Sẽ lên TP trực thuộc Trung ương, thị trường bất động sản tại một tỉnh miền Nam 'nóng' trở lại
Trong ba năm gần đây, thị trường bất động sản tại địa phương này cùng với TP. HCM vẫn duy trì đà tăng trưởng đều đặn, nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực phía Nam.
Từ trước đến nay, thông tin quy hoạch và hạ tầng luôn có tác động mạnh mẽ đến bức tranh thị trường bất động sản của khu vực.
Ví dụ, vào năm 2023, khi TP. Dĩ An (Bình Dương) được nâng cấp lên đô thị loại II và phấn đấu trở thành đô thị loại I vào năm 2025, thị trường bất động sản tại đây đã bắt đầu khởi sắc.
Trong nhiều năm qua, không thể phủ nhận rằng nhờ vào động lực từ quy hoạch, hạ tầng và định hướng phát triển, tỉnh Bình Dương đã thu hút đông đảo chuyên gia, kỹ sư, người lao động và nhân viên văn phòng đến làm việc và sinh sống. Điều này đã thúc đẩy nhu cầu nhà ở tăng cao.
Trong ba năm gần đây, thị trường bất động sản Bình Dương cùng với TP. HCM vẫn duy trì đà tăng trưởng đều đặn, nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực phía Nam.
Thông tin về việc Bình Dương dự kiến lên thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030 cũng được dự báo sẽ tiếp tục tác động đến thị trường bất động sản địa phương. Nhiều người kỳ vọng giá trị và mức độ biến động của bất động sản tại Bình Dương sẽ tăng mạnh trong tương lai.
Tình huống này tương tự như ở TP. Thủ Đức (TP. HCM), khi ngay sau quyết định lên thành phố vào năm 2021, giá bất động sản đã thay đổi đáng kể.
Vào năm 2017, nhiều dự án căn hộ tại TP. Thủ Đức có giá từ 20-25 triệu đồng/m2, nhưng hiện nay, giá thấp nhất cũng đã lên tới khoảng 50-60 triệu đồng/m2, mức giá không còn dễ tìm thấy.
Bình Dương vốn có lợi thế "sát vách" với TP. HCM, đặc biệt là khu vực Dĩ An nằm liền kề với TP. Thủ Đức, nên đã nhận được sự quan tâm đáng kể từ cả người mua thực lẫn nhà đầu tư trong nhiều năm qua.
TS Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao của Savills Việt Nam từng nhấn mạnh rằng, Bình Dương hiện có nhiều dự án căn hộ, nhưng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhu cầu nhà ở vẫn rất cao vì số lượng công việc ngày càng nhiều.
Theo TS Khương, các dự án căn hộ có mức giá từ 1,5-3 tỷ đồng/căn tại Bình Dương vẫn là dòng sản phẩm được người mua ở thực đón nhận tốt và nhà đầu tư lão luyện săn đón.
Chuyên gia Savills cho rằng, xét về cơ sở hạ tầng, cơ hội việc làm và tiện ích cộng đồng, bao gồm trường học, bệnh viện, và các cơ sở y tế, Bình Dương đang đáp ứng rất tốt và sẽ ngày càng hoàn thiện trong những năm tới. Đây là những yếu tố nền tảng thúc đẩy thị trường bất động sản, thu hút nhà đầu tư và cư dân.
So với TP. HCM, giá bán căn hộ tại Bình Dương vẫn "mềm" hơn một bậc. Trong tương lai, nếu Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh hạ tầng và tuân thủ đúng định hướng đề ra, chắc chắn sẽ mang đến nhiều cơ hội phát triển mới cho thị trường bất động sản.
Giới đầu tư cũng kỳ vọng việc Bình Dương được phê duyệt trở thành thành phố trực thuộc Trung ương không chỉ là động lực phát triển kinh tế - xã hội mà còn tạo ra cơ hội cho bất động sản tăng trưởng, góp phần hoàn thiện diện mạo đô thị của tỉnh.
Được biết, vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 790/QĐ-TTg, phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Quyết định này, Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, là một trong những trung tâm phát triển năng động và toàn diện của khu vực Đông Nam Á.
Tầm nhìn đến năm 2050, Bình Dương sẽ phát triển thành một trung tâm đô thị, công nghiệp, dịch vụ hiện đại, mang tầm khu vực và quốc tế, là một trong những động lực chính thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với nền tảng tăng trưởng dựa trên công nghiệp, dịch vụ, đổi mới sáng tạo, và có sức cạnh tranh cao.
Để đạt được các mục tiêu trên, Quy hoạch đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm cho Bình Dương, bao gồm: hợp tác phát triển vùng; đổi mới hệ sinh thái phát triển; phát triển xã hội và nguồn nhân lực; phát triển Bình Dương xanh; và phát triển các không gian động lực.
Theo đó, Bình Dương sẽ tập trung phối hợp với các chương trình phát triển quốc gia, vùng Đông Nam Bộ và các địa phương lân cận để mở rộng các kết nối giao thông, đặc biệt là các kết nối tới cảng biển (Cái Mép Thị Vải, Cần Giờ); cảng hàng không quốc tế (Tân Sơn Nhất, Long Thành); và cửa khẩu quốc tế (Mộc Bài - Tây Ninh, Hoa Lư - Bình Phước).
Ngoài ra, Bình Dương sẽ phân vùng phát triển thành các khu vực không gian động lực trong đó, TP. Dĩ An, TP. Thuận An, TP. Thủ Dầu Một, Tân Uyên, Bến Cát, và các khu vực khác sẽ thực hiện tái thiết, cải tạo đô thị; phát triển công nghệ tiên tiến và dịch vụ cộng đồng; đồng thời xây dựng mạng lưới giao thông công cộng kết nối vùng, tỉnh và đô thị.
Như vậy, với mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, Bình Dương sẽ đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng giao thông đồng bộ và xây dựng các khu đô thị mới.
Tỉnh cần đáp ứng tốt các hoạt động tiện ích và dịch vụ cộng đồng như trường học, khu vui chơi giải trí, bệnh viện, công viên, từ đó thu hút vốn đầu tư từ các tập đoàn lớn trong lĩnh vực bất động sản, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, và tăng cơ hội việc làm cho người dân.