Tập đoàn Thành Công đang hiện thực hóa tham vọng 'kiềng ba chân'
Hết lấn sân sang bất động sản, Tập đoàn Thành Công tiếp tục tham vọng ở lĩnh vực ngân hàng và chứng khoán
CTCP Tập đoàn Thành Công (Thành Công Group) được thành lập năm 2008 và trở thành đối tác chính của thương hiệu xe tải nặng Hyundai tại Việt Nam. Đến năm 2019, vốn điều lệ của Tập đoàn Thành Công đạt 3.500 tỷ đồng. Tập đoàn đang nắm giữ 37,5% cổ phần của Hyundai Thành Công.
Trong “hệ sinh thái” của tập đoàn Thành Công, Hyundai Thành Công được cho là “con gà đẻ trứng vàng” với lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Ngoài ra, còn có 2 đơn vị quan trọng nhất là CTCP Hyundai Thành Công Thương mại và CTCP Sản xuất Ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam (đều có vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng).
Nhờ những kết quả ấn tượng đạt được trong lĩnh vực ô tô, Tập đoàn Thành Công đã chính thức lấn sân sang bất động sản, chứng khoán và ngân hàng.
Lấn sân lĩnh vực ngân hàng
Mới đây, cuộc "nội chiến" tại Eximbank kéo dài nhiều năm dường như đã kết thúc khi các bên tìm được tiếng nói chung cho vị trí nhân sự cấp cao.
Cụ thể, ngày 15/2, Ngân hàng Eximbank (EIB) tổ chức phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 lần thứ 2 do phiên họp lần đầu tháng 4/2021 không thể diễn ra vì không đủ số lượng cổ phần tham dự cần thiết.
Theo đó, bà Lê Thị Cẩm Tú, người từng là CEO của Nam A Bank được bầu làm Chủ tịch HĐQT của ngân hàng sau 2 ngày Đại hội cổ đông. Bà Tú còn nhận được sự ủng hộ của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Minh và 5 cổ đông cá nhân khác.
6 thành viên HĐQT còn lại trúng vào Hội đồng quản trị Eximbank nhiệm kỳ VII với kết quả: ông Võ Quang Hiển (212%); ông Nguyễn Hiếu (119,64%); bà Lê Hồng Anh (92,9%); ông Đào Phong Trúc Đại (81,96%); bà Lương Thị Cẩm Tú (62,16%); bà Đỗ Hà Phương (61,32%); ông Nguyễn Thanh Hùng (61,5%).
Các thành viên đã trúng cử vào Ban kiểm soát nhiệm kỳ VII với tỷ lệ: ông Ngo Tony (147,2%); bà Phạm Thị Mai Phương (135,59%); ông Trịnh Bảo Quốc (117,92%).
Có thể thấy, góp mặt trong các thành viên HĐQT mới của Eximbank, cũng là sự kiện ra mắt chính thức của một nhóm cổ đông mới tại ngân hàng này - Tập đoàn Thành Công, nhà lắp ráp và phân phối xe ô tô Hyundai nổi tiếng trong nước với hai cổ đông có kết quả cao gồm bà Lê Hồng Anh và ông Đào Phong Trúc Đại. Ngoài ra, trong danh sách Ban kiểm soát có bà Nguyễn Thị Hiền Ngọc được đề cử bởi Tập đoàn Thành Công nhưng không trúng cử.
Theo lý lịch, bà Lê Hồng Anh sinh năm 1975 có sự nghiệp gắn bó với Tập đoàn Thành Công. Bà Hồng Anh từng trải qua các vị trí: Phó Giám đốc phụ trách Tài chính kế toán Công ty TNHH Cơ khí Thành Công, Phó TGĐ thường trực phụ trách kế toán công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công, Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Thành Công Phạm Hùng, và hiện là Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH TCG Land. Ngoài ra, bà Lê Hồng Anh còn được biết đến là vợ của ông Nguyễn Anh Tuấn – Chủ tịch của Thành Công Group.
Ông Đào Phong Trúc Đại sinh năm 1975, cũng là nhân sự có liên quan tới Tập đoàn Thành Công. Ông Đại từng là Giám đốc tài chính Công ty Cổ phần kỹ thuật dịch vụ Thành Công, Tổng Giám đốc Công ty CP Khu công nghiệp tổ hợp công nghệ Thành Công Việt Hưng, TGĐ CTCP Phát triển KCN Việt Hưng, TGĐ Công ty TNHH phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam.
Theo tìm hiểu, trên thị trường đồn đoán rằng ,Tập đoàn Thành Công đã sở hữu được một lượng lớn cổ phiếu EIB từ năm 2019. Trong ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 lần 3 vào sáng 26/4/2021 tại Eximbank, có 4 nhân sự được đề cử bởi Thành Công Group gồm bà Lê Hồng Anh, ông Đào Phong Trúc Đại, ông Nguyễn Hiếu và ông Yasuo Takeuchi. Tuy nhiên, cuộc họp này lại bất thành do tỷ lệ cổ đông không đồng ý thông qua Quy chế họp những 54,09%.
Như vậy, sau thời gian dài theo đuổi, phải tới thời điểm này, Tập đoàn Thành Công mới có vị trí chính thức trong HĐQT Eximbank.
Sau thời gian dài tích lũy trong lĩnh vực ô tô với kết quả ấn tượng, Tập đoàn Thành Công đầy tự tin lấn sân sang bất động sản.
Cụ thể, năm 2019, Thành Công và Hyundai E&C đã ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực xây dựng. Đây là tín hiệu mạnh mẽ cho thấy tham vọng của đại gia Nguyễn Anh Tuấn trong lĩnh vực bất động sản.
Trên thực tế, Thành Công Group đã từng bước tham gia vào thị trường địa ốc từ năm 2012, khi thành lập CTCP Thành Công E&C (hiện có vốn 400 tỷ đồng).
Hiện nay, Thành Công sở hữu danh mục dự án với một số cái tên đáng chú ý như Khu căn hộ 345 Đội Cấn, Khu du lịch sinh thái Cầu Đôi (11,4ha), dự án nâng cấp Khách sạn Thủy Tọa gần 10.000 m2 thành tổ hợp Khách sạn 5 sao và khu biệt thự kinh doanh tại Hà Nội, hay dự án Căn hộ - văn phòng - khách sạn tại 245 Hoàng Văn Thụ (TP.HCM).
Ngoài Thành Công E&C, hệ sinh thái mảng bất động sản của tập đoàn Thành Công còn được hoàn thiện bởi hai đơn vị thành viên khác là CTCP Xây dựng Thành Công số 3, chuyên trong lĩnh vực xây dựng các dự án bất động sản, CTCP Du lịch Thương mại Cổ Loa và PV – Inconess, qua đó sở hữu hai dự án rất lớn ở Ninh Bình là tổ hợp Du lịch - sân golf 54 lỗ hồ Yên Thắng diện tích 670ha và dự án Khu du lịch sinh thái hồ Đồng Thái quy mô 2.185ha. Tổng mức đầu tư dự kiến của hai dự án này lên tới 472 triệu USD.
Đáng nói, ngoài Eximbank còn có 2 công ty chứng khoán được cho là có nhiều mối liên hệ đến Thành Công Group là Chứng khoán Đà Nẵng (mã CK:DSC) và Chứng khoán HVS.
Cụ thể, đầu tháng 12/2020, công ty cổ phần chứng khoán HVS đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận chuyển nhượng cổ phần giữa 3 cổ đông hiện tại cho 3 cá nhân gồm ông Nguyễn Đình Đại là Thành viên Ban kiểm soát tại PV - Inconess. Ông Nguyễn Toàn Thắng được biết đến là em trai của ông Nguyễn Anh Tuấn. Bà Lê Hồng Anh là vợ ông Nguyễn Anh Tuấn.
Tổng số cổ phần chuyển nhượng là 5.02 triệu cp, tương đương 100% vốn điều lệ của HVS.
Đầu tháng 8/2021, HVS đã tổ chức ĐHĐCĐ bất thường và bầu mới Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2019 - 2023 với hai thành viên đều đến từ Thành Công Group là bà Chu Hoàng Mai và bà Đinh Hoài Hương. Điều này phần nào cho thấy mặc dù thay đổi cổ đông trực tiếp sở hữu, nhưng bóng dáng của Thành Công Group vẫn còn tại HVS.
Mới đây nhất, Công ty cổ phần Chứng khoán Đà Nẵng (mã CK: DSC) vừa thông qua phương án chào bán 94 triệu cổ phiếu riêng lẻ năm 2021 cổ phiếu cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư chiến lược. Với giá dự kiến 10.000 đồng/cổ phiếu, số tiền huy động được tương ứng khoảng 940 tỷ đồng. Như vậy, vốn điều lệ của doanh nghiệp từ 60 tỷ đồng sẽ tăng lên 1.000 tỷ đồng.
Theo danh sách có 5 nhà đầu tư đăng ký mua. Trong đó, nhà đầu tư chiến lược là Công ty cổ phần Đầu tư NTP dự kiến mua 70 triệu cổ phiếu, tương ứng 70% vốn điều lệ sau phát hành.
Công ty này mới được thành lập hồi đầu tháng 3 năm nay, vốn điều lệ 941 tỷ đồng. Các cổ đông sáng lập là ông Nguyễn Đức Anh 98%, ông Tạ Văn Mạnh và bà Nguyễn Thị Thu Hà mỗi người 1%.
NTP đặt trụ sở tại có trụ sở tại tầng 8 tòa nhà Thành Công, số 80 phố Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy. Mới đây, Chứng khoán DSC cũng dời trụ sở chính từ Đà Nẵng ra Hà Nội tại tầng 2 cùng tòa nhà này. Trên thị trường, nhiều nguồn tin cho biết Thành Công chính là cái tên đứng sau thương vụ trên.
Việc "lấn sân" sang những lĩnh vực mới, ngoài sản xuất lắp ráp ô tô, Tập đoàn Thành Công đang hiện thực hóa tham vọng “kiềng ba chân” trong hệ sinh thái của mình.