Sở ngành Hà Nội xin về trụ sở cũ: Lý do gì?

Bất cập chính vẫn liên quan tới chủ trương, định hướng xây dựng trung tâm hành tập trung của Hà Nội chưa phù hợp

Hàng loạt sở ngành Hà Nội xin quay lại trụ sở cũ sau gần một năm chuyển tới Khu liên cơ hành chính tập trung (Khu liên cơ) được đầu tư hơn 1000 tỷ.

Sở ngành Hà Nội xin về trụ sở cũ: Lý do gì? - Ảnh 1
Khu Liên cơ Hà Nội. Ảnh: Dân Trí

Cụ thể như Sở Quy hoạch & Kiến trúc (QH&KT) Hà Nội chuyển lên Khu liên cơ được vài tháng, nay cũng xin quay về. Còn Sở Tài nguyên và Môi trường lẽ ra là sở cuối cùng chuyển về Khu liên cơ nhưng đến phút cuối lại dừng, hiện đơn vị này đã sửa sang trụ sở cũ để ở lại.

Bình luận về việc này, KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, trước khi bàn luận việc đi hay ở của các sở ngành nói trên là đúng hay sai thì cần nhìn lại nhiều yếu tố.

Đầu tiên phải bàn tới yếu tố lịch sử. KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết, khi thiết kế xây dựng các trung tâm hành chính tập trung phải xét tới quá trình hình thành cũng như quy mô của từng đô thị cụ thể. Trên cơ sở đó mới đưa ra được phương án xử lý phù hợp.

Với Hà Nội, là đô thị đặc thù có lịch sử hình thành quản lý từ rất lâu đời. Từ năm 1954 tới nay, trong tất cả các lần xây dựng quy hoạch của Hà Nội đều xác định rất rõ chức năng của từng khu rất cụ thể.

Do đó, trong thời gian tới, khi thực hiện các chủ trương quy hoạch Hà Nội cần phải xem xét tới các yếu tố kế thừa để rút ra bài học kinh nghiệm.

Ví dụ, với Hà Nội, từ xa xưa đã luôn khẳng định khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm, Ba Đình đã được xác định là khu trung tâm hành chính, chính trị của Thủ đô. Điều này cũng được thể hiện thống nhất trong tất cả các lần điều chỉnh quy hoạch từ hơn 70 năm qua. Vì thế, các cơ quan quản lý hành chính nhà nước cũng được thiết kế dựa theo định hướng trên, điển hình là các sở ngành của Hà Nội đều được bố trí nằm xung quanh khu vực này.

Chủ trương, hình thành các trung tâm hành chính tập trung là một xu hướng chung, tuy nhiên, việc thiết kế như thế nào thì cần phải xem xét tới từng yếu tố cụ thể.

Tại Hà Nội, hiện mới chỉ đặt ra vấn đề về chức năng của trung tâm hành chính đó với vị trí của Hà Nội là như thế nào?

Tiếp nữa, trong các định hướng quy hoạch của Hà Nội, mới chỉ đặt ra vấn đề là di dời chung một cơ sở bộ, ngành cơ quan trung ương, các cơ sở công nghiệp và các trường đại học, chưa đặt ra vấn đề cụ thể là di dời các cơ quan, trụ sở của Hà Nội. Tất cả các quy hoạch chung đều khẳng định như vậy, Hà Nội đang căn vào chủ trương chung để triển khai chứ chưa có nghiên cứu với tình hình cụ thể để thực hiện.

Chính vì điều này dẫn tới những bất cập nhất định khi vừa mới triển khai thực hiện.

Cụ thể là những bất cập tại Khu liên cơ hành chính tập trung như đang thấy.

"Đồng ý việc tập trung làm việc về một khu sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất định cho người dân khi đến làm việc với các bộ phận một cửa, giúp rút ngắn thời gian, không phải đi lại nhiều. Tuy nhiên, việc một số Khu liên cơ trở về trụ sở cũ là minh chứng cho sự tồn tại của định hướng hình thành các khu tập trung lớn tại khu vực trung tâm của Hà Nội. Ở đây không chỉ là diện tích lớn, là thói quen đi lại mà còn gắn với đó là những yếu tố về văn hóa, lịch sử cũng cần được tôn trọng.

Từ thực tiễn trên, cũng một lần nữa đặt ra vấn đề định hướng, xây dựng lại các khu hành chính tập trung của Hà Nội cần phải được cân nhắc, lấy ý kiến rộng rãi", ông Nghiêm nói.

Vì sao khó di dời?

Ngoài ra, về những lo ngại việc không muốn di dời còn vì giữ đất vàng, KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng cần tách bạch giữa Hà Nội và trung ương.

Vị KTS phân tích, theo luật quy định, đất công được  giao cho các cơ quan quản lý, sử dụng đều được phân cấp rất rõ ràng.

Theo đó, có đất công được giao cho các tỉnh thành quản lý, có diện tích đất công lại do trung ương, còn có diện tích lại do các bộ ngành trực thuộc trung ương quản lý.

Với quy định như trên, các diện tích đất giao cho các bộ, ngành quản lý, sử dụng, xây dựng làm trụ sở là thuộc quyền quản lý của các bộ ngành. Do đó, các bộ ngành được quyền sử dụng, quyết định việc sử dụng diện tích đất được giao trong suốt thời gian sử dụng theo hợp đồng.

Đối với diện tích đất được giao cho các cơ quan sở ngành là diện tích đất được giao cho các tỉnh thành quản lý.

"Khi hiểu rõ như vậy sẽ thấy các sở ngành không phải muốn giữ lại đất thì đất đó sẽ thuộc quyền quản lý của họ. Các sở ngành chỉ được quyền sử dụng đất theo phân cấp, không được quyền quyết định, định đoạt số phận liên quan tới diện tích đất đó.

Việc này khác với các bộ ngành trực thuộc trung ương, các bộ ngành được giao đất theo thời hạn và được quyền quản lý và quyết định việc sử dụng diện tích đó trong đúng thời hạn quy định.

Vì điều này mới có chuyện nhiều bộ ngành khi di dời không muốn trả lại trụ sở đất vàng vì họ đã cho thuê, hoặc sử dụng vào mục đích khác.

Đây cũng là lý do, khiến Hà Nội phải xin cơ chế đặc thù buộc các bộ, ngành khi di dời về trụ sở mới phải trả lại đất cũ cho Hà Nội. Nếu không có cơ chế đặc thù các bộ ngành sẽ không cơ quan nào muốn trả lại đất cũ", ông Nghiêm nói.

Thái Bình

Theo Đất Việt