Thị trường bất động sản Hải Phòng phục hồi nhanh nhất cả nước
Trong khi thị trường bất động sản cả nước mới nhen nhóm những tín hiệu phục hồi, chỉ chỉ bộc lộ rõ nét hơn kể từ đầu quý III/2023 thì ở Hải Phòng đã xuất hiện giao dịch và nguồn cung bất động sản nhanh nhất, sớm nhất kể từ quý II/2023. Địa phương này đã đưa ra thị trường với đa dạng phân khúc ở các dự án mới.
Cụ thể, trong báo cáo quý II về thị trường bất động sản Hải Phòng, Savills cho biết, trong quý II/2023, công suất bán lẻ tại 15 dự án ở Hải Phòng đạt 79% và giá thuê tầng trệt trung bình đạt 741.000 đồng/m2 /tháng.
Mật độ bán lẻ hiện đại của Hải Phòng là 0,08 m2 /người, xếp sau các trung tâm đô thị lớn như Hà Nội (0,32 m2 /người), TP HCM (0,16 m2 /người) và Đà Nẵng (0,10 m2 /người). Theo đơn vị nghiên cứu, các dự án tương lai như Diamond Crown Plaza, BRG Coastal City, số 4 Trần Phú và Chợ Sắt sẽ định hình lại bức tranh bán lẻ của Hải Phòng.
Còn theo báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), quý II/2023, thị trường bất động sản Hải Phòng có 11 dự án nhà ở đang mở bán, đưa ra thị trường 1.000 sản phẩm. Trong đó, 70% nguồn cung là căn hộ cao cấp đến từ các dự án chung cư thuộc quận Lê Chân, mức giá sơ cấp trung bình khoảng 48 triệu đồng/m2, tăng 4,3% theo quý.
Trong số đó, toàn thị trường Hải Phòng đã ghi nhận 236 giao dịch, tỷ lệ hấp thụ đạt 24%, tăng 6 điểm phần trăm so cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, phân khúc căn hộ chung cư dẫn đầu lượng giao dịch, một số dự án gần như bán hết.
Không chỉ ở các khu vực trung tâm hay cái dự án lớn của thành phố, mà đất nền vùng ven Hải Phòng hay nhà ở kinh doanh cũng có mức giá giao động dưới 2 tỷ đồng và tăng 5% - 7% với hàng trăm giao dịch thực hiện vào tháng 6.
Các dòng sản phẩm ở phân khúc thấp tầng cũng có xu hướng tăng khoảng 5 %. Dự kiến sang quý III sẽ có 800 sản phẩm thấp tầng đưa ra thị trường. Lượng sản phẩm mở bán mới này kỳ vọng sẽ dẫn dắt thị trường, kéo giá nhà khu tái định cư, khu đô thị... tăng.
Chưa kể, trong 6 tháng đầu năm, Hải Phòng đã thành lập 3 cụm công nghiệp quy mô khoảng 150ha. Nhiều dự án đầu tư tại Hải Phòng thậm chí liên tục mở rộng chuỗi cung ứng, hình thành nên chuỗi liên kết ngành quy mô lớn. 3 năm tới, Hải Phòng dự kiến xây dựng 15 khu công nghiệp mới với tổng diện tích 6.200ha, thu hút 12-15 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Bởi nhu cầu bất động sản công nghiệp tăng cao từ Trung Quốc, Hàn Quốc, nhất là dự án có sẵn kho bãi, nhà xưởng quy mô dưới 3ha ở khu vực vùng ven.
Đặc biệt, Hải Phòng hiện còn đứng đầu về lượng dự án nhà ở xã hội khởi công, thành phố đang khẳng định nỗ lực của mình trong việc tăng cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội cho người lao động, nhằm đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân thành phố.
Phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư với chủ đề: “Bất động sản Hải Phòng 2023 - Điểm sáng trong từng phân khúc”, TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS nhận định: “Nhìn chung, những địa phương có sự đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô, bài bản, cơ cấu dân số trẻ, quỹ đất dồi dào,... thì thị trường bất động sản ở đó sẽ có lợi thế phục hồi sớm hoặc duy trì chỉ số tăng nhất định, bất chấp thị trường chung vẫn đang trong thời kỳ khó khăn. Hải Phòng là một trong những điểm sáng đó”.
Theo chủ tịch VARS, thị trường bất động sản Hải Phòng đã sớm có sự khởi sắc từ quý II/2023. Bằng chứng là tốc độ phục hồi các chỉ số giao dịch và nguồn cung bất động sản ở địa phương này gần như nhanh nhất, sớm nhất so với cả nước với sự hiện diện đa dạng phân khúc ở các dự án mới.
Cũng theo VARs, điểm sáng của Hải Phòng là nhờ tiến độ các công trình hạ tầng. Thành phố này đang dồn lực cho một số dự án trọng điểm như cầu Bến Rừng nối huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) và thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh), hay dự án chỉnh trang sông Tam Bạc đoạn từ cầu Lạc Long đến cầu Hoàng Văn Thụ; cùng với đó là các dự án ngoài ngân sách như Nhà ga hàng hóa Cảng hàng không quốc tế Cát Bi; xây dựng công trình đa chức năng tại số 4 Trần Phú...