Tập đoàn Bảo Việt bỏ hoang đất nhiều dự án, năng lực tài chính yếu kém hay ôm đất chờ thời cơ?
Dù được giao nhiều khu đất với diện tích hàng nghìn m2, nhưng nhiều năm qua hàng loạt dự án bất động sản của Tập đoàn Bảo Việt bị bỏ hoang, chậm tiến độ gây lãng phí tài nguyên đất, lãng phí ngân sách Nhà nước, gây mất mỹ quan Thủ đô và làm mất cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư có năng lực.
Nhiều dự án bỏ hoang trong diện bị thanh tra
Theo tạp chí Petrotimes hàng loạt dự án của Tập đoàn Bảo Việt bị bỏ hoang, chậm tiến độ và trong diện bị thanh tra trên địa bàn TP Hà Nội bao gồm: Dự án Tháp tài chính quốc tế IFT địa chỉ 220 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy; Dự án Văn phòng cho các Hiệp hội Hà Nội (tên thương mại Seven Star) tại lô đất D27 2,2ha quận Cầu Giấy. Dự án Nhà ở cao tầng để bán thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì.
Trong cuộc hợp HĐND TP Hà Nội năm 2021 đã đề cập tới dự án Nhà ở cao tầng để bán thị trấn Văn Điển. Năm 2019, dự án này về tay Tập đoàn Bảo Việt - Công ty Cổ phần Đầu tư Bảo Việt – Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô xây dựng 32.973m2”, tổng mức đầu tư 300 tỷ. UBND TP. Hà Nội tiến hành thanh tra và ban hành Kết luận thanh tra số 727/KL-STNMT-TTr ngày 8/4/2019 nhưng đến nay dự án vẫn chỉ là bãi đất trống bị bỏ hoang.
Ngoài ra, dự án tại địa chỉ tại số 220 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội cũng trong tình trạng tương tự. Dự án có tên gọi là Tháp Tài chính Quốc Tế (IFT) do Tổng Công ty Bảo Việt nhân thọ làm chủ đầu tư. Đây là dự án sở hữu 13.000m2 với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 3.800 tỷ đồng.
Năm 2009, Tập đoàn Bảo Việt thành lập Công ty TNHH Bảo Việt – SCIC và nay là Công ty Cổ phần đầu tư SCIC – Bảo Việt với vốn điều lệ 140 tỷ đồng để thực hiện dự án. Tuy nhiên, cho đến nay đã hơn 17 năm vẫn chưa được triển khai, cây cối mọc um tùm, gây mất mĩ quan đô thị.
Bên cạnh đó, khu "đất vàng" tại lô đất D27 2,2 ha quận Cầu Giấy, Hà Nội để thực hiện Dự án xây văn phòng cho các Hiệp hội Hà Nội (tên thương mại là Seven Star). Dự án này được chỉ định cho liên danh Công ty Cổ phần đầu tư Bảo Việt, Công ty Cổ phần Sông Đà – Thăng Long và Công ty Cổ phần đầu tư C.E.O thực hiện theo hình thức BT từ năm 2011. Tổng mức đầu tư là 4.436,790 tỷ đồng, trong đó: tổng mức đầu tư dự án BT là 1.090,527 tỷ đồng, tổng mức đầu tư các dự án đối ứng là: 3.346,262 tỷ đồng. Đến nay, dự án vẫn chỉ nằm trên giấy.
Bên cạnh đó, một dự án khác tại Mê Linh cũng chung số phận như các dự án khác là Dự án khu chung cư, biệt thự, nhà vườn, du lịch Quang Minh. Dự án này cũng đã bị thanh tra chỉ ra nhiều sai phạm và đến hiện tại vẫn đang bị bỏ hoang, tính đến nay đã gần 20 năm kể từ khi được giao đất. Dự án được Tập đoàn Bảo Việt đã liên kết với Công ty CP Đầu tư xây dựng Long Việt với phần góp vốn hơn 65 tỷ đồng và Công ty CP Đầu tư xây dựng Long Việt làm chủ đầu tư.
Tình hình kinh doanh của Bảo Việt như thế nào?
Mới đây, Tập đoàn Bảo Việt (BVH) ghi nhận doanh thu phí bảo hiểm gốc hơn 10.014 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, chi phí nhượng tái bảo hiểm giảm 34% còn gần 576 tỷ đồng, nên doanh thu bảo hiểm thuần tăng 11%, đạt hơn 9.438 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm bất ngờ tăng vọt 131% so với cùng kỳ, gần 9.389 tỷ đồng, tăng cao hơn cả doanh thu khiến hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại BVH giảm 20%, chỉ mang về 339 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, lợi nhuận từ hoạt động tài chính chỉ tăng nhẹ 5%, gần 2.027 tỷ đồng trong khi đó chi phí quản lý tăng 7% lên hơn 1.225 tỷ đồng; chi phí hoạt động tài chính cũng tăng tới 17% lên hơn 324 tỷ đồng.
Do đó, lợi nhuận sau thuế tại BVH đi ngang, ở mức hơn 500,5 tỷ đồng do hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm. Tổng doanh thu hợp nhất đạt 13.158 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021.
Trước đó, tại bản báo cáo tài chính năm 2021, BVH ghi nhận tổng tài sản đạt hơn 169 nghìn 500 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt hơn 22 nghìn tỷ đồng nhưng tổng vay nợ phải trả 147 nghìn 477 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt hơn 2.000 tỷ đồng.
Các con số trên cho thấy BVH sử dụng đòn bẩy nợ cao, hầu hết tài sản của doanh nghiệp này được tài trợ bởi nợ.
Đáng chú ý, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng tới 15% lên hơn 2.871 tỷ đồng và nợ vay dài hạn gần 231 tỷ đồng, giảm so với đầu năm.
Trong đó, có 100 tỷ đồng là trái phiếu dài hạn do Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) phát hành. Đây là trái phiếu không chuyển đổi có kỳ hạn 2 năm với lãi suất quy định trong phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ của BVSC.
Về nguyên tắc, hệ số nợ phải trả càng nhỏ (so với tổng tài sản hay tổng nguồn vốn) thì doanh nghiệp đó sẽ ít gặp khó khăn hơn trong tài chính. Hệ số này càng lớn thì khả năng gặp khó khăn trong việc trả nợ hoặc phá sản của doanh nghiệp càng lớn.
Tại bảng cân đối kế toán, nợ dài hạn tại BVH lại tiếp tục vượt qua tài sản dài hạn trong quý I/2022. Cụ thể, tại ngày 31/3/2022, nợ dài hạn ghi nhận hơn 131.039 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm. Trong khi đó, chủ yếu là dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm (hơn 130.530 tỷ đồng) và phải trả dài hạn khác (hơn 274 tỷ đồng). Trong khi đó, tài sản dài hạn tại thời điểm này chỉ có 73.843 tỷ đồng. Như vậy, nợ dài hạn cao gấp gần 2 lần tài sản dài hạn tại BVH.
Thực tế, tình trạng nợ dài hạn tại BVH vượt qua tài sản dài hạn kéo dài suốt 4 năm qua. Nếu phần tài sản dài hạn liên tục nhỏ hơn nợ dài hạn chứng tỏ một phần nợ dài hạn đã chuyển vào tài trợ tài sản ngắn hạn. Điều này thực sự vừa làm lãng phí chi phí lãi vay nợ dài hạn vừa thể hiện sử dụng sai mục đích nợ dài hạn. Tương lai, nếu BVH tiếp tục để tình trạng này kéo dài chắc chắn sẽ khiến lợi nhuận kinh doanh giảm hoặc xảy ra những rối loạn tài chính doanh nghiệp nghiêm trọng.