SSI muốn huy động gần 7.500 tỷ đồng qua tăng vốn, để ngỏ khả năng đầu tư thêm vào trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi

Chứng khoán SSI cho biết số tiền huy động được từ đợt chào bán để bổ sung cho vay margin, nhưng cũng bỏ ngỏ khả năng để đầu tư trái phiếu, chứng chỉ quỹ khi chưa sử dụng vốn vào mục đích chính là cho vay margin.

Chứng khoán SSI liên tục tăng vốn “khủng” trong thời gian ngắn

CTCP Chứng khoán SSI vừa được chấp thuận phát hành hơn 497 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu tăng vốn điều lệ. Tỷ lệ phát hành 2:1, dự kiến sau phát hành SSI sẽ tăng vốn điều lệ lên xấp xỉ 15.000 tỷ đồng. Giá chào bán 15.000 đồng/cổ phiếu, nếu phát hành thành công, SSI sẽ huy động được khoảng 7.460 tỷ đồng từ đợt tăng vốn này.

Trong thông báo phát hành, Chứng khoán SSI cho biết tổng số tiền thu được từ đợt phát hành sẽ dùng để bổ sung nguồn vốn cho hoạt động cho vay ký quỹ. Đồng thời cũng cho biết trong thời gian chưa sử dụng cho vay giao dịch ký quỹ, nguồn tiền sẽ được sử dụng để đầu tư trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi để đảm bảo sử dụng nguồn vốn hiệu quả.

Năm 2021 khi thị trường chứng khoán có nhiều biến động, số tài khoản mở mới tăng đột biến gấp 4 lần năm trước đó, khoảng 1,5 triệu tài khoản, cũng là thời điểm các công ty chứng khoán đua tăng vốn nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng. Một trong những mục đích tăng vốn là để bổ sung cho hoạt động cho vay margin. Chứng khoán SSI cũng là một trong những công ty chứng khoán tiến hành tăng vốn chóng mặt thời gian qua.

Nếu ở thời điểm cuối năm 2019 vốn điều lệ SSI đang quanh mức 5.100 tỷ đồng thì cuối năm 2020 vốn điều lệ công ty tăng 20% lên 6.138 tỷ đồng. Năm 2021 tỷ lệ tăng vốn của công ty lên đến 60%, lên mức 9.847 tỷ đồng. Và ngay quý 1/2022 SSI tiếp tục phát hành 10 triệu cổ phiếu ESOP tăng vốn điều lệ lên 9.947 tỷ đồng. Nếu đợt chào bán này thành công, SSI tăng vốn điều lệ thêm 50% lên trên 14.900 tỷ đồng.

SSI muốn huy động gần 7.500 tỷ đồng qua tăng vốn, để ngỏ khả năng đầu tư thêm vào trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi - Ảnh 1

SSI tăng vốn để cho vay margin, để ngỏ khả năng dùng tiền “buôn” trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi

Nếu đợt tăng vốn lần này thành công, SSI huy động khoảng 7.500 tỷ đồng. Mục đích tăng vốn chính là để bổ sung hoạt động cho vay margin, tuy vậy vẫn để ngỏ khả năng dùng tiền để đầu tư trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi.

Báo cáo ghi nhận tổng giá trị giao dịch cổ phiếu của các nhà đầu tư qua công ty năm 2021 đạt hơn 1.343 tỷ đồng. Tổng giá trị giao dịch trái phiếu của công ty trong năm 2021 đạt gần 145.500 tỷ đồng.

BCTC năm 2021 đã kiểm toán ghi nhận tổng tài sản của SSI đến 31/12/2021 đạt gần 50.800 tỷ đồng, tăng khoảng 15.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, trong đó tài sản ngắn hạn chiếm đến 46.500 tỷ đồng tương ứng chiếm trên 91% tổng tài sản công ty. Trong tài sản ngắn hạn, có 23.700 tỷ đồng là tài khoản cho vay, gấp 2,6 lần đầu năm và hơn 12.000 tỷ đồng là tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ, hơn 7.800 tỷ đồng là các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (là tiền gửi tại ngân hàng kỳ hạn dưới 1 năm).

Tài sản tài chính FVTPL của SSI bao gồm nhóm cổ phiếu mà SSI còn nắm giữ trong danh mục đầu tư đến cuối năm 2021 như FPT, MWG, MBB, SGN, VPB…trong đó tỷ trọng lớn nhất đổ vào 2 cổ phiếu SGN và MWG. Ngoài ra còn có hơn 3.200 tỷ đồng trái phiếu chưa niêm yết và gần 6.800 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi. Các khoản cho vay gần 23.700 tỷ đồng của SSI thì có đến hơn 22.700 tỷ đồng cho vay margin và 950 tỷ đồng cho vay ứng trước tiền bán chứng khoán.

SSI muốn huy động gần 7.500 tỷ đồng qua tăng vốn, để ngỏ khả năng đầu tư thêm vào trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi - Ảnh 2

SSI đang giảm cho vay margin, gia tăng đầu tư?

Một nghịch lý được nhìn nhận trong 2 năm covid vừa qua là, trong khi hầu hết các ngành nghề kinh doanh lao đao vì dịch bệnh, người dân thì nhóm các doanh nghiệp ngành chứng khoán lại liên tục tăng vốn, báo lãi lớn, mà một trong những nhân tố quyết định là số nhà đầu tư F0 liên tục tăng mạnh, hút dòng tiền vào thị trường. Tuy vậy, trong khi nhiều nhà đầu tư dở khóc dở cười khi lao vào cuộc chơi, thì các công ty chứng khoán, các “nhà cái” vẫn thắng lớn.

Đáng chú ý, chỉ trong quý 1/2022 số dư tài sản FVTPL của SSI đã có thay đổi đáng kể. Tổng tài sản FVTPL đạt gần 17.200 tỷ đồng, tăng 5.200 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2021 trong đó giá trị chứng chỉ tiền gửi tăng thêm 4.200 tỷ đồng lên gần 11.000 tỷ đồng và giá trị trái phiếu tăng thêm 1.700 tỷ đồng lên trên 4.900 tỷ đồng. Trong khi đó tổng dư nọ cho vay margin và ứng trước tiền bán chứng khoán giảm hơn 2.400 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2021, xuống còn 21.200 tỷ đồng.

SSI giảm cho vay margin và gia tăng hoạt động đầu tư, thì SSI để ngỏ khả năng dùng tiền huy động từ đợt tăng vốn này cho hoạt động đầu tư trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi cũng được các nhà đầu tư quan tâm.

Nguyên nhân khiến cho SSI để ngỏ khả năng đầu tư thêm cho trái phiếu, chứng chỉ quỹ có thể nhìn nhận từ báo cáo trên BCTC quý 1/2022. Giá trị tăng của tài sản FVTPL đến cuối quý 1/2022 liên quan đến trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi không liên quan đến việc công ty đầu tư thêm, mà do gia tăng giá trị đánh giá lại khoản đầu tư này so với giá mua gốc.

SSI muốn huy động gần 7.500 tỷ đồng qua tăng vốn, để ngỏ khả năng đầu tư thêm vào trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi - Ảnh 3

Kết quả kinh doanh của SSI cũng biến động mạnh. Cộng doanh thu hoạt động năm 2021 đạt 7.443 tỷ đồng, tăng hơn 70% so với năm trước đó, trong đó lãi từ tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) đạt hơn 2.300 tỷ đồng.

SSI muốn huy động gần 7.500 tỷ đồng qua tăng vốn, để ngỏ khả năng đầu tư thêm vào trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi - Ảnh 4

Đến “nỗi đau” của nhà đầu tư khi cổ phiếu SSI giảm 50% từ đầu năm

Ở hướng tích cực, nếu nhìn trên những con số BCTC, doanh thu hoạt động năm 2021 của SSI tăng trưởng 70% so với năm 2020. Lợi nhuận sau thuế tăng 114% lên mức 2.695 tỷ đồng. Còn quý 1/2022 vừa qua doanh thu hoạt động cũng đạt mức tăng trưởng 33,3% lên hơn 2.007 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế cũng tăng trên 66% lên 706 tỷ đồng. Thông thường với kết quả kinh doanh thuận lợi, tăng trưởng mạnh, các nhà đầu tư luôn đặt kỳ vọng vào giá cổ phiếu doanh nghiệp này.

Tuy vậy, xem diễn biến giá cổ phiếu SSI, hẳn sẽ khiến không ít nhà đầu tư thất vọng. Nếu tính trong năm 2021, SSI mở cửa phiên giao dịch đầu năm quanh mức 22.200 đồng/cổ phiếu (giá đã điều chỉnh). Và đến gần cuối tháng 11/2021, SSI đã tăng dần lên mức cao nhất 53.800 đồng/cổ phiếu. Hành trình “đi lên” đến đây tạm dừng, bắt đầu là những phiên giảm điểm liên tục. Thậm chí thời điểm đầu năm 2022 khi SSI công bố kết quả kinh doanh quý 4 và cả năm 2021 với số lãi lớn, giá cổ phiếu SSI vẫn không thể đi lên. Thậm chí SSI tiếp tục lao dốc cả sau khi công bố BCTC quý 1/2022 với số lãi lớn. Hiện tại SSI giao dịch quanh mức 26.00 đồng/cổ phiếu, giảm 50% so với thời điểm đầu năm.

SSI muốn huy động gần 7.500 tỷ đồng qua tăng vốn, để ngỏ khả năng đầu tư thêm vào trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi - Ảnh 5

Phải chăng, quá trình tăng vốn nhanh, tỷ lệ tăng vốn lớn đã làm giá cổ phiếu SSI bị pha loãng? Với thị giá hiện tại, vốn hoá thị trường của SSI rơi vào khoảng 25.800 tỷ đồng. Phiên giao dịch hôm nay 13/2 SSI giảm sàn và có khoảng gần 21 triệu cổ phiếu khớp lệnh. Nhiều phiên gần đây, cổ phiếu SSI chìm trong sắc đỏ dù mỗi phiên vẫn có hàng chục triệu cổ phiếu khớp lệnh.

Thuỷ Trúc

Theo Chất lượng và cuộc sống