Thẻ tín dụng: Ranh giới mong manh giữa 'đòn bẩy' và 'cái bẫy'
Thẻ tín dụng có thể trở thành trợ thủ đắc lực trong quản lý tài chính cá nhân song cũng có thể trở thành “bẫy nợ” khiến người dùng rơi vào vòng xoáy nợ nần. Theo ông Lâm Tuấn, cố vấn tài chính cá nhân, chỉ khi hiểu được “luật chơi” của thẻ tín dụng, người dùng mới có thể thực sự làm chủ thẻ.
“Cây đèn thần” của giới trẻ
Là sinh viên mới ra trường, chị Thanh Lam (Hà Nội) buộc phải dùng đến chiếc thẻ tín dụng – thứ mà trước đây chị từng từ chối sử dụng. “Mức lương 7 triệu đồng/tháng không đủ để tôi chi trả các chi phí sinh hoạt hàng ngày. Có những tháng lương vừa về đã hết, nếu không có thẻ tín dụng, chắc tôi phải xin tiền trợ cấp hàng tháng từ cha mẹ”, chị Lam chia sẻ.
Nhờ thẻ tín dụng, chị Lam có thể chi tiêu với số tiền thậm chí cao hơn gấp 3 lần so với mức lương của mình. “Có tháng vào mùa sale của các trang thương mại điện tử, số tiền mà tôi thanh toán qua thẻ tín dụng lên tới hơn 20 triệu đồng”, chị nói.
Đối với nhiều người trẻ như chị Thanh Lam, thẻ tín dụng không còn là cái gì đó quá xa lạ, thậm chí còn trở thành “vật bất ly thân” đối với nhiều người. Cùng với xu hướng thanh toán không tiền mặt và mua trước – trả sau, số lượng người sử dụng thẻ tín dụng tại Việt Nam tăng dần đều qua mỗi năm.
Theo thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 3/2024, chỉ tính riêng số lượng thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành đã lên tới hơn 904,7 nghìn thẻ, tăng 18,37% so với cùng kỳ năm 2023. Giao dịch thẻ tín dụng nội địa trong 3 tháng đầu năm 2024 đạt 1,3 triệu giao dịch với giá trị khoảng 10.000 tỷ đồng, tăng 75,43% về số lượng và 89,85% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Trao đổi với Tạp chí Đầu tư Tài chính, nhà tư vấn đầu tư, cố vấn tài chính cá nhân Lâm Tuấn thuộc Công ty quản lý quỹ VinaCapital nhận định: “Sự phát triển của thị trường thẻ tín dụng tại Việt Nam là xu thế không thể tránh khỏi khi thẻ tín dụng đang ngày càng được các bạn trẻ ưa chuộng”.
Theo vị chuyên gia này, thẻ tín dụng sở hữu ưu điểm lớn nhất mang tên “tiền tương lai trả tiền hiện tại”. Nói cách khác, thẻ tín dụng cho phép người dùng “tạm ứng” tiền từ ngân hàng để có thể linh hoạt trong chi tiêu, mua sắm thoải mái mà không cần lo ngay về ví tiền.
“Đối với nhiều người trẻ, thẻ tín dụng giống như một ‘cây đèn thần’ trong ví. Khi muốn mua sắm nhưng không có đủ tiền, họ chỉ cần lấy ‘cây đèn thần’ này ra là sẽ có ngay món đồ mình mong muốn”, ông Lâm Tuấn cho hay.
Một lợi ích khác của thẻ tín dụng là thường đi kèm với các ưu đãi như hoàn tiền, điểm thưởng, giảm giá và các chính sách khuyến mãi hấp dẫn cho việc sử dụng.
Hầu hết các ngân hàng đều liên tục tung ra các chương trình ưu đãi, giảm giá dành cho chủ thẻ tín dụng như hoàn tiền lên tới 20 – 30% giá trị đơn hàng khi mua sắm trên các sàn thương mại điện tử, miễn phí thường niên, hỗ trợ trả góp hay tặng các mã giảm giá, ưu đãi khi sử dụng dịch vụ đặt xe, đặt phòng khách sạn hay vé máy bay,… Ngoài ra, các chủ thẻ tín dụng còn được tận hưởng các ưu đãi từ những chương trình tích lũy điểm thưởng.
“Với nhiều ưu đãi và sự tiện ích, giới trẻ hiện nay khá cởi mở trong việc sử dụng thẻ tín dụng. Thậm chí, đối với nhiều người, thẻ tín dụng không còn đơn giản là công cụ thanh toán mà là một phần không thể thiếu trong đời sống tài chính cá nhân”, ông Lâm Tuấn nói.
Là “đòn bẩy” hay “cái bẫy”?
Không thể phủ nhận những lợi ích mà thẻ tín dụng mang lại, song, ở chiều ngược lại, thẻ tín dụng cũng đang được coi là “bẫy nợ” đối với nhiều người trẻ.
Theo thống kê mới đây của Công ty Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT, một bộ phận giới trẻ đang ngập trong nợ do thói quen sử dụng thẻ tín dụng để mua sắm không kiểm soát. Cụ thể, trong khảo sát của đơn vị này với các khách hàng thuộc tầng lớp trung lưu cho thấy, tỷ lệ tiết kiệm trên thu nhập của người trên 35 tuổi cao hơn 10 - 15% so với người trẻ dưới 35. Đáng nói, một bộ phận giới trẻ từ 20 - 30 tuổi đang ngập trong nợ nần do thói quen mua trước trả sau, từ mua sắm đồ gia dụng, đồ điện tử đến vui chơi, du lịch, giải trí… đều sử dụng thẻ tín dụng.
Ông Lâm Tuấn nhận định: “Những ‘giấc mộng’ tuyệt vời mà thẻ tín dụng mang lại có thể biến thành ‘ác mộng’ nếu không được sử dụng đúng cách”. Theo vị chuyên gia này, “đặc quyền” cho phép người dùng chi tiêu vượt quá số tiền có sẵn trong tài khoản ngân hàng cùng với “cơn mưa” ưu đãi khiến nhiều người bị cuốn vào việc mua sắm, chi tiêu một cách mù quáng.
Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, người dùng có xu hướng chi tiêu nhiều hơn khi không sử dụng tiền mặt. Chưa kể, việc sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán dễ tạo cảm giác tâm lý đây không phải tiền của mình, khiến nỗi đau tiêu tiền (pain of payment) – tức sự cảm nhận về sự “ra đi” của đồng tiền - trở nên “vô hình”, từ đó “dụ dỗ” nhiều người rơi vào cảnh “vung tay quá trán” và rơi vào vòng xoáy nợ nần.
Bên cạnh đó, theo ông Lâm Tuấn, nhiều người mở thẻ tín dụng một cách tùy tiện mà không tìm hiểu kỹ về các loại phí, lãi, ngày thanh toán,… khi sử dụng thẻ tín dụng. “Sự thiếu hiểu biết về lãi suất, các loại phí cũng như thanh toán không đúng hạn khiến nhiều người phải trả nhiều hơn dự tính. Không những vậy, điều này còn ảnh hưởng xấu đến điểm tín dụng và có thể khiến chủ thẻ lọt vào danh sách ‘xếp hạng nợ xấu’ của các tổ chức tín dụng”, ông Tuấn nói.
Về bản chất, thẻ tín dụng không gây hại và không xấu. Song, chiếc thẻ quyền lực này có thể làm trầm trọng hơn các vấn đề về tài chính nếu người dùng có những thói quen tài chính không tốt.
Đứng ở góc độ một cố vấn tài chính cá nhân, ông Lâm Tuấn cho rằng người dùng nên lập ngân sách chi tiêu thẻ tín dụng hàng tháng: “Đầu tiên, người dùng cần xác định trước một ngân sách chi tiêu hàng tháng cho các mục đích cụ thể như sinh hoạt hàng ngày, giải trí, mua sắm,… Từ ngân sách này, người dùng mới cân nhắc và tính toán xem liệu mức chi tiêu sử dụng thẻ tín dụng có phù hợp hay không cũng như có những kế hoạch trả nợ cho các khoản chi tiêu đó một cách phù hợp”.
Bên cạnh đó, để tận dụng được ưu đãi hoàn tiền mà không rơi vào nguy cơ nợ nần, người dùng cần luôn thanh toán đầy đủ số dư hàng tháng trên thẻ tín dụng để tránh lãi suất tích lũy. Theo ông Tuấn, nếu sử dụng đúng cách, thẻ tín dụng còn có thể trở thành “trợ thủ đắc lực” cho kế hoạch quản lý tài chính cá nhân thông minh, vượt trội và mang đến những nguồn lợi nhuận “vượt kỳ vọng”.
Ông cho hay: “Thay vì dùng thu nhập hàng tháng để tiêu xài, bạn hãy dành thu nhập đó cho việc đầu tư và tiết kiệm trước theo công thức: Thu nhập - (Đầu tư + Tiết kiệm) = Chi tiêu. Nói một cách dễ hiểu hơn, bạn hãy dùng thẻ tín dụng để phục vụ cho những khoản chi tiêu hàng ngày để tận dụng các khoản ưu đãi hoàn trả và khuyến mãi. Trong khi đó, bạn có thể sử dụng khoản thu nhập hàng tháng cho các cơ hội đầu tư sinh lời hoặc gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, điều kiện kèm theo là bạn không được quên ‘hạn mức tín dụng’ của mình và phải thanh toán đầy đủ số dư hàng tháng để tránh lãi suất tích lũy và phí phạt. Khi đã hiểu được ‘luật chơi’ của thẻ tín dụng, bạn sẽ thực sự là người làm chủ thẻ chứ không phải để thẻ làm chủ mình”.