'Sốt đất' trước khi sáp nhập tỉnh thành: 'Cơ hội nhưng cần tỉnh táo'
Theo chuyên gia Nguyễn Quốc Anh, làn sóng sáp nhập tỉnh mở ra nhiều cơ hội rõ rệt cho thị trường bất động sản, song cũng đi kèm với không ít thách thức mà nhà đầu tư và doanh nghiệp cần thận trọng đối mặt.
Chính sách sáp nhập tỉnh và bỏ cấp huyện là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, với mục tiêu trọng tâm là tổ chức lại bộ máy chính quyền theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối, nâng cao hiệu quả hoạt động và hiệu lực quản lý nhà nước.
Trong lĩnh vực bất động sản, chính sách này được kỳ vọng sẽ tạo động lực mới cho tăng trưởng, nhất là tại các khu vực có tiềm năng bổ trợ về kinh tế, văn hóa hoặc vị trí địa lý. Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, đây là một trong những tín hiệu được thị trường đón nhận tích cực.

Theo khảo sát của Batdongsan.com.vn, có tới 68,4% môi giới đánh giá việc sáp nhập tỉnh sẽ mang lại tác động tích cực đến thị trường địa ốc. Mức độ quan tâm bất động sản tại nhiều địa phương đã tăng vọt trong tháng 3/2025 so với tháng trước đó.
Cụ thể, một số cặp địa phương có tiềm năng sáp nhập ghi nhận sự quan tâm tăng mạnh. Đơn cử như Hà Nam – Ninh Bình có mức độ quan tâm lần lượt tăng 30% và 95% trong tháng 3. Hai tỉnh này từng thuộc tỉnh Hà Nam Ninh cũ, đều không đạt chuẩn diện tích và dân số.
Tiếp đến là Đà Nẵng – Quảng Nam có sự bổ trợ về kinh tế, du lịch và văn hóa. Mức độ quan tâm 2 địa phương này đã tăng lần lượt là 39% và 96%. Cùng thuộc vùng công nghiệp trọng điểm phía Bắc, Bắc Ninh và Bắc Giang có mức độ quan tâm tăng lần lượt là 43% và 83%.
Đáng chú ý, 3 địa phương TP. HCM – Bình Dương – Bà Rịa Vũng Tàu trong trường hợp được sáp nhập sẽ hình thành một siêu đô thị hơn 12 triệu dân, lọt top 20 đô thị lớn nhất thế giới. Mức độ quan tâm tại Bình Dương tăng 49%, Bà Rịa Vũng Tàu tăng 42%, còn TP. HCM là 13%.
Ngoài ra, các địa phương có địa hình và lợi thế tự nhiên tương đồng như Hưng Yên – Thái Bình hay An Giang – Kiên Giang cũng ghi nhận mức độ quan tâm gia tăng mạnh mẽ.
Ông Nguyễn Quốc Anh cho rằng chủ trương sáp nhập tỉnh đang là một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của thị trường bất động sản, kéo dài từ cuối năm 2024 đến đầu năm 2025. Theo ông, sự kỳ vọng lớn từ giới đầu tư đối với chủ trương này vừa mở ra nhiều cơ hội, vừa đặt ra không ít thách thức cho thị trường trong thời gian tới.
"Việc sáp nhập tỉnh có thể tạo động lực thúc đẩy đầu tư công vào hạ tầng và phát triển kinh tế khu vực, đồng thời mở ra cơ hội ban hành các chính sách liên kết vùng nhằm bổ trợ lẫn nhau về kinh tế – xã hội. Bên cạnh đó, mô hình hành chính mới cũng giúp tối ưu chi phí quản lý công, góp phần nâng cao hiệu quả điều hành và phát triển đô thị", ông cho hay.

Vị chuyên gia dẫn chứng bài học từ lần sáp nhập tỉnh Hà Tây vào Hà Nội năm 2008 như một minh chứng rõ nét cho tác động tích cực đến thị trường bất động sản. Theo đó, giá nhà đất tại khu vực này đã ghi nhận mức tăng mạnh, dao động từ 2,6 đến 15 lần so với thời điểm năm 2016. Cùng với đó, dân số và thu nhập bình quân đầu người tại khu vực cũng tăng trưởng ấn tượng, phản ánh sự chuyển mình rõ rệt sau quá trình hợp nhất hành chính.
Dù cơ hội là rõ ràng, nhưng thị trường cũng phải đối mặt với những thách thức không nhỏ. Ông Nguyễn Quốc Anh cho biết, trong quá khứ, sau sáp nhập Hà Tây, nhiều dự án bất động sản tại Mê Linh và các khu vực ngoại thành bị bỏ hoang hoặc chậm tiến độ. Cơn sốt đất cục bộ, đầu cơ theo tin đồn đã khiến thị trường thiếu bền vững.
Do đó, vị chuyên gia cảnh báo nhà đầu tư cần giữ thái độ thận trọng, tránh bị cuốn theo làn sóng đầu cơ mang tính phong trào, thiếu nền tảng bền vững. Dù việc sáp nhập tỉnh mở ra nhiều cơ hội, nhưng để khai thác hiệu quả, nhà đầu tư cần phân tích kỹ lưỡng các yếu tố như điều kiện kinh tế, đặc điểm văn hóa, hệ thống hạ tầng và năng lực quản lý của từng địa phương.
Bên cạnh đó, giá trị bất động sản chỉ thực sự được thúc đẩy khi khu vực đó hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế thực chất và môi trường đầu tư được cải thiện rõ rệt. Vì vậy, người mua nên tránh tâm lý "lướt sóng" dựa trên kỳ vọng tăng giá ngắn hạn. Thay vào đó, chiến lược đầu tư có chọn lọc, dựa trên dữ liệu phân tích và mức độ phù hợp với từng vùng sẽ là yếu tố then chốt giúp hạn chế rủi ro.
"Cần nhấn mạnh rằng không phải khu vực nào cũng sẽ ghi nhận mức tăng trưởng mạnh sau khi sáp nhập. Sự chênh lệch giữa các vị trí là điều hoàn toàn có thể xảy ra", vị chuyên gia lưu ý.