Sau lùm xùm của lãnh đạo, Nhà Thủ Đức còn lại gì?

Kể từ khi ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng bị bắt vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Nhà Thủ Đức rơi vào tình trạng kinh doanh thua lỗ, bết bát nhiều năm, đa phần số tài sản đều được sang nhượng để cứu vãn tình hình tài chính cùng với đó là liên tục thay đổi lãnh đạo.

Liên tiếp báo lỗ qua các kỳ báo cáo tài chính

Công ty cổ phần phát triển Nhà Thủ Đức được thành lập từ năm 1992 là doanh nghiệp nhà nước với tên gọi Công ty Quản Lý & Phát Triển Nhà Thủ Đức.

Nhà Thủ Đức đã có giai đoạn phát triển vượt bậc với doanh thu bứt phá. Trong giai đoạn 2015-2020 khi ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng còn ngồi “ghế nóng”, doanh thu và lợi nhuận của Nhà Thủ Đức từng bước tăng trưởng và lập kỷ lục vào năm 2019 với doanh thu 3.929 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 178 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau khi xuất hiện tình trạng nhập nhằng về thuế khiến nhiều lãnh đạo vướng vào vòng lao lý, kể từ đó, kinh doanh rơi vào cảnh sa sút trầm trọng.

Năm 2020, Nhà Thủ Đức nhập án truy thu thuế gần 400 tỷ đồng từ Cục Thuế Tp.HCM. Đến tháng 3/2021, số tiền thuế Thu Duc House phải nộp tăng lên tới hơn 450 tỷ đồng do tính thêm tiền chậm nộp.

Từ đó, doanh nghiệp này đã ghi nhận hoạt động kinh doanh bết bát khi lần đầu tiên trong vòng 10 năm ghi nhận lỗ 310 tỷ đồng trong năm tài chính 2020, doanh thu giảm tới 50% so với năm 2019 xuống còn 1.961 tỷ đồng.

Tình hình kinh doanh của Nhà Thủ Đức giai đoạn 2015-6T/2022
Tình hình kinh doanh của Nhà Thủ Đức giai đoạn 2015-6T/2022

Năm 2021, Thuduc House tiếp tục ghi nhận lỗ sau thuế 890 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế của công ty hết năm 2021 lên gần 694 tỷ đồng. Lỗ thuần sau thuế của cổ đông công ty mẹ lên tới hơn 942 tỷ đồng.

Đây đã là năm thứ 2 liên tiếp doanh nghiệp này ghi nhận thua lỗ, nếu trong năm 2022 Nhà Thủ Đức không ghi nhận có lãi trở lại sẽ đứng trước nguy cơ cổ phiếu bị hủy niêm yết trên sàn.

Kết thúc quý II/2022, Nhà Thủ Đức ghi nhận doanh thu thuần vỏn vẹn 10 tỷ đồng, giảm gần 92% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp lỗ sau thuế tới 17 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước có lãi 155 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, công ty ghi nhận doanh thu thuần 30 tỷ đồng và lãi sau thuế 42,6 tỷ đồng, lần lượt giảm 93% và 80% so với cùng kỳ năm 2021.

Nhiều lần thay đổi Chủ tịch HĐQT, thoái vốn tại nhiều công ty con

“Ghế nóng” Chủ tịch HĐQT tại Nhà Thủ Đức ghi nhận biến động liên tục kể từ sau khi ông Lê Chí Hiếu - người đã lãnh đạo doanh nghiệp gần 30 năm - từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT vì lý do sức khỏe.

Sau khi ông Lê Chí Hiếu xin từ nhiệm Chủ tịch HĐQT, ông Lữ Minh Sơn đã tạm thay vị trí của ông Hiếu. Theo kế hoạch, ông Sơn sẽ tiếp tục làm Chủ tịch đến khi Nhà Thủ Đức tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2022, nhưng chỉ mới đến ngày 14/3, ông Sơn đã xin từ nhiệm với lý do cá nhân.

Người thay thế ông Sơn là ông Dương Ngọc Hải - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty vào ngày 22/3. Ông Hải chỉ vừa tham gia HĐQT Nhà Thủ Đức từ tháng 12/2021, sau khi được bổ nhiệm vào ghế Phó Chủ tịch HĐQT.

Tuy nhiên không lâu sau đó ông Hải cũng theo chân ông Sơn xin từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân. Người ngồi "ghế nóng" thay thế ông Hải gánh trọng trách đầu tàu từ ngày 9/6 là ông Nguyễn Huy Hoàng. Ông Hoàng đã từng đảm nhiệm thành viên HĐQT độc lập tại Nhà Thủ Đức.

Thủ Đức House liên tục thay đổi lãnh đạo và thoái vốn tại nhiều công ty con
Thủ Đức House liên tục thay đổi lãnh đạo và thoái vốn tại nhiều công ty con

Cùng với việc liên tục thay đổi dàn lãnh đạo, Nhà Thủ Đức cũng liên tục có động thái thoái vốn, co hẹp hoạt động kinh doanh để bù đắp khoản tài chính bết bát.

Cụ thể, đầu năm 2021, Nhà Thủ Đức đã thoái toàn bộ vốn tại Công ty TNHH Dịch vụ Tam Bình - Thủ Đức (công ty con) và Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản Vico Quảng Trị (công ty liên kết).

Tháng 3/2021, Nhà Thủ Đức thông báo chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Công ty TNHH Song Hỷ Quốc tế với giá chuyển nhượng hơn 962 tỷ đồng, thu về số tiền lãi gần 225 tỷ đồng.

Đến tháng 6/2021, doanh nghiệp này lại tiếp tục thoái toàn bộ vốn tại Công ty Chứng khoán Sen Vàng (tỉ lệ sở hữu 22,49% - đây là công ty liên kết) và Công ty TNHH Thông Đức.

Cũng trong tháng 6/2021, Nhà Thủ Đức thoái toàn bộ vốn của công ty con là CTCP Ngoại thương và Phát triển Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (Fideco, MCK: FDC). Được biết, Nhà Thủ Đức là cổ đông lớn nhất của Fideco với hơn 16,6 triệu cổ phiếu, tương đương 43% vốn của Fideco.

Bên cạnh đó, vào tháng 7/2021, doanh nghiệp này thông báo chấm dứt hoạt động đầu tư Khu đô thị mới - khu 3 thuộc Khu đô thị Nam Cần Thơ, quận Cái Răng.

Mới đây, Nhà Thủ Đức cũng đã thông qua chủ trương thoái toàn bộ 51% vốn góp khỏi Công ty TNHH Bách Phú Thịnh.

Tại thời điểm ngày 31/6/2021, Nhà Thủ Đức sở hữu 8 công ty con trực tiếp và 3 công ty con gián tiếp. Tuy nhiên, sau 1 năm, TDH chỉ còn 6 công ty con trực tiếp, trong đó CTCP Lộc Phú Nhân vừa chính thức giải thể từ ngày 13/6/2022.

Sau khi thoái vốn tại hàng loạt các công ty con; chấm dứt đầu tư tại nhiều dự án, Nhà Thủ Đức chỉ còn đầu tư vào CTCP Đầu tư Nghĩa Phú.

Mặc dù hoạt động thoái vốn tại nhiều công ty con diễn ra liên tục nhưng dường như không đủ để bù đắp tài chính thâm hụt. Khi doanh thu tại thời điểm quý II/2022 chỉ vỏn ẹn 10 tỷ đồng và vẫn ghi nhận lỗ sau thuế lên tới 17 tỷ đồng.

 

Ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng – cựu Chủ tịch HĐQT Thủ Đức House sinh năm 1976, là Tiến sĩ quản trị kinh doanh. Ông Hoàng bắt đầu giữ chức vụ Thành viên HĐQT tại Nhà Thủ Đức từ năm 2011, sau đó ông là thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Thuduc House giai đoạn 2015 – 2021.

Cuối năm 2021, Bộ Công an đã khởi tố cựu Tổng Giám đốc Nguyễn Vũ Bảo Hoàng và Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Ngọc Trường Chinh do liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các lãnh đạo khác cũng bị khởi tố là bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Trưởng Phòng Xuất nhập khẩu Nhà Thủ Đức kiêm Giám đốc công ty Thủ Đức Wood; ông Quan Minh Tuấn - Kế toán trưởng công ty.

Hà Thu

Theo Chất lượng và Cuộc sống