Thành phố gần 1.000 năm tuổi của tỉnh đông dân nhất Việt Nam sắp đấu giá hơn 200 lô đất với giá khởi điểm từ 4 triệu đồng/m2

Các lô đất này có diện tích dao động từ 95,5-155,5m2/lô.

Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản Thanh Hoá đã công bố thông báo đấu giá tài sản thuộc UBND TP. Thanh Hoá. Cụ thể, quyền sử dụng đất của 204 lô đất ở nông thôn tại khu dân cư, tái định cư xã Hoằng Đại, TP. Thanh Hoá sẽ được đem ra đấu giá.

Các lô đất này có diện tích dao động từ 95,5-155,5m2/lô, với giá khởi điểm từ 4-7,5 triệu đồng/m². Chi phí mua hồ sơ tham gia đấu giá dao động từ 200.000- 500.000 đồng/hồ sơ; số tiền đặt cọc trước yêu cầu từ 83-166,7 triệu đồng/hồ sơ.

Thời gian xem tài sản sẽ diễn ra từ ngày 12/8-13/8. Thời gian và địa điểm tham khảo, mua hồ sơ trong giờ hành chính từ ngày 9/8-23/8 tại Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản Thanh Hoá và UBND xã Hoằng Đại. Hồ sơ đấu giá sẽ được thu nhận từ ngày 9/8-23/8 tại Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản Thanh Hoá và vào ngày 22/8 tại UBND xã Hoằng Đại.

Thành phố gần 1.000 năm tuổi của tỉnh đông dân nhất Việt Nam sắp đấu giá hơn 200 lô đất với giá khởi điểm từ 4 triệu đồng/m2 - Ảnh 1

Khách hàng có thể nộp phiếu trả giá trực tiếp tại Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản Thanh Hoá vào ngày 25/8 hoặc gửi qua đường bưu chính trước 17h cùng ngày. Hình thức đấu giá sẽ là đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp theo phương thức trả giá lên. Buổi công bố kết quả đấu giá dự kiến diễn ra vào lúc 8h sáng ngày 26/8 tại Hội trường UBND xã Hoằng Đại.

Thanh Hoá là tỉnh nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ với diện tích tự nhiên hơn 11.000km2. Theo thống kê năm 2022, tỉnh này có dân số 3,72 triệu người, là tỉnh đông dân nhất Việt Nam, chỉ sau hai thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội và TP. HCM.

Vào cuối tháng 7/2024, HĐND tỉnh Thanh Hoá đã họp và thông qua Nghị quyết về việc sáp nhập huyện Đông Sơn vào TP. Thanh Hoá, đồng thời thành lập các phường và sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của thành phố. Theo kế hoạch, đến năm 2025, tỉnh Thanh Hoá sẽ giảm một đơn vị hành chính cấp huyện và 11 xã, phường.

Trước khi quyết định sáp nhập TP. Thanh Hoá với huyện Đông Sơn, đã có đề xuất đổi tên thành phố sau khi sáp nhập thành TP. Đông Sơn. Tuy nhiên, phía tỉnh Thanh Hoá cho biết, việc đổi tên sẽ gây ra nhiều bất cập và lãng phí về kinh tế. Hơn nữa, danh xưng "Thanh Hoá" đã tồn tại gần 1.000 năm, xuyên suốt các giai đoạn chia tách, mở rộng và thành lập các đơn vị hành chính. Trải qua lịch sử, lỵ sở và đô thị tỉnh lỵ mang tên Thanh Hoá không thay đổi, và đã trở thành một tên gọi mang tính biểu tượng và nhận diện của địa phương.

Lan Ngọc

Theo Chất lượng và cuộc sống