m2 cũng được đẩy lên 5-6 triệu đồng mỗi m2. Với những lô đất mặt đường quốc lộ có giá lên tới 30 triệu đồng/m2.

Tuy nhiên sau đó thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng, “vỡ bong bóng” giá nhà đất ở khắp Hà Nội “xì hơi” vào giai đoạn 2011-2012, hầu hết các dự án tại khu đô thị vệ tinh đều bất động hoặc chậm triển khai. Trong đó, nhà đất Hòa Lạc cũng rơi vào tình trạng đóng băng, giá giảm sâu suốt 10 năm qua.

Trong quá trình phát triển hạ tầng 10 năm qua, đô thị vệ tinh Hòa Lạc không ngừng thay đổi diện mạo.

Hai dự án trọng điểm là Khu công nghệ cao và Khu Đại học Quốc gia Hà Nội được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Nhất là trong 2 năm qua các “ông lớn” BĐS bắt đầu đổ mạnh vốn vào khu công nghệ cao xây dựng các nhà máy.

Bất động sản Hòa Lạc đã trải qua nhiều đợt ‘sốt nóng’ nhờ các thông tin về quy hoạch.  
Bất động sản Hòa Lạc đã trải qua nhiều đợt ‘sốt nóng’ nhờ các thông tin về quy hoạch.  

Thời điểm hiện tại, sau khi có thông tin về việc Đại học Quốc gia sẽ chuyển trụ sở về Hòa Lạc giá đất quanh khu vực này lại ‘nổi sóng’.

Theo khảo sát, giá đất các xã xung quanh như Hoà Thạch, Tiến Xuân, Bình Yên chỉ loanh quanh khoảng trên dưới 15 triệu đồng/m2 và đang có xu hướng giảm do vắng khách. Thì những lô đất quanh Đại học Quốc gia Hà Nội lại “nóng”.

Đơn cử, lô đất tái định cư Đại học Quốc Gia, diện tích 100m2, thổ cư 100%, lòng đường 8m, vỉa hè 4m, cách quốc lộ 21 và chợ Hòa Lạc 300m chào bán 35 triệu đồng/m2.

Một lô đất khác có diện tích 100m2, nằm ở vị trí xấu hơn, có mặt tiền 5m, đấu lưng đường đôi khu tái định cư Đại học Quốc gia Hà Nội chào bán 31,5 triệu đồng/m2.

Một môi giới tại khu vực này cho biết, hiện nay giá đất xung quanh Đại học Quốc gia Hà Nội trụ sở Hòa Lạc giá bán khá cao. Năm 2021, giá bán chỉ loanh quanh khoảng hơn 20 triệu đồng/m2 thì nay đã lên đến 30 – 35 triệu đồng/m2. Thậm chí, có những lô đất đã chạm 40 triệu đồng/m2.

“Nếu như lô 100m2 khoảng 3,5 – 3,7 tỷ đồng thì những lô nhỏ 70m2 chỉ khoảng 2,8 tỷ đồng. Những lô nhỏ có mức giá cao hơn bởi tính thanh khoản khá tốt. Tới đây, khi sinh viên về đây học tập, giá đất có thể tăng thêm nữa, do vậy, cơ hội đầu tư vẫn còn nhiều”, môi giới này nhận định.

Liệu có còn cơ hội tăng giá?

Trở lại với 3 tháng trước, thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang căng thẳng thì thị trường BĐS lại sửng sốt khi trước tính trạng sốt đất tại xã Đồng Trúc, Huyện Thạch Thất.

Tại thời điểm đó, hàng trăm nhà đầu tư ùn ùn kéo đến, khiến giá đất bị đẩy cao gấp 3-4 lần. Nguyên nhân là do thông tin Tập đoàn Vingroup xin triển khai xây dựng khu đô thị với quy mô hàng trăm ha. Tuy nhiên, chỉ vài tuần sau, cơn sốt đất này đã chìm nghỉm khi công an vào cuộc xác minh các cò đất, đầu nậu thổi giá.

Trong đó, theo các chuyên gia bất động sản , về dài hạn sẽ rất khó để thị trường bất động sản Hòa Lạc “nóng sốt” hay tăng giá mạnh như kỳ vọng của các nhà đầu tư ở thời điểm hiện tại.

Trên thực tế, quỹ đất tại Hòa Lạc hiện nay vẫn còn rất nhiều. Chính vì vậy sẽ không thể xảy ra tình trạng khan hiếm hàng. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng dịch vụ tại đây vẫn chưa thực sự phát triển vượt bậc, thay đổi mạnh.

Vì vậy, nếu đang có ý định đầu tư mua đất nền tại Hòa Lạc, cần kiểm tra kỹ thông tin quy hoạch, đặc biệt là những dự án bán đất nền, phân lô.

Nhìn nhận về việc giá đất quanh khu vực quy hoạch tại Hòa Lạc có còn tiềm năng tăng giá hay không, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho biết, việc giá đất tăng quanh khu vực này là điều bình thường và không có gì khó hiểu. Bởi khi trường đại học được hoạt động sẽ kéo theo một lượng người khá đông trở về đây làm việc và học tập…

Ông Hiển cho rằng, mặc dù quy hoạch trường Đại học Quốc Gia Hà Nội cũng là quy hoạch nhà Nước nhưng so với quy hoạch về hệ thống phục vụ chung như Cảng, Giao thông trọng điểm thì quy hoạch này có độ rung sai cũng như độ thực thi yếu hơn, chính vì vậy nhà đầu tư cũng nên cẩn trọng trước khi quyết định đầu tư.

“Mức giá hiện tại có thể có tính thanh khoản tốt, có người sẽ chấp nhận mua nhưng cơ hội giá tiếp tục tăng nữa là thấp”, ông Hiển nhận định.

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch thường trực CLB Bất động sản Hà Nội cho rằng, khi có lượng người khá đông trở về đây làm việc và học tập, phát triển các hoạt động dịch vụ như ăn uống, nhà trọ… là một điều tất yếu, phù hợp quy luật. Do đó, khu vực này vẫn thu hút sự quan tâm.

Đất Hòa Lạc vẫn còn tiềm năng tăng giá trong thời gian tới.  
Đất Hòa Lạc vẫn còn tiềm năng tăng giá trong thời gian tới.  

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng đưa ra cảnh báo cho nhà đầu tư, việc xây dựng mới, mở rộng hạ tầng giao thông, xã hội sẽ đem lại giá trị lớn cho bất động sản lân cận, tuy nhiên hoạt động đầu tư này chỉ phù hợp với người có nguồn tiền nhàn rỗi và đầu tư dài hạn.

Thực tế, đã có nhiều bài học nhãn tiền về việc vội vàng đầu tư theo phong trào hoặc “ôm” đất quá lâu mà dòng tiền nhàn rỗi không đủ lớn hoặc mua cao hơn giá trị thực quá nhiều. Do đó, các nhà đầu tư nhỏ lẻ cần thận trọng, nghiên cứu kỹ để tránh “tiền mất tật mang”.

Minh Đức

Theo Kinh doanh & Phát triển