'Shark' Thuỷ: Từ thương vụ triệu USD thất bại, đến tai tiếng 'xù' học phí rồi bị bắt
Ông Nguyễn Ngọc Thủy - 'Shark' Thủy, Chủ tịch Egroup, bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ngày 26/3, trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can ông Nguyễn Ngọc Thủy (hay còn gọi 'Shark' Thủy).
Đồng thời cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Ngọc Thủy - chủ tịch Tập đoàn Egroup.
Ông Thủy bị điều tra về tội 'lừa đảo chiếm đoạt tài sản'.
Nổi lên với Apax English và Shark Tank Việt Nam
'Shark' Thủy hay còn được gọi là ông Nguyễn Ngọc Thủy - Chủ tịch HĐQT Egroup, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Apax Holdings - đơn vị sở hữu hệ thống Trung tâm tiếng anh Apax English. Sau khi tham gia Shark Tank Việt Nam 3 mùa đầu tiên, ông trở nên nổi tiếng hơn và tên gọi shark Thủy gắn liền với vị chủ tịch này kể từ đó.
Điểm chung của các startup do 'Shark' Thủy rót vốn là hầu hết đều bị các nhà đầu tư khác từ chối, và quan điểm của ông là 'thích lao vào khi người khác bỏ đi'.
Trong số các nhà đầu tư trong Shark Tank Việt Nam, 'Shark' Thủy là người duy nhất chưa tốt nghiệp đại học. Ông đã quyết định rời bỏ giảng đường đại học và rẽ hướng sang làm kinh doanh từ rất sớm. Sự nghiệp kinh doanh của ông bắt từ năm 17 tuổi, khi ông cùng một thầy giáo mở trung tâm luyện thi đại học ở khu vực quận Hà Đông, Hà Nội.
Bắt đầu khởi nghiệp từ trung tâm luyện thi đại học, 'Shark' Thủy không ngừng thử sức ở các dự án khác. Chính công việc kinh doanh bận rộn khiến ông không thể dành thời gian để học tập tại trường Đại học Mỏ – Địa Chất như dự định ban đầu. Vì vậy, ông đã quyết định bảo lưu kết quả học tập và tập trung thời gian cho sự nghiệp kinh doanh
Đến năm 2008, 'Shark' Thủy thành lập công ty Egame, tiền thân của tập đoàn Egroup. Cho đến nay, Egroup đã tồn tại và phát triển được hơn 10 năm. Shark Thủy đã xây dựng được một 'hệ sinh thái giáo dục' Egroup với chuỗi 1 công ty con chuyên phát triển các lĩnh vực công nghệ thông tin, giáo dục, sức khỏe.
Tập đoàn Egroup là tiên phong trong việc khởi tạo nhiều dự án giáo dục dưới nền tảng ứng dụng công nghệ hiện đại của thế giới. Một trong niềm tự hào của tập đoàn Egroup là chuỗi trung tâm tiếng Anh Apax (Apax English) với sự hợp tác cùng tập đoàn lớn như Chungdahm Learning, SK Telecom, Mega Next, Yakson Myung Ga, Culture 21, Franklin Learning Centre (Mỹ)…
Shark Tank là một sân chơi để các doanh nhân trẻ với mong muốn khởi nghiệp, thể hiện tư duy, ý tưởng kinh doanh mới mẻ của mình, tại đây các startup sẽ phải thuyết phục các nhà đầu tư 'rót vốn' và hỗ trợ cho dự án của mình.
'Shark' Thủy cũng như các vị shark quyền lực của Shark Tank Việt Nam, là những doanh nhân thành đạt, chính là các nhà đầu tư thông thái tìm và góp vốn phát triển những dự án khởi nghiệp tiềm năng, có tác động tích cực đến xã hội.
Quán quân đầu tư vào startup của Shark Tank Việt Nam đang thuộc về 'Shark' Thuỷ – Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tập đoàn Egroup – đơn vị sở hữu chuỗi Apax Leaders với 8/9 thương vụ đề nghị đầu tư trên sóng truyền hình được rót vốn. Đây là tỷ lệ hiếm có – một tỷ lệ vàng của Shark Tank Việt Nam.
Dự án 'Shark' Thủy rót vốn đầu tư trong Shark Tank Việt Nam
Mặc dù chỉ xuất hiện với tư cách nhà đầu tư khách mời trong Shark Tank Việt Nam, những CEO Egroup đã cam kết rót vốn hàng chục tỷ đồng trong việc đầu tư vào các startup. Chỉ tính riêng mùa 1 của chương trình 'Shark' Thủy đã cam kết rót vốn lên tới 19,2 tỷ đồng. Trong đó, với dự án Soya Garden số vốn được đầu tư lên đến 15 tỷ đồng.
Ở mùa 2 của chương trình, 'Shark' Thủy đã chi trên dưới 25 tỷ cho các startup về giáo dục. Thương vụ đầu tư lớn nhất của ông lên đến 500.000 USD dành cho Công ty Magic Book. Trong đó, 200.000 USD để đổi lấy 30% vốn công ty và 300.000 USD là trái phiếu chuyển đổi.
Cụ thể, những dự án Shark Nguyễn Ngọc Thủy cam kết đầu tư trong Thương vụ bạc tỷ có thể kể đến:
Dự án Soya Garden – lĩnh vực thực phẩm, đồ uống : Mức đầu tư 15 tỷ đồng cho 45% cổ phần công ty.
Dự án Volunteer for Education – lĩnh vực hàng không, du lịch : mức đầu tư 2,7 tỷ đồng cho 36% cổ phần.
Dự án Umbala – lĩnh vực công nghệ cao: mức đầu tư 260.000 USD cho 15% cổ phần.
Dự án Magic Book – lĩnh vực giáo dục và đào tạo: mức đầu tư 500.000 USD cho 30% cổ phần.
Dự án Talks cafe 100% English – lĩnh vực giáo dục : mức đầu tư 5 tỷ đồng cho 45% cổ phần.
Dự án We Escape – lĩnh vực dịch vụ khách hàng : mức đầu tư 5 tỷ đồng cho 36% cổ phần.
Những lùm xùm 'xù' học phí, bỏ rơi học viên rồi bị bắt
Bộ Công an chưa công bố cụ thể hành vi của ông Thủy. Còn trước đó, Công an TP. HCM nhận được hàng trăm đơn tố cáo của phụ huynh tại TP HCM, cho rằng bị Công ty CP Anh ngữ Apax Leaders "chiếm đoạt tiền học phí" khoảng 6 tỷ đồng. Trong đơn, họ cho biết đã phải chi hàng trăm triệu đồng mua khóa học tiếng Anh tại Apax Leaders cho con nhưng các cháu không được học vì trung tâm đã đóng cửa, đòi lại tiền thì không được.
Trước đó, ngày 9/1, Chủ tịch Egroup có thông báo: gặp 'khó khăn đặc biệt' khi một số trung tâm tại TP. HCM phải tạm dừng do một nhóm phụ huynh đến bao vây, đòi lại học phí. Nhân sự lo sợ nghỉ việc, tăng số lượng rút phí do các trung tâm đang hoạt động không thể giảng dạy trực tiếp cho học sinh... Hiện công ty Shark Thủy đã dừng giảng dạy trực tiếp tại các trung tâm ở TP. HCM để 'đảm bảo an toàn cho học sinh và thầy cô'.
Nhiều phụ huynh cho con theo học tại hệ thống các trung tâm Anh ngữ Apax Leader của ông Thủy cũng phản ánh doanh nghiệp của ông Thủy đã nhiều lần trễ hẹn hoàn học phí. Apax Leaders mới hoàn 20 - 60% tiền học phí cho phụ huynh trong hai đợt vào tháng 6 và 8/2023.
Sau đó, công ty liên tiếp trễ hẹn. Đến tháng 11/2023, trung tâm này đưa ra lộ trình hoàn số tiền còn lại theo từng giai đoạn, bắt đầu với 5% vào ngày 31/12/2023.
Tuy nhiên, trước thời điểm hoàn tiền một ngày, ông Thủy gửi thư xin lỗi đến phụ huynh và học viên tại các trung tâm về việc không thực hiện được lộ trình thanh toán. Do còn nhiều khó khăn phát sinh ngoài dự kiến, khiến các trung tâm không thể hoạt động. Công ty hứa đến ngày 9/1 (tức ngày ra thông báo) sẽ đưa ra kế hoạch hoàn phí mới.