Sếp ngân hàng tin nhà đất sẽ tăng giá, tiếp tục đổ tín dụng vào bất động sản
Tại kỳ ĐHĐCĐ thường niên, sếp lớn của nhiều ngân hàng đã bày tỏ quan điểm lạc quan về triển vọng của thị trường bất động sản trong năm 2025.
Sếp ngân hàng đặt niềm tin vào bất động sản
Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2025, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SHB Đỗ Quang Hiển nhận định, dù trải qua một số giai đoạn “trồi sụt” song triển vọng của thị trường bất động sản tại Việt Nam vẫn đang rất tích cực trong dài hạn.
“Nhu cầu bất động sản tại Việt Nam, bao gồm nhà ở, thương mại và các dịch vụ liên quan, hiện vẫn còn ở mức thấp so với các quốc gia trong khu vực. Đây là yếu tố cho thấy dư địa tăng trưởng rất lớn của lĩnh vực này trong thời gian tới. Thị trường bất động sản đang chứng kiến sự cải thiện ở nhiều yếu tố: giá trị thực, nhu cầu thực và dòng tiền đầu tư thực. Bất động sản Việt Nam nói chung và các dự án bất động sản mà SHB tài trợ nói riêng, đều là những khoản đầu tư có tiềm năng, hiệu quả và an toàn”, ông khẳng định.

Nói thêm về dư nợ tín dụng bất động sản, đại diện SHB cho biết, tính đến cuối năm 2024, dư nợ tín dụng bất động sản tại SHB chiếm khoảng 24,5% tổng dư nợ của ngân hàng. Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản tại SHB hiện đang ở mức rất thấp, chỉ chiếm khoảng 0,1% tổng dư nợ toàn hệ thống và khoảng 0,5% trên tổng dư nợ bất động sản.
Còn theo thống kê của Wichart, trong năm 2024, dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản tại SHB đạt 122,9 nghìn tỷ đồng, trở thành lĩnh vực vay vốn lớn thứ hai, chỉ xếp sau nhóm bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy và xe có động cơ khác (145,7 nghìn tỷ đồng).
Cùng chia sẻ quan điểm tích cực về triển vọng thị trường bất động sản, ông Vũ Văn Tiền, Phó Chủ tịch HĐQT ABBank nhận định, bất động sản sẽ tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế và là lĩnh vực có tiềm năng phát triển dài hạn.
“Bất động sản không bao giờ chết và dư địa của thị trường này còn kéo dài đến mấy chục năm nữa. Không chỉ ở Việt Nam, mà ngay cả tại Mỹ, nơi thị trường đã phát triển hàng trăm năm, giao dịch bất động sản vẫn mang lại lợi nhuận”, ông Tiền nhấn mạnh.
Chính vì lý do này, ông Tiền yêu cầu ban điều hành ABBank cho vay phải có tài sản đảm bảo là bất động sản, sau đó mới đến nhà máy.
Đồng quan điểm, Chủ tịch HĐQT VietinBank Trần Bình Minh cũng cho rằng thị trường bất động sản đang cho thấy những tín hiệu hồi phục sau giai đoạn thanh lọc mạnh.
"Hiện nay, nguồn cung sản phẩm và số lượng giao dịch đã tăng lên rõ rệt. Ngành xây dựng và vật liệu xây dựng, vốn có liên hệ mật thiết với bất động sản, cũng đang phục hồi theo chiều hướng tích cực", ông nói.
Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT OCB Trịnh Văn Tuấn cũng đặt niềm tin sự phục hồi của thị trường bất động sản sẽ tác động tích cực lên kết quả kinh doanh của ngân hàng trong năm 2025.
"Năm nay OCB sẽ chuyển mình, đặc biệt sự phục hồi của ngành bất động sản tác động đến ngân hàng rất nhiều. Không năm nay thì năm sau, nói chung về trung, dài hạn là ổn", ông Tuấn chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2025.
Bất động sản: Động lực cho tăng trưởng tín dụng năm 2025?
Phát biểu tại một hội nghị vào cuối tháng 2 vừa qua, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, dư nợ tín dụng bất động sản toàn hệ thống đang ở mức 3,48 triệu tỷ đồng. Trong khi đó, chỉ riêng tại khu vực II, NHNN cho biết, tính đến cuối tháng 2/2025, tổng dư nợ tín dụng bất động sản trên địa bàn TP.HCM đạt 1.098 nghìn tỷ đồng, tăng 1,15% so với cuối năm 2024 và chiếm khoảng 28% tổng dư nợ tín dụng trên toàn địa bàn.

Những năm qua, dư nợ tín dụng bất động sản liên tục tăng, cho thấy ngành này vẫn là một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế cũng như chỉ ra nhu cầu vốn cho thị trường bất động sản vẫn còn rất lớn. Xu hướng này được dự đoán sẽ tiếp diễn trong năm 2025 khi sự phục hồi của thị trường bất động sản được xem là một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng.
Lãnh đạo VietinBank cho biết, trong năm 2025, ngân hàng sẽ tiếp tục ưu tiên các doanh nghiệp lớn trong các lĩnh vực trọng điểm như bất động sản, logistics, điện, thủy điện, ô tô. Với doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngân hàng sẽ chọn lọc kỹ hơn, ưu tiên những đơn vị hoạt động trong lĩnh vực có triển vọng như công nghiệp chế biến, hạ tầng giao thông, bất động sản khu công nghiệp,...
Thực tế, ngay từ đầu năm, nhiều ngân hàng cũng đã tung ra hàng loạt chương trình ưu đãi dành cho lĩnh vực bất động sản.
Đáng chú ý, ở phân khúc cho vay mua nhà ở, một số ngân hàng như ACB, SHB, BIDV… đã giới thiệu các gói vay mua nhà dành riêng cho nhóm khách hàng trẻ tuổi. Mỗi gói tín dụng có đặc điểm riêng, song nhìn chung, lãi suất vay mua nhà được đưa ra có xu hướng thấp hơn đáng kể so với mặt bằng chung trên thị trường. Một số ngân hàng thậm chí còn áp dụng mức lãi suất ưu đãi rất cạnh tranh, như 0% tại KienlongBank, 3,6% tại TPBank, 3,99% tại SHB hay 5,5% tại ACB.
Những gói tín dụng này đã góp phần đáng kể trong việc thúc đẩy nhu cầu vay vốn mua bất động sản của người dân. Đơn cử, tại ngân hàng ACB, sau hơn một tháng triển khai chương trình cho vay mua nhà dành cho khách hàng trẻ dưới 35 tuổi với thời hạn vay lên tới 30 năm, ngân hàng cho biết đã giải ngân khoảng 500 tỷ đồng và hiện còn 200 tỷ đồng đang trong quá trình hoàn tất thủ tục để giải ngân.
Theo VinaCapital, trong bối cảnh nền kinh tế đang dần phục hồi và các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ tiếp tục được triển khai, tín dụng dành cho cá nhân mua nhà được kỳ vọng sẽ ghi nhận mức tăng trưởng mạnh, có thể tăng gấp đôi từ khoảng 10% lên gần 20% trong năm nay. Diễn biến này được cho là sẽ góp phần quan trọng vào việc hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng tín dụng mà hệ thống ngân hàng đã đề ra.