Tân Á Đại Thành, Hòa Phát, T&T, Phát Đạt,… cùng nhiều ông lớn địa ốc đang ‘chạy đua’ làm dự án ‘khủng’ tại Quảng Ngãi
Được biết đến là một tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, thời gian qua Quảng Ngãi đã đón ‘làn sóng’ đầu tư của nhiều ông lớn địa ốc tìm về với loạt dự án khủng hàng nghìn ha.
Quảng Ngãi sở hữu nhiều tiềm năng đón sóng đầu tư
Tỉnh Quảng Ngãi nằm ở vùng duyên hải miền Trung, có mặt hướng ra biển Đông, với phía bắc giáp Quảng Nam, phía nam giáp Bình Định, phía tây nam giáp Kon Tum. Gồm các huyện Lý Sơn, Bình Sơn, Trà Bồng, Sơn Tịnh, Sơn Tây, Sơn Hà, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Minh Long, Mộ Đức, Đức Phổ, Ba Tơ, Tây Trà.
Về giao thông, Quảng Ngãi có vị trí chính giữa của đất nước (cách thủ đô Hà Nội 889km), Quảng Ngãi có đường sắt Bắc Nam và quốc lộ 1A chạy qua tỉnh, có quốc lộ 24A nối Quảng Ngãi với Tây Nguyên, Lào và vùng đông bắc Thái Lan.
Về tình hình đầu tư tại Quảng Ngãi, trong vòng 5 năm trở lại đây, các hoạt động thu hút đầu tư của Quảng Ngãi diễn ra khá sôi động.
Giai đoạn 2016 – 2020, Quảng Ngãi đã cấp chủ trương đầu tư cho 524 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư 173.683 tỷ đồng. Trong đó có 362 dự án lĩnh vực dịch vụ; 123 dự án lĩnh vực công nghiệp – xây dựng; 39 dự án lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp. Vốn thực hiện ước đạt 60.000 tỷ đồng.
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), 5 năm qua, tỉnh Quảng Ngãi đã cấp giấy phép đầu tư cho 41 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư 895,4 triệu USD, trong đó có 36 dự án đầu tư sản xuất công nghiệp, 5 dự án dịch vụ. Vốn thực hiện trong giai đoạn 2016 – 2020 đạt khoảng 750 triệu USD. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ngãi cũng đã thu hồi 11 dự án có tổng vốn đầu tư 3,146 tỷ USD, trong đó có dự án Nhà máy thép Guang Lian 3 tỷ USD triển khai không đúng tiến độ quy định.
Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, trong giai đoạn tới tỉnh Quảng Ngãi phát triển kinh tế đi đôi với bền vững môi trường. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấi kinh tế theo hướng công nghiệp – dịch vụ – nông, lâm, ngư nghiệp và đẩy mạnh hội nhập. Đồng thời, Quảng Ngãi sẽ hình thành và phát triển các cụm ngành hợp lý, có lợi thế như: Cụm ngành lọc hoá dầu – Nhà máy lọc dầu Dung Quất là trung tâm; cụm ngành sắt thép – Nhà máy thép Hoà Phát là trung tâm.
Năm 2021 là năm đầu tiên của Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2025. Nhằm phát huy tối đa lợi thế và tiềm năng của tỉnh, đặc biệt là trong công tác thu hút đầu tư, tỉnh Quảng Ngãi sẽ quan tâm đến chất lượng dự án, ưu tiên thu hút các dự án về lĩnh vực công nghiệp hóa dầu, công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao, cảng biển, hệ thống logistics, công nghệ sạch, các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hạ tầng đô thị, du lịch, dịch vụ.
Bên cạnh đó, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, tăng cường đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư “tại chỗ” nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả thu hút đầu tư.
Nhiều ông lớn địa ốc miệt mài ‘săn’ dự án tại Quảng Ngãi
Với lợi thế giáp sân bay Chu Lai (tỉnh Quảng Nam) và có cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, Quốc lộ 1A chạy qua, lại có Khu kinh tế Dung Quất (tổng diện tích khoảng 45.332 ha). Trong nhiều năm trở lại đây tỉnh đã hút nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư những dự án tại KKT Dung Quất và một số khu vực khác trong tỉnh.
Đơn cử như việc CTCP Tập đoàn FLC (Mã: FLC) làm chủ đầu tư hoặc liên danh với các công ty khác đầu tư 4 dự án khu đô thị quy mô hơn 165 ha. Cụ thể gồm: KĐT Vạn Tường 1 quy mô 49,8 ha với 261 căn; KĐT Vạn Tường 4 quy mô 40,4 ha với 459 căn; KĐT Vạn Tường 7 quy mô 30,5 ha với 457 căn; KĐT Vạn Tường 8 quy mô 44,6 ha với 997 căn.
Hay như CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Mã: PDR) làm chủ đầu tư dự án Khu dân cư Bờ Bắc kết hợp chỉnh trang đô thị và Khu dân cư Phan Đình Phùng quy mô gần 70 ha. Tuy nhiên, thời điểm tháng 4/2021, Phát Đạt đã có công văn số 155 gửi Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi về việc xin chấm dứt đầu tư dự án trên từ ngày 24/5/2021. Lý do Phát Đạt đưa ra là do dự án gặp nhiều vướng mắc vì công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa thực hiện, dẫn đến dự án chậm tiến độ đã được phê duyệt…
Ở một diễn biến khác, Phát Đạt lại đang lập quy hoạch dự án Khu công nghiệp – Dịch vụ đô thị Phát Đạt Dung Quất có tổng diện tích 1.152 ha, nằm trên đường Võ Văn Kiệt – trục đường chính của KKT Dung Quất.
Một cái tên đáng chú khác cũng đang ‘nhòm ngó’ tại Quảng Ngãi là Tập đoàn T&T. Cụ thể, vừa qua Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi thống nhất quy hoạch dự án Khu du lịch sinh thái Thạch Bích do Tập đoàn T&T đề xuất. Theo đề xuất, dự án có tổng diện tích khoảng 200ha, trong đó 185ha thuộc xã Trà Bình, huyện Trà Bồng và 15ha thuộc xã Bình Minh, huyện Bình Sơn.
Theo đó, Tập đoàn T&T đề xuất 7 phân khu tại dự án gồm: khu phố văn hóa, khu tắm khoáng nóng Onsen, khu công viên vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng đồi Gò Kiu, khu du lịch trải nghiệm nông trại hữu cơ, khu nghỉ dưỡng ven sông Trà Bồng và cảnh quan ven sông Trà Bồng.
Đáng chú nhất có lẽ là Tập đoàn Hòa Phát khi mới đây, UBND huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã nhận được công văn của Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi về việc tham gia ý kiến đối với đề xuất đầu tư Dự án nhà máy sản xuất các sản phẩm sau thép Hòa Phát Dung Quất của CTCP ống thép Hòa Phát Dung Quất.
Dự án được đề xuất đầu tư mới ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, vốn đầu tư 21.215 tỷ đồng. UBND huyện Bình Sơn cũng cho biết, vị trí dự kiến đầu tư dự án là đất nông nghiệp. Mục đích Hòa Phát muốn làm Dự án nhà máy sản xuất các sản phẩm sau thép Hòa Phát Dung Quất nhằm phục vụ cho việc tẩy gỉ làm sạch bề mặt bằng hóa chất, thuộc danh mục các loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Trước đó, cũng tại Quảng Ngãi CTCP Thép Hòa Phát Dung Quất (thuộc Tập đoàn Hòa Phát) đã đề nghị thẩm định 247 ha đất làm dự án cấp nước thô cho Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất có tổng diện tích gần 247 ha, thuộc KCN Phía Đông KKT Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi.
Hiện tại Hòa Phát cũng đang sở hữu dự án Hòa Phát Dung Quất giai đoạn 1 có tổng vốn đầu tư 65.000 tỷ đồng, đã được khởi công vào năm 2017 và bắt đầu cho ra sản phẩm từ giữa năm 2019. Ngoài ra, Hòa Phát cũng đang tổ chức triển khai Dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất 2. Tổng mức đầu tư ước tính khoảng 85.000 tỷ đồng.
Mới đây nhất, một cái tên cũng đáng chú khác là Tập đoàn Tân Á Đại Thành cũng đã đề xuất đầu tư dự án Meyhomes Tịnh Long ở Quảng Ngãi. Cụ thể, Giữa tháng 8 vừa qua, CTCP Bất động sản Tập đoàn Tân Á Đại Thành gửi công văn đến UBND TP Quảng Ngãi đề xuất đầu tư và tài trợ kinh phí lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu đô thị Meyhomes Tịnh Long hơn 76 ha ở xã Tịnh Long, TP Quảng Ngãi.
Về ranh giới, khu đô thị có phía Đông giáp khu văn hóa tâm linh Chùa Thiên Mã; phía Tây giáp khu dân cư hiện trạng; phía Nam giáp đường Mỹ Trà – Mỹ Khê; phía Bắc giáp ruộng lúa và khu dân cư hiện hữu.
Trước đề xuất của Tân Á Đại Thành, Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi Hà Hoàng Việt Phương giao Phòng Quản lý đô thị chủ trì, phối hợp với các Phòng, đơn vị liên quan rà soát, nghiên cứu tham mưu thành phố theo đúng quy định. Thời hạn hoàn thành trước ngày 20/9.