Tác động tích cực từ thể chế, thị trường bất động sản sẽ khởi sắc
Trong khi kinh tế thế giới còn nhiều biến động, ảnh hưởng ít nhiều đến thị trường Việt Nam trong đó có bất động sản. Tuy nhiên, cho đến nay, thị trường bất động sản liên tục đón nhận những chính sách tích cực từ thể chế như việc thông qua các bộ Luật quan trọng liên quan đến thị trường bất động sản. Giới chuyên gia dự báo thị trường bất động sản Việt Nam sẽ khởi sắc nhanh chóng trong năm 2024.
Thị trường bất động sản từng trước trở lại quỹ đạo
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, việc cụ thể hóa các luật đã từng bước đưa bất động sản trở lại “quỹ đạo”. Từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023, thị trường bất động sản đã gặp nhiều khó khăn, thách thức. Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị, Công điện và nhiều chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt để thực hiện đồng bộ các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Trong đó, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) 2023 và Luật Nhà ở (sửa đổi) 2023 do Bộ Xây dựng soạn thảo đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Hai luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 và là hai luật quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế chính sách mang tính nhất quán của Chính phủ trong quyết tâm giải quyết khó khăn cho thị trường, từng bước đưa bất động sản trở lại quỹ đạo phát triển ổn định và bền vững.
Gần đây nhất, Luật Đất đai (sửa đổi) cũng đã được Quốc hội thông qua với nhiều điểm mới đáng chú ý, mở đường phát triển cho thị trường đất đai trong thời gian tới, mang lại giá trị và lợi ích cho người dân.
Đại diện Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, trong Luật Đất đai (sửa đổi), rất nhiều điều khoản được điều chỉnh nhằm bảo vệ lợi ích tối đa cho người dân. Việc tiếp cận đất đai cũng theo hướng công khai, minh bạch. Những thay đổi này là đúng đắn và tích cực, góp phần giúp thị trường bất động sản phát triển theo hướng công bằng và ổn định. Các doanh nghiệp “làm thật” sẽ dễ dàng tiếp cận đất đai hơn, chi phí để phát triển dự án từ đó cũng có cơ hội được giảm xuống. Đây cũng là yếu tố góp phần tác động khiến giá bất động sản dần tiệm cận với giá trị thực.
Đại diện Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT (VND) cho rằng, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) có một số thay đổi đáng chú ý đối với bất động sản hình thành trong tương lai, bất động sản nghỉ dưỡng và quy định liên quan nhà đầu tư là người Việt định cư ở nước ngoài. Qua đó giúp ngăn chặn tình trạng đầu cơ, sốt đất, lãng phí tài sản đất đã diễn ra nhiều năm qua. Các quy định mới có thể khiến giá nhà ở tăng thêm nhưng cũng tăng trách nhiệm của chủ đầu tư, khiến họ phải có trách nhiệm đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện và bàn giao các dự án. Đồng thời, việc mở rộng phạm vi đối tượng được tham gia kinh doanh bất động sản được kỳ vọng sẽ tạo ra những sản phẩm bất động sản nhà ở chất lượng hơn và giúp khách hàng có thêm sự lựa chọn.
Điều này sẽ có tác động trực tiếp tới việc phát triển của thị trường bất động sản giúp quá trình phục hồi sẽ có cơ hội được rút ngắn, thị trường sớm bước sang giai đoạn bình thường mới.
Hàng trăm dự án được tái khởi động
Nhờ chính sách tích cực từ phía nhà nước mà trong năm 2023, đã có rất nhiều dự án được tái khởi động trở lại là điểm sáng, tiền đề, là bước nhảy giúp thị trường vực dậy trong năm 2024.
Giai đoạn cuối năm 2023, thống kê từ Bộ Xây dựng, nguồn cung bất động sản quý IV/2023 có xu hướng tăng so với quý III. Cụ thể, số lượng dự án nhà ở thương mại đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai tăng 4,2%; số lượng dự án nhà ở thương mại hoàn thành trong quý IV tăng 19%. Đáng chú ý, số lượng dự án đầu tư xây dựng hạ tầng để chuyển nhượng quyền sử dụng đất xây dựng nhà ở hoàn thành tăng 88%. Đặc biệt, có 20 dự án nhà ở thương mại được cấp phép xây dựng mới trong khi quý III chỉ có 15 dự án. Lượng giao dịch bất động sản nhà ở 6 tháng cuối năm tăng 13% so với 6 tháng đầu năm và lượng giao dịch đất nền tăng 28,4%.
Cũng ngay trong năm 2023, thực hiện Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội, các địa phương đã khởi công được 10 dự án với khoảng 19.853 căn, trong đó có 7 dự án nhà ở xã hội với quy mô 8.815 căn.
Dự báo trong năm 2024, tần suất ra mắt các nguồn cung mới sẽ đều đặn và dày hơn so với năm 2023. Bên cạnh các chủ đầu tư lớn, sẽ có thêm nguồn cung từ các chủ đầu tư mới chào sân. Cuối quý I, đầu quý II/2024 sẽ xuất hiện sự “khởi phát” của nguồn cung ra thị trường. Trong đó, Bình Dương sẽ trở thành điểm sáng của khu vực phía Nam với khoảng 10.000 sản phẩm mới lần đầu tiên ra mắt. TP.HCM sẽ có khoảng 5.000 sản phẩm mới, chưa kể các sản phẩm tồn kho.
Trong trường hợp, các thủ tục pháp lý được hoàn thiện đúng tiến độ, dự án không bị tạm dừng do chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính, dự kiến thị trường Hà Nội sẽ đón nhận khoảng 15.000 căn hộ và sản phẩm thấp tầng. Một số địa phương, khu vực đẩy mạnh phát triển về hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông như Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ... sẽ có cơ hội đạt được kỳ vọng lớn về nguồn cung bất động sản trong thời gian sắp tới.
Dự báo về cơ hội phục hồi ngành bất động sản năm 2024, ông Lê Viết Hải, đại diện Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM cho biết, thị trường có khả năng sẽ phục hồi ở những dự án bất động sản đô thị. Còn bất động sản nghỉ dưỡng có thể sẽ chưa thể phục hồi được do phát triển quá mạnh từ những năm trước khiến dư thừa nguồn cung, cũng như vẫn chưa thể khai thác hết. Do đó, bất động sản nghỉ dưỡng cần phải thêm một vài năm nữa để có bước chuyển mình.
Dự báo, năm 2024 thị trường sẽ có hai điểm sáng. Một là bất động sản công nghiệp vì nguồn vốn đầu tư FDI còn rất nhiều, giá thuê bất động sản công nghiệp đang tăng cao. Hai là nhà ở giá vừa phải, nhà ở xã hội có nhiều dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư, chưa kể năm 2024 sẽ có nhiều dự án khởi công.