Hòa Lạc được quy hoạch lên thành phố cùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn, ‘sốt đất’ có quay trở lại?

Sau Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn đến lượt Hòa Lạc cũng được định hướng quy hoạch phát triển theo mô hình “Thành phố trong Thành phố”.

Hòa Lạc được quy hoạch lên thành phố cùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn, ‘sốt đất’ có quay trở lại? - Ảnh 1

Theo Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng – Lưu Quang Huy, định hướng triển khai trong điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô là đáp ứng yêu cầu thực tiễn; phù hợp với xu thế phát triển kinh tế – xã hội thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo. Từng bước nâng cao chất lượng, môi trường sống, cơ sở hạ tầng và cảnh quan đô thị; bảo đảm tính kế thừa, không ảnh hưởng lớn đến các dự án đầu tư đang triển khai.

Một số định hướng chính được đưa ra như xác định cơ sở dữ liệu kinh tế – xã hội, nguồn lực đầu tư phát triển và đặc biệt là tầm nhìn dài hạn cho sự phát triển Thủ đô trong thời kỳ công nghiệp hóa và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Bên cạnh đó là nghiên cứu mô hình cấu trúc đô thị để đáp ứng khả năng phát triển mô hình “Thành phố trong Thành phố” tại khu vực phía Bắc (gồm các huyện: Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn), phía Tây (thành phố mới Hòa Lạc) và một số “Thị xã mới trong Thành phố”.

Tranh thủ những định hướng trên được đưa ra, không ít doanh nghiệp nhỏ, sàn môi giới đang ra sức đẩy hàng nhằm thu hút khách hàng. Khi đó, nguy cơ về một cuộc sốt đất ‘điên cuồng’ lại nhăm nhe tái diễn.

Còn nhớ trong những đợt “nóng sốt” của thị trường nhà đất vùng ven đô Hà Nội thì Hòa Lạc luôn là khu vực được giới đầu tư quan tâm. Điển hình như vào thời điểm 2008 – 2009, những khu vực chỉ mới bắt đầu có thông tin trở thành đô thị vệ tinh như Hòa Lạc cơ sở hạ tầng còn yếu kém, vẫn chỉ là vùng quê hoang sơ thế nhưng giá nhà đất đã được đẩy cao gấp nhiều lần do hiệu ứng tâm lý đám đông, người người nhà nhà lao vào “cơn sốt” đất.

Từ 2011 nhà đất Hòa Lạc rơi vào tình trạng đóng băng, giá giảm sâu, nhiều nhà đầu tư ôm đất Hoà Lạc suốt 10 năm qua chưa thể thoát hàng.

Sau đó, đô thị vệ tinh Hòa Lạc không ngừng thay đổi diện mạo. Hai dự án trọng điểm là Khu công nghệ cao và Khu Đại học Quốc gia Hà Nội được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Đặc biệt chú ý, những năm qua các “ông lớn” bất động sản bắt đầu đổ mạnh vốn vào khu công nghệ cao xây dựng các nhà máy.

Đáng chú ý, đến giữa năm 2020, khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung đô thị Hoà Lạc, thị trường bất động sản tại đây lại được thổi giá nhộn nhịp trở lại. Theo nhiều nhân viên môi giới, giá đất tại Hòa Lạc, thuộc huyện Quốc Oai, Thạch Thất đã tăng 30% – 50% so với thời điểm này năm 2019.

Trong bối cảnh dịch bệnh bắt đầu hoành hành tại Việt Nam kể từ đầu năm 2020, thị trường bất động sản cùng vì thế mà ‘đuối’ hơn so với thời kỳ không có dịch bệnh. Tuy nhiên, bất chấp những ảnh hưởng của dịch bệnh, giá đất tại khu vực Hòa Lạc vẫn ‘lạc quan’ nhờ giới đầu tư tấp nập tìm về ‘săn đất’.

Đơn cử, chỉ trong thời gian ngắn, giá đất Đồng Trúc đã tăng gấp đôi, thậm chí, có thời điểm tăng tới 300%. Cụ thể, tại một số thôn Quan Giai, Đồng Táng, chỉ trong ít ngày, giá đất mặt ngõ đã tăng từ 3 – 7 triệu đồng/m2 lên 10 – 18 triệu đồng/m2, trong khi giá đất mặt đường tăng từ 7 – 12 triệu đồng/m2 lên trên 17 – 18 triệu đồng/m2. Thậm chí, một số nơi còn”hét giá” lên tới trên 25 triệu đồng/m2.

Khu vực xã Bình Yên, cách Đại lộ Thăng Long 4km và cách tỉnh lộ 420 chưa đầy 300 m, giá đất đã tăng từ 10 triệu đồng/m2 hồi đầu năm, lên 13 – 25 triệu đồng/m2 vào thời điểm hiện tại.

Đặc biệt với những khu ở gần Đại lộ Thăng Long hoặc gần khu công nghệ cao Hòa Lạc, giá đất nền đã tăng lên 27 – 29 triệu đồng/m2, thậm chí, một số nơi rao hơn 30 triệu đồng/m2.

Nhiều chuyên gia cho rằng, cho rằng, thị trường đất nền Hòa Lạc khởi sắc trong thời gian qua chủ yếu nhờ việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông và những tín hiệu tích cực từ xây dựng khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Theo đó, giá đất Hoà Lạc có thể sẽ tăng nhưng không tăng quá nhiều, và khó diễn ra tình trạng “sốt nóng”. Bởi quỹ đất tại Hòa Lạc còn lớn. Do đó nhà đầu tư phải tìm hiểu thật kỹ thị trường trước khi xuống tiền và phải đáp ứng được 3 yêu cầu: pháp lý đầy đủ, dự án không vướng quy hoạch, kiểm tra biên độ tăng giá trong một năm. Nếu biên độ tăng giá vượt quá 15%, giới đầu tư nên cẩn trọng, bởi đây có thể là chiêu trò của giới cò đất.

Quang Anh

Theo Kinh doanh & Phát triển