Tăng điều kiện đấu thầu: Yêu cầu ‘nghiệm thu 80%’ là cứng nhắc, làm khó nhà đầu tư

Các chuyên gia pháp lý cho rằng cả 2 phương án trong dự thảo yêu cầu nhà đầu tư phải “có tối thiểu 80% số lượng hạng mục công trình được nghiệm thu, đủ điều kiện đưa vào khai thác, sử dụng từng phần” hoặc “có tối thiểu 80% giá trị khối lượng công việc của dự án được nghiệm thu” là chưa hợp lý, cứng nhắc.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng dự thảo Thông tư ban hành mẫu hồ sơ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư sử dụng đất, dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu và lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động.

Nhiều quan điểm lo ngại rằng quy định trong dự thảo sẽ làm hạn chế nhà đầu tư tham gia, sẽ có rất ít doanh nghiệp có thể tham gia đấu thầu, không phù hợp với nguyên tắc bảo đảm tính cạnh tranh. Cùng với đó, có thể sẽ mở ra cơ hội lớn cho nhà đầu tư nước ngoài, trong khi lại thu hẹp cơ hội cho nhà đầu tư trong nước.

Điển hình như trong phần “Kinh nghiệm đầu tư, xây dựng công trình, dự án tương tự đối với dự án có cấu phần xây dựng”, dự thảo đưa ra 2 phương án đối với nhà đầu tư.

Cụ thể, phương án 1, quy định “dự án hoàn thành phần lớn là dự án có tối thiểu 80% số lượng hạng mục công trình được nghiệm thu, đủ điều kiện đưa vào khai thác, sử dụng từng phần theo giai đoạn thi công xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng”.

Phương án 2, quy định “dự án hoàn thành phần lớn là dự án có tối thiểu 80% giá trị khối lượng công việc của dự án được nghiệm thu”.

Tăng điều kiện đấu thầu: Yêu cầu ‘nghiệm thu 80%’ là cứng nhắc, làm khó nhà đầu tư - Ảnh 1
Trong phần “Kinh nghiệm đầu tư, xây dựng công trình, dự án tương tự đối với dự án có cấu phần xây dựng”, dự thảo đưa ra 2 phương án đối với nhà đầu tư. Một là xác định tỷ lệ % theo số lượng hạng mục. Hai là xác định tỷ lệ % theo giá trị dự án/công trình.

Cả 2 phương án đều chưa hợp lý

Góp ý vào dự thảo, ông Nguyễn Văn Đỉnh, chuyên gia pháp lý bất động sản, cho rằng cả 2 phương án theo dự thảo đều chưa hợp lý, cần hoàn thiện.

Theo ông Đỉnh, với phương án 1, việc quy định dự án hoàn thành phần lớn là dự án có tối thiểu 80% số lượng hạng mục công trình được nghiệm thu, đủ điều kiện đưa vào khai thác, sử dụng từng phần theo giai đoạn thi công xây dựng sẽ phát sinh bất cập do chỉ xác định theo số lượng hạng mục công trình hoàn thành, chưa quan tâm đến khối lượng, giá trị, mức độ quan trọng của hạng mục công trình đó.

Ông Đỉnh viện dẫn, có thể có tình huống nhà đầu tư A hoàn thành 80% số hạng mục công trình của dự án quy mô tương tự nhưng đều là những hạng mục phụ, không quan trọng; trong khi nhà đầu tư B hoàn thành 70% số hạng mục công trình của dự án quy mô tương tự nhưng đều là những hạng mục quan trọng, có giá trị lớn. Trường hợp này, nhà đầu tư A được coi là đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm còn nhà đầu tư B lại bị loại.

Với phương án 2, ông Đỉnh đánh giá việc quy định dự án hoàn thành phần lớn là dự án có tối thiểu 80% giá trị khối lượng công việc được nghiệm thu tuy hợp lý hơn so với phương án 1 nhưng lại không làm rõ được ý nghĩa của “giá trị khối lượng công việc”.

Cụ thể, “giá trị khối lượng công việc” tính theo số m3 bê tông, số tấn cốt thép... cần thi công hay “giá trị khối lượng công việc” tính theo giá trị bằng tiền? Nếu hiểu theo nghĩa đầu tiên sẽ bất cập do các công tác thi công có đơn vị tính khác nhau, dẫn đến so sánh không chung mặt bằng, tiêu chí.

Nếu hiểu theo nghĩa thứ hai, ông Đỉnh lưu ý, đa số các dự án đều có nguồn vốn tư nhân, nhà nước không thẩm định, kiểm soát dự toán nên giá trị khối lượng công việc tính thành tiền là do nhà đầu tư chủ động tính toán, kê khai, nên chưa đủ độ chuẩn xác, tin cậy.

Con số tỷ lệ nghiệm thu 80% gây khó cho nhà đầu tư

Theo quan điểm của luật sư Nguyễn Hồng Chung, Chủ tịch HĐQT DVL Ventures, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, dự thảo nêu trên có 2 phương án: một là xác định tỷ lệ % theo số lượng hạng mục; hai là xác định tỷ lệ % theo giá trị dự án/công trình.

Để lựa chọn 1 trong 2 phương án, theo luật sư Nguyễn Hồng Chung, việc xác định tỷ lệ % theo phương án 2 khả thi hơn. Bởi, rất khó để xác định số lượng hạng mục hay nói cách khác hạng mục chỉ mang tính chất tương đối nên khó để đảm bảo sự công bằng khi xét năng lực của các bên.

Tăng điều kiện đấu thầu: Yêu cầu ‘nghiệm thu 80%’ là cứng nhắc, làm khó nhà đầu tư - Ảnh 2
Luật sư Nguyễn Hồng Chung cho biết cá nhân ông đang tư vấn cho một nhà đầu tư có dự án quy mô khoảng 80.000 tỷ đồng, đơn vị xác định hoàn thành được khoảng 50% (tương đương với 40.000 tỷ đồng) nhưng lại không tham gia được dự án có quy mô khoảng 1.000 tỷ đồng do không đáp ứng được “tiêu chí 80%”.

Trên thực tế triển khai, luật sư cho biết có rất nhiều nhà đầu tư thực hiện các dự án lớn nhưng lại không tham gia được, hay nói cách khác là không đảm bảo được tiêu chí lựa chọn của các dự án nhỏ do tiêu chí hoàn thành phần lớn nêu trên.Ông lấy ví dụ cá nhân ông đang tư vấn cho một nhà đầu tư có dự án quy mô khoảng 80.000 tỷ đồng, đơn vị xác định hoàn thành được khoảng 50% (tương đương với 40.000 tỷ đồng) nhưng lại không tham gia được dự án có quy mô khoảng 1.000 tỷ đồng do không đáp ứng được “tiêu chí 80%”.

Theo đó, luật sư Nguyễn Hồng Chung đề xuất phương án xác định “dự án hoàn thành phần lớn là dự án có giá trị hoàn thành đảm bảo lớn hơn hoặc bằng giá trị yêu cầu theo tiêu chí của hồ sơ mời thầu đang xác định”.

Đối với quy định trong dự thảo là nhà đầu tư phải có tổng vốn đầu tư/tổng mức đầu tư tối thiểu trong khoảng 50%-70% tổng vốn đầu tư của dự án đang xét, ông đề xuất dự thảo thông tư nên quy định tổng vốn đầu tư/tổng mức đầu tư tối thiểu trong khoảng % đối với từng quy mô của dự án.

Bởi, thực tế triển khai hiện nay, có những dự án có quy mô lớn hay nhỏ, địa phương áp dụng định mức ở khoảng trung bình hay lớn nhất với tâm lý an toàn. Như vậy, có thể thu hẹp đối tượng tham gia đấu thầu cũng như ảnh hưởng đến tính cạnh tranh đối với những nhà đầu tư mới.

“Đồng thời, đối với phần năng lực kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự, Thông tư số 09/2021/TT-BKHĐT hiện nay cho phép nhà đầu tư sử dụng năng lực của đối tác thi công xây dựng mà không cần sử dụng năng lực thực hiện dự án tương tự trực tiếp từ nhà đầu tư, do đó, nên xem xét việc giảm tỷ lệ phần trăm nêu trên”, ông Chung kiến nghị.

Trên thực tế nhiều nhà đầu tư đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn để giảm tiêu chí năng lực kinh nghiệm xuống, thậm chí còn 15%. Thông tư 09 đang áp dụng hiện nay cũng có quy định đối với dự án đầu tư lớn thì có thể xem xét giảm tiêu chí, do đó để bảo đảm tính minh bạch, nhiều ý kiến cho rằng nên quy định ngay từ đầu trong thông tư quy định về năng lực kinh nghiệm, dự án nhà đầu tư đã thực hiện đạt tỷ lệ 20-50% dự án đang đi xét.

 

Lệ Chi

Theo VietnamFinance