Sở hữu tiền nhàn rỗi nên đầu tư như thế nào vào BĐS?

Trong giai đoạn thị trường bất động sản trầm lắng, hầu hết nhà đầu tư đều có xu hướng chờ đợi, thăm dò… những biến động tiếp theo của thị trường. Nhiều nhà đầu tư sở hữu số nhiền nhàn rỗi trong thời điểm này đang loay hoay giải “bài toán” có nên “xuống tiền” trong lúc nhà đất giảm giá hay tiếp tục chờ thời “bắt đáy”?

Sở hữu tiền nhàn rỗi nên đầu tư như thế nào vào BĐS? - Ảnh 1

Đâu là biện pháp thích hợp

Chị Nguyễn Thị Hà (Quận 3, TP.HCM) tích lũy được số tiền hơn 3 tỷ đồng sau khi hết thời hạn gửi tiết kiệm, quan sát thấy thị trường BĐS đang trầm lắng, giá rao bán nhà đất giảm đi nhiều. Thay vì tiếp tục gửi tiết kiệm, chị quyết định mua đất nền ở khu vực Bến Lức (Long An) để đầu tư dài hạn. Nhìn được tiềm năng là nơi phát triển khu công nghiệp trong tương lai và hưởng lợi từ 2 dự án lớn Vành đai 3, Vành đai 4… tuy nhiên chị Hà vẫn chần chừ khi quyết định “xuống tiền”.

“Tôi nhận được nhiều lời khuyên bảo rằng mua sớm sẽ bị hớ vì giá sẽ còn xuống nữa. Nhưng thị trường luôn biến động bất ngờ, tôi sợ nếu không chốt giao dịch nhanh giá trở lại như trước. Hơn nữa, với ý định đầu tư dài hạn tôi nghĩ mình sẽ không bị lỗ vốn”, chị Hà chia sẻ.

Trái ngược với chị Hà, anh Trần Văn Hữu (Quận Bình Thạnh, TP.HCM) cũng là một nhà đầu tư mới thay vì mua nhà đất trong thời điểm giảm giá như hiện nay, anh vẫn quyết định “ôm” tiền chờ thị trường “chạm đáy” mới đầu tư để sinh lợi nhuận cao hơn.

“Sau khi tìm hiểu, dự đoán thị trường BĐS khó có thể phục hồi trở lại trong cuối năm nay. Trong khi lãi suất ngân hàng tăng cao tôi đã gửi tiết kiệm 12 tháng chờ giá nhà đất giảm mạnh vào năm tới rồi mới quyết định mua vào”, anh Hữu cho biết.

Giá BĐS trên đà tụt dốc đã khiến nhiều nhà đầu tư băn khoăn tìm đáp án cho câu hỏi giữa việc nhanh tay chốt giao dịch và tiếp tục mạo hiểm chờ đợi thì đâu là giải pháp đầu tư hiệu quả nhất.

Sở hữu tiền nhàn rỗi nên đầu tư như thế nào vào BĐS? - Ảnh 2

Đầu tư thế nào để an toàn?

Theo phân tích từ các chuyên gia, với tình trạng thị trường BĐS khó khăn tiếp cận nguồn vốn như hiện nay, việc sở hữu một số tiền nhàn rỗi khoảng 3 đến 5 tỷ là một ưu thế vô cùng lớn. Thanh khoản thị trường hiện đang tương đối kém các nhà đầu tư vẫn nên chờ đợi, quan sát tình hình. Trong thời điểm lãi suất ngân hàng tăng cao thì việc gửi tiết kiệm là một lựa chọn hợp lý vì có thể thu được một khoản tiền lãi đủ để chi trả cho các khoản phí chi tiêu, phí sinh hoạt hoặc tích góp được thêm nguồn vốn mới.

Tuy nhiên, để có thể linh hoạt được khoản tiền thì tốt nhất chỉ nên gửi tiết kiệm trong khoảng thời gian từ 3 – 6 tháng, không nên gửi dài hạn vì khi đến thời điểm thích hợp xuống tiền thì có thể nhanh chóng giải ngân số tiền để giao dịch mà không lo bị mất tiền lãi.

Thị trường đang bước vào quý cuối năm 2022, sản phẩm BĐS ở thị trường thứ cấp được rao bán khá nhiều trong khi nhu cầu giảm mạnh. Do đó, nhiều chủ đầu tư và nhà đầu tư trước đó không chịu nổi áp lực tài chính đã giảm giá, chiết khấu cao thu hút lượng người mua để có thể hồi vốn.

Cơn sóng giảm giá, cắt lỗ đang từ từ hiện rõ ở những tháng cuối năm, chuyên gia dự đoán rằng làn sóng “xả hàng” sẽ dâng cao hơn vào năm 2023. Đây sẽ thời thời điểm “mất ăn mất ngủ” đối với các nhà đầu tư sử dụng đòn bẫy tài chính, giá BĐS cũng sẽ tiếp tục giảm mạnh. Dẫn đến, không ít nhà đầu tư mới lui về chờ cơ hội “bắt đáy” săn giá rẻ.  

Thời gian qua, giá BĐS ở một vài địa phương đã bị đẩy lên khá cao so với giá trị thực tế. Vì vậy, khi thị trường gặp khó khăn không ít nhà đầu tư giảm giá mạnh nhưng không bị lỗ vốn vì chỉ giảm lời hoặc giảm giá để cơ cấu lại dòng tiền và vẫn có thể hoàn vốn, nhà đầu tư chỉ bị lỗ nặng khi sử dụng đòn bẫy tài chính quá tay.

Mặc dù giá bán trên thị trường thứ cấp đã giảm nhưng nếu muốn mua BĐS ở thời điểm hiện tại mà lo sợ bị hớ giá thì với ưu thế có sẵn nguồn vốn, thay vì thanh toán trong một lần mọi người nên thương lượng hạ mức giá bán xuống từ 30 – 40%.

Mặt khác, nếu tiếp tục “ôm” tiền chờ thời cơ vào năm sau thì có thể mua được sản phẩm mức giá tốt hơn, giá dự kiến có thể giảm đến 50%. Tuy nhiên, muốn bắt đáy cũng cần xem xét các yếu tố như vị trí, pháp lý, hạ tầng quy hoạch… để xác định giá trị tài sản một cách chính xác tránh việc ham rẻ để rồi xảy ra tình trạng “mua dễ khó bán”. Bên cạnh đó, cần cân nhắc lựa chọn đầu tư vào phân khúc BĐS có tiềm năng hạn chế xảy ra rủi ro khi thị trường diễn biến xấu.

Theo Chất lượng và Cuộc sống