Tập đoàn Bitexco: Dự án khủng, vi phạm lớn
Tập đoàn Bitexco được biết đến là một trong những doanh nghiệp đa ngành hàng đầu tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau hơn 30 năm hoạt động, bên cạnh những thành công, những dự án bất động sản của Tập đoàn Bitexco cũng vướng không ít sai phạm. Gần đây nhất 4 dự án của tập đoàn này và các công ty liên quan đã bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm.
Tập đoàn Bitexco được biết đến là một trong những doanh nghiệp đa ngành hàng đầu tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau hơn 30 năm hoạt động, bên cạnh những thành công, những dự án bất động sản của Tập đoàn Bitexco cũng vướng không ít sai phạm. Gần đây nhất 4 dự án của tập đoàn này và các công ty liên quan đã bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm.
4 dự án bị Thanh tra Chính phủ gọi tên vì "dính" sai phạm
Theo Kết luận thanh tra công tác quản lý nhà nước về du lịch vừa được Thanh tra Chính phủ ban hành, cơ quan thanh tra chỉ ra hàng loạt khuyết điểm, vi phạm tại nhiều dự án khách sạn, du lịch, nghỉ dưỡng, sân golf. Trong đó, có 4 dự án đầu tư liên quan đến lĩnh vực du lịch có chủ đầu tư là Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco và các công ty liên quan.
Tại Hà Nội, TTCP đã chỉ ra một số vấn đề tại dự án Khách sạn 5 sao JW Marriott Hà Nội. Cụ thể, đối với dự án JW Marriott Hà Nội, Thanh tra Chính phủ cho biết thời điểm cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu, dự án này chưa được HĐND TP Hà Nội thông qua.
Bên cạnh đó, việc UBND TP. Hà Nội ngày 8/5/2008 ban hành quyết định thu hồi đất cho Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco thuê để xây dựng khách sạn, trong đó diện tích khu khách sạn kết hợp sân vườn (giảm 5.497m2), diện tích mặt nước (tăng 5.224m2) là chưa đúng diện tích theo quy hoạch chi tiết khu vực xây dựng Trung tâm Hội nghị Quốc gia đã được phê duyệt.
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng cho biết việc xác định dự án thuộc đối tượng ưu đãi đầu tư theo danh mục kèm theo Nghị định số 108 ngày 22/9/2006 của Chính phủ giai đoạn trước năm 2014 là không đúng quy định. Số tiền thuê đất là nhà đầu tư (Bitexco) phải nộp bổ sung là 26,2 tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND TP. Hà Nội báo cáo, đề nghị Bộ Xây dựng điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết khu vực xây dựng khách sạn JW Marriott Hà Nội để phù hợp với diện tích đất, diện tích mặt nước thực tế.
Thanh tra Chính phủ cũng yêu cầu UBND TP. Hà Nội chỉ đạo cơ quan chức năng của thành phố yêu cầu Tập đoàn Bitexco nộp bổ sung tiền thuê đất 26,2 tỷ đồng, xác định và thu tiền chậm nộp (nếu có) để đảm bảo không thất thoát ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội phải tổ chức kiểm điểm, xác định và xử lý nghiêm trách nhiệm của tập thể, cá nhân theo quy định pháp luật có liên quan đến 2 vi phạm.
Thứ nhất, xác định chưa chính xác số lượng lao động thường xuyên năm 2013-2014 của Khách sạn JW Marriott Hà Nội để Tập đoàn Bitexco hưởng ưu đãi đầu tư không đúng quy định, làm thất thu ngân sách nhà nước.
Thứ hai, trách nhiệm tham mưu, ban hành quyết định thu hồi đất cho Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Minh thuê để xây dựng Khách sạn JW Marriott Hà Nội, trong đó khu khách sạn kết hợp sân vườn có diện tích 57.103 m2 và diện tích mặt nước 21.624 m2 chưa đúng diện tích theo Quy hoạch chi tiết khu vực xây dựng Trung tâm Hội nghị Quốc gia được Bộ Xây dựng phê duyệt.
Dự án khách sạn 5 sao JW Marriott Hà Nội nằm tại số 8 Đỗ Đức Dục, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Dự án này được triển khai vào năm 2012 và hoàn thành vào 2013, với tổng mức đầu tư là 250 triệu USD.
Tại Huế, Thanh tra Chính phủ phát hiện vi phạm tại dự án Đầu tư khu nghỉ dưỡng Nama (Nama Resort). Chủ đầu tư dự án này là công ty TNHH Đầu tư du lịch Kinh Thành (được thành lập ngày 31/12/2014 với 2 cổ đông là Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco và Công ty cổ phần du lịch Hương Giang).
Cổ đông lớn Công ty cổ phần Du lịch Hương Giang bao gồm Công ty TNHH Crystal Treasure, Công ty TNHH Tấn Trường, Công ty TNHH Thạch Anh Trắng, Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco và một số cổ đông khác.
Tại dự án này, việc thực hiện góp vốn điều lệ các cổ đông không đúng thời hạn theo yêu cầu của UBND tỉnh và quy định lại điều 48 Luật Doanh nghiệp 2014.
Việc giải phóng mặt bằng và tái định cư theo Luật Đất đai năm 2013 thì dự án nêu trên không thuộc trường hợp được Nhà nước thu hồi đất mà nhà đầu tư phải thỏa thuận, nhận chuyển nhượng, góp vốn và thuê quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, UBND tỉnh đã đồng ý nguyên tắc cho tiếp tục thực hiện dự án và áp dụng hình thức thu hồi đất để thực hiện dự án. Ngoài ra, dự án Nama Resort nằm trong khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Hiện tại, dự án vẫn chưa được khởi công thực hiện, dự án đã bị chậm tiến độ so với yêu cầu.
Liên quan đến sai phạm tại dự án này, TTCP kiến nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, điều chỉnh tiến độ, đồng thời có phương án xử lý phù hợp với Luật Di sản văn hoá và quy định pháp luật liên quan.
Thanh tra Chính phủ còn phát hiện vi phạm tại Dự án Khu nghỉ mát Lăng Cô, chủ đầu tư là Công ty TNHH Du lịch Lăng Cô (được thành lập từ liên doanh giữa Công ty Du lịch Hương Giang với Công ty TNHH Đầu tư Việt). Nhà đầu tư chưa nộp 181,1 tỷ đồng tiền sử dụng đất kỳ 2 năm 2018, thời hạn nộp chậm nhất là ngày 31/12/2018. Thời điểm thanh tra, giai đoạn II của dự án chưa được hoàn thành theo đúng tiến độ, cụ thể là 19 trong số 29 căn biệt thự chưa được thực hiện đầu tư xây dựng, tổng mức đầu tư thực hiện của dự án đạt khoảng 82/150 tỷ đồng. Giấy chứng nhận đầu tư chưa được điều chỉnh theo phương án tổng mặt bằng được phê duyệt năm 2013.
TTCP yêu cầu Công ty TNHH Du lịch Lăng Cô tập trung nguồn vốn đầu tư xây dựng 19/29 căn biệt thự còn lại để hoàn thành toàn bộ dự án. Đồng thời yêu cầu Công ty TNHH Du lịch Lăng Cô nộp hồ sơ điều chỉnh Giấy chứng nhận nha đầu tư phù hợp với thực tế quy hoạch tổng mặt bằng của dự án giai đoạn II và GPXD đã được cấp; điều chỉnh tiến độ hoàn thành dự án; thực hiện nộp tiền thuê đất đúng thời gian quy định.
Một dự án khác tại Huế do Bitexco là chủ đầu tư vi phạm là dự án Khu du lịch sinh thái đầm Lập An. Theo đó, từ ngày 3/8/2016 dự án được quyết định chủ trương đầu tư cho đến ngày 21/8/2018, chủ đầu tư đang triển khai lập quy hoạch trình phê duyệt, điều chỉnh quy mô đầu tư, chưa thực hiện ký bản cam kết tiến độ thực hiện dự án, chưa ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án, chưa triển khai xây dựng nên chưa thực hiện góp vốn...
Bitexco chưa thực hiện giãn tiến độ đầu tư theo quy định của Luật đầu tư năm 2014 sau 24 tháng nhà đầu tư không thực hiện dự án theo tiến độ đăng ký với cơ quan đăng ký đầu tư. Ngày 13/9/2018, Bitexco đã nộp hồ sơ xin chấm dứt hoạt động dự án.
Loạt dự án tai tiếng
Đầu tiên phải kể tới dự án khu đô thị Nam đường vành đai 3 (tên thương mại The Manor Central Park) do Bitexco làm chủ đầu tư. The Manor Central Park là một trong những “siêu dự án bất động sản” mà Bitexco được cho là hưởng lợi lớn khi đổi đất làm đường theo hình thức BT với Hà Nội.
Tuy nhiên, những năm qua, dự án này luôn gây ồn ào dư luận từ các thông tin “cầm cố” ngân hàng, đội vốn,… Theo đó, trong quá trình xây dựng Công ty CP Bitexco đã xây khoảng 500 căn nhà thấp tầng khi chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Vào tháng 9/2020, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 350 triệu đồng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Dư luận trước đó từng đặt ra nhiều câu hỏi về việc dự án The Manor Central Park được rao bán từ năm 2018 nhưng tuyến đường bao quanh công viên Chu Văn An vẫn dậm chân tại chỗ. Ngoài ra, dự án này cũng từng bị Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều sai phạm liên quan đến đội vốn, chậm thời gian hoàn thiện.
Không chỉ có dự án The Manor Central Park mà còn rất nhiều các dự án khác chạy dài từ Nam ra Bắc đều mắc những sai phạm nghiêm trọng.
Cụ thể, tháng 4/2011, UBND TP Hà Nội phê duyệt dự án đường bao quanh khu tưởng niệm Chu Văn An với chiều khoảng 3,76km gồm: Một tuyến chính dài 2,5km, nền đường rộng 53,5m và một tuyến đường phụ dài 1,1km, nền đường rộng 20,5m.
Bitexco được chỉ định thầu theo hình thức BT (Xây dựng - chuyển giao), với số vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng. Dự án được phê duyệt từ năm 2011 nhưng đến tháng 5/2014 mới khởi công xây dựng.
Để thực hiện hợp đồng BT, UBND TP Hà Nội đã phải trả cho Bitexco khu đất rộng khoảng 90 ha thuộc phường Đại Kim (quận Hoàng Mai) và phường Thanh Liệt (huyện Thanh Trì).
Tuy nhiên, khi dự án xây dựng các tuyến đường được giao chậm tiến độ kéo dài thì tại quỹ “đất vàng” được đối ứng Bitexco đã xây dựng khu đô thị The Mannor Central Park với hàng chục dãy biệt thự, nhà liền kề, shophouse,… bán ra thị trường với giá từ 16-39 tỷ đồng/căn.
Sau vài lần gia hạn, Hà Nội lại tiếp tục “nhún nhường” cho Bitexco thêm thời gian lên tới 67 tháng tính từ năm 2014 để làm cho kỳ được mấy km đường “dát vàng” này. Đến đầu năm 2020, dự án mới cơ bản hoàn thành và cho thông xe tuyến số 1 cùng nút giao với đường vành đai 3, tuyến nhánh giao đường 70, tuyến số 5 giao với tuyến đường phía đông huyện Thanh Trì.
Tuy nhiên, hạng mụccầu trực thông giao với đường Phúc La - Văn Phú và nút giao đường 70 vẫn chưa được hoàn thành. Sau nhiều năm “hứa hẹn”, Bitexco nhiều lần đưa chính quyền và nhân dân Thủ đô đi từ kỳ vọng đến nỗi thất vọng.
Được biết, năm 2016, Bitexco còn bị UBND tỉnh Lào Cai phạt 150 triệu đồng vì huy động vốn, mua bán nhà trái pháp luật. Bitexco đã ký 97 hợp đồng góp vốn, hợp đồng mua bán nhà với khách hàng khi chưa xây dựng xong phần móng tại dự án The Manor Lào Cai.
Ngoài ra, năm 2020 Sở Văn hoá và Thể thao TP HCM vừa có văn bản báo cáo UBND TP HCM về việc xây dựng công trình cao ốc khu tứ giác Bến Thành làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến di tích Bảo tàng Mỹ thuật, quận 1.
Nguyên nhân được đưa ra, công trình cao ốc khu tứ giác Bến Thành (The Spirit of Saigon) do Công ty TNHH Saigon Glory (thành viên của Tập đoàn Bitexco) làm chủ đầu tư đang thi công xây dựng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình Bảo tàng Mỹ thuật.
Theo đó, đoạn tường rào của bảo tàng trên đường Lê Thị Hồng Gấm bị nghiêng ra ngoài, có khả năng sụp đổ gây nguy hiểm cho người dân tham gia giao thông cũng như cán bộ công nhân viên của Bảo tàng và du khách tham quan; cửa cổng bị xô xệch không sử dụng được.
Khối nhà 1, 2, 3 và nhà bảo vệ bị nứt, lún, bong tróc nhiều nơi; nền khuôn viên Bảo tàng (tiếp giáp đường Lê Thị Hồng Gấm) bị lún, gạch nền bong tróc đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng công trình và hoạt động của Bảo tàng. Các hạng mục nêu trên ngày càng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng đến nay chủ đầu tư công trình chưa khắc phục.
Hồi tháng 4 vừa qua, Bitexco cũng bị UBND TP HCM quyết định xử phạt vi phạm hành chính 350 triệu đồng. Cụ thể Bitexco đã xây dựng một hệ thống xử lý nước thải, công suất 250 m3/ngày đêm tại dự án Trung tâm văn phòng thương mại dịch vụ tài chính Bitexco Financial Tower nhưng chưa có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) theo quy định.
Tập đoàn Bitexco đang làm ăn ra sao?
Tiền thân của Bitexco là Công ty dệt Rạng Đông được thành lập năm 1985, sau đó đổi tên thành Công ty dệt Bình Minh. Đến năm 1993 đổi tên thành công ty TNHH SXKD XNL Bình Minh (Bitexco). Nhà sáng lập tập đoàn này là ông Vũ Quang Hội.
Năm 1996, Bitexco đa dạng hóa ngành nghề sang đầu tư sản xuất nước khoáng Vital và thành lập nhà máy nước khoáng Vital. Năm 2000, công ty này mở rộng sang nhiều lĩnh vực như bất động sản, thủy điện, hạ tầng giao thông, khoáng sản. Đến năm 2011 đổi sang mô hình tập đoàn.
Sau hơn 30 năm hoạt động, Tập đoàn Bitexco đã trở thành một trong những tập đoàn kinh tế đa ngành hàng đầu tại Việt Nam như bất động sản, năng lượng, đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng giao thông...
Bitexco được biết đến nhiều hơn trong vai trò chủ đầu tư của hàng loạt dự án bất động sản nổi tiếng như: tòa tháp tài chính Bitexco (quận 1, TP HCM), khách sạn JW Marriott Hà Nội, khu phức hợp The Manor Hà Nội hay The Manor Central Park (Hà Nội)...
Đến cuối năm 2019, quy mô tổng tài sản của Tập đoàn này lên đến 43.436 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ năm trước chủ yếu do các khoản phải thu ngắn và dài hạn “phình to” so với đầu năm. Phần lớn tài sản của Bitexco được tài trợ từ nguồn vốn nợ trong khi vốn chủ sở hữu chỉ nhích nhẹ lên 6.481 tỷ đồng.
Tổng nợ phải trả tính đến cuối năm 2019 của Tập đoàn này đã tăng hơn 20.000 tỷ đồng so với đầu năm lên mức gần 36.955 tỷ đồng, chiếm tới 85% tổng tài sản. Sự gia tăng chủ yếu đến từ khoản phải trả dài hạn khác trong khi nợ vay tài chính giảm nhẹ xuống 4.160 tỷ đồng và có xu hướng chuyển dịch từ nợ dài hạn sang ngắn hạn.
Thực tế, khoản nợ vay tài chính của Bitexco không quá lớn thậm chí có thể coi là nhỏ nếu so với quy mô tổng tài sản của doanh nghiệp này. Dù vậy, chi phí tài chính chủ yếu là lãi vay lại trở thành gánh nặng chính đè lên lợi nhuận của doanh nghiệp này.
Năm 2019, chi phí tài chính đã được tiết giảm so với năm trước tuy nhiên vẫn chiếm tới hơn 40% trên doanh thu gần 1.100 tỷ đồng của Bitexco. Sau khi trừ giá vốn và chi phí hoạt động, Tập đoàn này thu về gần 216 tỷ đồng lãi ròng, khả quan hơn số lỗ gần 344 tỷ đồng trong năm 2018 trước đó.
Dù kinh doanh được cải thiện tuy nhiên dòng tiền của Bitexco bắt đầu có dấu hiệu gặp vấn đề với khoản phải thu tăng đột biến. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh đã giảm mạnh từ hơn 6.000 tỷ đồng xuống còn vỏn vẹn 321 tỷ đồng kéo theo lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm hơn 123 tỷ đồng.
Thêm vào đó, mức lợi nhuận khiêm tốn 216 tỷ đồng dường như chưa tương xứng với quy mô tài sản lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng của Tập đoàn này. Số liệu cho thấy các chi tiêu sinh lời như hiệu suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA), tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của Bitexco chỉ lần lượt ở mức 0,5% và 3,3%.
Cho đến nay, tập đoàn Bitexco vẫn là công ty tư nhân thuộc sở hữu của gia đình ông Vũ Quang Hội.
Ông Vũ Quang Hội sinh năm 1963 tại làng Mẹo, tức làng Phương La, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ông xuất thân trong một gia đình có truyền thống làm kinh doanh. Cha ông Hội, ông Vũ Quang Huy, bắt đầu với nghề dệt, rồi chuyển sang kinh doanh nước khoáng. Ông Huy chính là người khởi nghiệp và xây dựng thương hiệu nước khoáng Vital khá nổi tiếng của tỉnh Thái Bình...
Năm 1984, 21 tuổi, ông Hội theo học ở Đại học Nông nghiệp 1, Hà Nội. Ông ra trường năm 1988 với bằng kỹ sư cơ khí, sau đó về làm việc cho công ty gia đình. Từ năm 1998, ông là Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Bình Minh. Ngoài ra, đến 2010, ông còn là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần xây lắp và đầu tư Sông Đà.
Năm 2000 - 2003, với cú lội ngược dòng, ông Hội quyết định mở rộng kinh doanh, đầu tư lĩnh vực bất động sản tại khu vực miền Bắc và miền Nam. Công trình đầu tiên là tòa nhà Bitexco – Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.Nếu “Bitexco Financial Tower” được coi là biểu tượng cho Thành phố Hồ Chí Minh, tòa nhà cao 68 tầng, tòa tháp Bitexco Financial Tower lấy cảm hứng thiết kế từ hình ảnh búp sen, thể hiện văn hóa truyền thống của Việt Nam, khát vọng vươn lên của dân tộc và là biểu tượng cho một đất nước mới đầy năng động.
Ngoài những dự án bất động sản nghìn tỷ, những đập thủy điện “khổng lồ”, năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng, ông Hội còn mạnh tay đầu tư vào mỏ Cá Tầm mở ra bước ngoặt mới trong việc khai thác dầu khí tại Việt Nam.
Cụ thể, từ ngày 25/1/2019, Tập đoàn Bitexco chiếm 15% cổ phần trong liên doanh khai thác giàn khoan CTC1 mỏ Cá Tầm, lô 09/3-12 cùng với Việt – Nga Vietsovpetro (VSP), Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP). Tại lô 16 -1/15 vẫn đang triển khai nghiên cứu, thăm dò.
Ý kiến từ một số chuyên gia cho thấy, kết quả kinh doanh chưa có nhiều đột phá của Bitexco có một phần nguyên nhân đến từ các dự án bất động sản trọng điểm được Tập đoàn này triển khai chưa thực sự hiệu quả, thậm chí vướng không ít lùm xùm.