Tập đoàn Trung Quốc vỡ nợ, cảnh báo phá sản hàng loạt

Cảnh báo số vụ vỡ nợ ở Trung Quốc sẽ tăng vọt trong năm 2021, hàng loạt doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp Nhà nước trước nguy cơ phá sản.

Việc một Tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc đã vỡ nợ hàng tỷ USD làm dấy lên mối lo ngại rằng những chấn động của thị trường trái phiếu có thể càn quét qua ngành ngân hàng.

Trung Quốc sắp ghi nhận loạt tín hiệu vỡ nợ của các công ty, tập đoàn Nhà nước.  
Trung Quốc sắp ghi nhận loạt tín hiệu vỡ nợ của các công ty, tập đoàn Nhà nước.  
 

Theo một tài liệu chủ nợ của Huachen Automotive Group thuộc sở hữu Nhà nước của Trung Quốc, có gần 70 ngân hàng Trung Quốc và nước ngoài cũng như các công ty tín thác, đã cho Tập đoàn này vay tổng cộng 33,5 tỷ CNY (5,1 tỷ USD) vào năm ngoái.

Một số chủ nợ cho biết, họ đang đánh giá lại mức độ tiếp xúc với Huachen, sau khi công ty này vỡ nợ 1 tỷ CNY trái phiếu hồi tháng 10. Tập đoàn này sở hữu các công ty con bao gồm đối tác của BMW trong liên doanh sản xuất tại Trung Quốc. Huachen là công ty có trụ sở tại thành phố Thẩm Dương, phía đông bắc Trung Quốc, do chính quyền tỉnh Liêu Ninh kiểm soát.

Một nhân viên ngân hàng làm việc tại một trong những chủ nợ của Huachen chia sẻ với Financial Times rằng: "Chúng tôi đã thảo luận với Huachen, bởi đây là doanh nghiệp nhà nước lớn nhất ở Liêu Ninh và chính quyền địa phương không đủ nguồn lực để tập đoàn này phá sản."

Những ngân hàng cung cấp khoản vay cho Huachen có Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB) và Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) – 2 trong số 4 ngân hàng nhà nước lớn nhất tại quốc gia này. Khoản nợ của Huachen với 2 nhà băng này lần lượt là 2 tỷ CNY và 642 triệu CNY, đã tính đến các khoản vay của tập đoàn này cho đến tháng 9 năm ngoái, theo tài liệu từ chủ nợ.

Trong khi đó, chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Huachen là Ngân hàng DBS của Singapore, với khoản vay 779 triệu CNY.

Wei He – nhà phân tích tại Gavek al Dragonomics, cho biết sự bùng nổ của số lượng các vụ vỡ nợ gần đây có thể khiến chất lượng tài sản tại các ngân hàng Trung Quốc sụt giảm. Hoạt động của các nhà cho vay này chịu ảnh hưởng lớn từ phía chính phủ và họ có tiềm lực lớn để hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước (SOE) địa phương. Ông He nói thêm: "Đã qua rồi thời điểm các ngân hàng Trung Quốc có thể đáo hạn nợ vô thời hạn, giúp cho báo cáo tài chính của họ trông ‘đẹp’ hơn."

Hơn nữa, Huachen cũng đã vay tổng cộng 2,5 tỷ CNY từ 2 ngân hàng chính sách lớn do nhà nước kiểm soát, đó là Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (EIBC). Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài đã đổ xô vào trái phiếu của các ngân hàng chính sách Trung Quốc trong năm nay.

Financial Times nhận định, các vấn đề về nợ của Huachen và các công ty khác trong thời gian gần đây có thể gây ra những tác động lớn hơn đến dòng chảy tín dụng trong hệ thống tài chính của Trung Quốc.

Các ngân hàng tại nước này thường ấn định hạn mức cho vay hàng năm đối với các tỉnh và thành phố. Khu vực công nghiệp do nhà nước kiểm soát của Liêu Ninh từ trước đến nay thường được các tổ chức tài chính nhà nước hỗ trợ, từ đó tạo niềm tin rằng khu vực này có được sự hậu thuẫn vững chắc từ chính quyền tỉnh.

Dẫu vậy, nhân viên ngân hàng tại một trong những chủ nợ của Huachen nói rằng, nếu các quan chức tỉnh không đưa ra một "giải pháp tốt" giữa tập đoàn này với các chủ nợ, họ sẽ phải cắt giảm đáng kể hạn mức cho vay của tỉnh Liêu Ninh.

Khoản nợ của Huachen tại các ngân hàng (đơn vị: triệu CNY).  
Khoản nợ của Huachen tại các ngân hàng (đơn vị: triệu CNY).  
 

Hôm 20/11, Toà án Nhân dân Trung cấp Thẩm Dương đã tiếp nhận hồ sơ đăng ký bảo hộ phá sản của Huachen Automotive Group Holdings - nhà sản xuất ô tô đình đám tại Trung Quốc, đơn vị liên danh với BMW, Renault. Vụ vỡ nợ lên đến 1 tỷ NDT.

Hay như Tsinghua Unigroup, nhà sản xuất chip đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực xây dựng ngành bán dẫn nội địa của Trung Quốc cũng rơi vào số phận tương tự. Trong khi đó, Tập đoàn điện - than Yongcheng cũng rơi vào tình trạng vỡ nợ.

Nếu như trong năm 2016, hầu hết doanh nghiệp vỡ nợ nằm trong ngành công nghiệp than, thép thì năm nay, vỡ nợ bao trùm các công ty thuộc nhiều lĩnh vực hơn, như giao thông, du lịch, bán lẻ…

Sở dĩ các vụ nỡ nợ DNNN Trung Quốc liên tục xảy ra do quốc gia này đang siết chặt quy định nhằm lành mạnh hóa thị trường tài chính, khi tỷ lệ nợ doanh nghiệp trên GDP của nước này đã lên đến 160% và dự kiến sẽ còn tăng mạnh hơn nữa trong các năm tới.

Theo các chuyên gia, nhiều năm qua, nhiều DNNN tại Trung Quốc được bao bọc, nên thị trường tài chính Trung Quốc tuy “phổng phao” bề ngoài, nhưng kém sức đề kháng trước những biến động khó lường của thị trường. Và đại dịch COVID-19 đã làm lộ rõ thực trạng này.

Đến ngày 30/9/2020, tổng nợ khó đòi của ngành ngân hàng Trung Quốc tăng lên mức kỷ lục gần 430 tỷ USD.

Bất chấp những nỗ lực hỗ trợ của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, thị trường tài chính ngân hàng Trung Quốc đang đối mặt áp lực lớn vì tình trạng nợ quá hạn tăng nhanh. Theo thống kê, nợ quá hạn trong nước tăng lên 14,06 tỷ USD trong năm nay.

Hiện có khoảng 85 tỷ NDT nợ của các doanh nghiệp Trung Quốc đáo hạn vào tháng 3/2021 và 172,6 tỷ NDT (26,2 tỷ USD) nợ sẽ đáo hạn vào tháng 11/2021. Trong đó, khoảng 63,9 tỷ NDT nợ thuộc về các DNNN. Với tình hình khó khăn hiện nay, rất nhiều trong số các khoản nợ nói trên có nguy cơ quá hạn, thậm chí nhiều doanh nghiệp sẽ vỡ nợ. Điều này tiềm ẩn nguy cơ vỡ nợ dây chuyền ở Trung Quốc.

Kim Hoa

Theo Báo Đất Việt