Tại sao Nam Group không thể thế chấp dự án để vay ngân hàng?

Hai khoản vay của Tập đoàn Nam Group tại Ngân Hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) có tổng giá trị hơn 1000 tỷ đồng và tài sản thế chấp đều là phần vốn góp tại 2 công ty con của Tập đoàn này. Vậy tại sao Nam Group không thể thế chấp dự án để vay ngân hàng?

Tại sao Nam Group không thể thế chấp dự án để vay ngân hàng? - Ảnh 1

Công ty cổ phần đầu tư Nam Group có hệ sinh thái với sáu thành viên gồm Nam Land, Nam Khôi, Nam Mộc, NamCons, Hồng Phúc Land, Trung Sơn Bắc và hai công ty liên kết là Nam Trung và Nam Invest.

Tại Công ty TNHH Trung Sơn Bắc, chủ đầu tư dự án Thanh Long Bay, ông Lê Minh Trí cũng là người đại diện theo pháp luật, kiêm Chủ tịch hội đồng thành viên.

Ngoài ra, ông Lê Minh Trí còn là người đại diện pháp luật kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty Hồng Phúc Land – chủ đầu tư dự án Wyndham Garden ở Phú Quốc.

Đáng lưu ý, theo hồ sơ tài chính của Nam Group đang thế chấp phần vốn góp 531,432 tỷ đồng tương ứng với 99% cổ phần của Công ty TNHH Trung Sơn Bắc tại Ngân Hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) – Chi Nhánh Thành Phố Hồ Chí Minh, số hợp đồng SME/HCM/19/0001/HDTCPVG-01, ngày ký hợp đồng: 15/01/2019.

Ngày 28/03/2022, Nam Group tiếp tục thế chấp giá trị phần vốn góp 483,120 tỷ đồng tương ứng với 90% Công ty CP Trung Sơn Bắc tại Ngân Hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) – Chi Nhánh Thành Phố Hồ Chí Minh, số hợp đồng HCM/22019/HDTCVG-01.

Việc thế chấp cổ phần của 2 công ty con với số vốn góp lên đến hơn 90% đặt nhiều dấu hỏi về việc xác định giá trị tài sản đảm bảo. Câu hỏi đặt ra nếu như Công ty phá sản thì Ngân hàng sẽ thu hồi nợ như thế nào?.

Theo thông tin PV có được, dự án Thanh Long Bay của Tập đoàn Nam Group và nhiều dự án của Tập đoàn này đang bị cơ quan điều tra của Bộ Công an điều tra, theo dõi. Có lẽ chính vì thế Tập đoàn Nam Group không thể thế chấp các dự án của Công ty trong ngân hàng mà phải lách tài sản đảm bảo thông qua thế chấp gần như toàn bộ cổ phần ở hai Công ty con.

Việc thế chấp cổ phiếu tại ngân hàng thời gian qua đã phát sinh nhiều bất cập, khiến nhiều cơ quan chức năng phải lên tiếng cảnh báo.

Đơn cử, Tập đoàn FLC dùng 60 triệu cổ phiếu Bamboo Airways để làm tài sản đảm bảo cho một khoản vay tại NCB.

Ngoài Tập đoàn FLC, các ngân hàng còn cho vay hàng trăm tỉ đồng tại FLCHomes, FLC Faros. BCTC hợp nhất quý 4/2021 của FLCHomes (FHH) cho thấy gần 400 tỉ đồng khoản vay ngắn và dài hạn tại Sacombank có thời hạn 15 năm, mục đích là bù đắp vốn tự có đã chi. Tài sản đảm bảo gồm 57,5 triệu cổ phiếu Bamboo Airways (BAV) do ông Trịnh Văn Quyết sở hữu và toàn bộ tài sản/quyền tài sản thuộc và/hoặc liên quan đến dự án sân golf Hạ Long. FLCHomes cũng vay gần 200 tỉ đồng tại NCB để bổ sung vốn lưu động. Tài sản đảm bảo là cổ phiếu Bamboo Airways, gồm 30 triệu cổ phiếu do vợ chồng ông Quyết sở hữu và 30 triệu cổ phiếu thuộc FLC sở hữu.

FLCHomes vay OCB 108 tỉ đồng để bổ sung vốn lưu động. Tài sản đảm bảo gồm các khoản tiền gửi và cổ phiếu do Bamboo Airways phát hành. Trong số này có 5,06 triệu cổ phiếu do vợ chồng ông Quyết sở hữu và 13 triệu cổ phiếu do FLC sở hữu. Thông tin ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC bị bắt giữ khiến cổ đông nhiều ngân hàng lo lắng, vì một số ngân hàng hiện đang là “chủ nợ” lớn của Tập đoàn FLC.

Một số cổ phiếu của Tập đoàn FLC kể trên còn được định giá thông qua giá trị tài sản Tập đoàn này nắm giữ, hơn nữa cổ phiếu của Tập đoàn FLC còn được định giá trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, đối với Nam Group thì câu hỏi này hoàn toàn bỏ ngỏ vì nếu Nam Group có tài sản tại sao không thế chấp tài sản đó?

Theo thông tin trên Cổng đăng ký thông tin doanh nghiệp quốc gia, tiền thân của Nam Group là Công ty TNHH dịch vụ tư vấn bất động sản M&T, được thành lập vào tháng 5/2015 có trụ sở tại 60 đường D1, KDC Him Lam, P. Tân Hưng, Quận 7, TP.HCM.

Năm 2016, công ty này đổi tên thành Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Nam Anh và tiếp tục đổi tên thành Công ty cổ phần đầu tư Nam Group vào năm 2017.

Lúc mới thành lập, doanh nghiệp này có vốn điều lệ là 8 tỉ đồng, với sự góp vốn 60% của ông Lê Minh Trí và 40% của bà Vũ Thị Như Mai. Bà Mai là người đại diện theo pháp luật của công ty.

Vào tháng 4/2016, bà Mai thoái toàn bộ vốn khỏi Nam Group. Lúc này, vốn điều lệ của công ty đã được nâng lên 50 tỉ đồng, trong đó ông Trí nắm giữ 95% cổ phần và giữ vị trí tổng giám đốc kiêm chủ tịch HĐQT, hai ông Đỗ Duy Thoan sở hữu 3% cổ phần và ông Lê Trung Tín sở hữu 2% cổ phần.

Đến tháng 9/2018, doanh nghiệp này nâng vốn điều lệ lên gấp đôi, từ 100 lên 200 tỉ đồng. Cập nhật mới nhất vào tháng 4/2020, quy mô vốn điều lệ của Nam Group là 500 tỉ đồng.

 

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C01) Bộ Công an thông tin việc đang phối hợp cùng VKSND Tối cao, cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận kiểm tra thực địa dự án Thanh Long Bay của tập đoàn Nam Group ở huyện Hàm Thuận Nam.

Từ năm 2003, UBND tỉnh Bình Thuận đã có quyết định giao gần 1 triệu m2 đất tại xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam cho Trung Sơn Bắc (thuộc Nam Group) để thực hiện dự án. Tuy nhiên, từ khi khởi công đến nay đã 2 năm, Thanh Long Bay vẫn chưa hoàn thành rất nhiều thủ tục như điều chỉnh quy hoạch, tổ chức thẩm định rồi mới được cấp phép xây dựng phần nhà phố…

Bất chấp việc dính vô số lùm xùm và xử phạt từ cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận, chủ đầu tư dự án Thanh Long Bay vẫn tiếp tục tung quân chào bán dự án và thu tiền của khách hàng.

Đây không phải là lần đầu tiên, Nam Group bị tuýt còi vì vi phạm liên quan đến tính pháp lý của dự án này. Trước đó, vào thời điểm tháng 3/2021, Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với CTCP Trung Sơn Bắc số tiền là 17,5 triệu đồng với lý do xây dựng công trình nhà phố liền kề tại dự án tổ hợp nghỉ dưỡng Thanh Long Bay khi chưa có phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công công trình.

T.L

Theo Kinh doanh & Phát triển