Thị trường bất động sản Lâm Đồng diễn biến ra sao trong năm 2021?

Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cho biết, thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh trong năm qua có chiều hướng diễn biến tích cực, dự báo sẽ tiếp tục phát triển thời gian tới với các khu vực được nhắm đến là các đô thị như TP Đà Lạt, Bảo Lộc, Đức Trọng, Lâm Hà,…

Nhiều khu vực diễn biến tích cực

Sở Xây dựng Lâm Đồng vừa có báo cáo về công tác thực hiện chính sách nhà ở và thị trường bất động sản năm 2021, phương hướng nhiệm vụ năm 2022 của tỉnh.

Đánh giá về thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh năm vừa qua, Sở Xây dựng Lâm Đồng cho biết, thị trường có chiều hướng diễn biến tích cực. Đặc biệt sau khi có Nghị quyết thông qua phương án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc theo phương thức đối tác công tư, tình hình thị trường bất động sản sôi động tại các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Bảo Lâm và TP Bảo Lộc.

Ngoài ra, nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện dự án của các doanh nghiệp, các chủ đầu tư trong thời gian qua đã được tháo gỡ, nhất là các dự án dừng triển khai trước đây. Do đó, các dự án đã bắt đầu tập trung đầu tư xây dựng, khởi động trở lại mạnh mẽ hơn.

Sở Xây dựng cũng cho biết, thị trường nhà ở và bất động sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có nhiều chuyển biến tích cực, thu hút nhiều nhà đầu tư quan tâm như Tập đoàn Hưng Thịnh, Đèo Cả, Novaland, FLC, Him Lam, Ecopark,… đến tìm hiểu và đề xuất đầu tư dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở, các dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, sinh thái.

Về nguồn cung và lượng giao dịch, Sở Xây dựng Lâm Đồng cho biết, nguồn cung căn hộ tại Lâm Đồng năm vừa qua đến từ 11 dự án với 2.939 căn, tổng lượng giao dịch đạt 3.035 căn. Lượng giao dịch đất nền là 36.549 lô, chung cư là 48 căn.

Số lượng các dự án phát triển nhà ở được cấp phép trong năm qua chỉ ghi nhận hai dự án. Số lượng dự án phát triển nhà ở, dự án bất động sản đang triển khai ghi nhận 4 dự án với 18 căn. Tỉnh chỉ có một dự án đã hoàn thành với số lượng 5 căn. Không có dự án, căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Trong năm vừa qua, Lâm Đồng không ghi nhận dự án nhà ở xã hội nào được đầu tư. Còn bất động sản du lịch nghỉ dưỡng ghi nhận nguồn cung đến từ 9 dự án với 27 căn hộ du lịch và 141 biệt thự du lịch.

Về giá bán, theo Sở Xây dựng, phân khúc nhà ở thương mại có biến động, tuy nhiên mức độ không lớn.

Trong năm 2022, tỉnh Lâm Đồng sẽ thực hiện triển khai Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng năm 2030 của tỉnh và Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch hàng năm cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện việc phát triển nhà ở giai đoạn 5 năm.

Thị trường bất động sản Lâm Đồng có chiều hướng diễn biến tích cực.  
Thị trường bất động sản Lâm Đồng có chiều hướng diễn biến tích cực.  
Đồng thời, tỉnh sẽ tạo cơ chế chính sách nhằm kêu gọi đầu tư phát triển nhà ở và thị trường bất động sản. Đây sẽ là cơ sở tác động tích cực đến thị trường bất động sản tại các địa phương trong tỉnh, đặc biệt là các chủ đầu tư, sàn giao dịch bất động sản cần có các chính sách kịp thời để thu hút và khai thác hiệu quả.

Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng nhận định, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục phát triển, và các khu vực được nhắm đến sẽ là các đô thị như TP Đà Lạt, Bảo Lộc, Đức Trọng, Lâm Hà,…

Loạt “ông lớn” đổ bộ Lâm Đồng

Trong năm qua, thị trường Lâm Đồng ghi nhận cuộc đổ bộ của loạt “ông  lớn” bất động sản như T&T Group, Hưng Thịnh, Ecopark, Novaland, Him Lam, Văn Phú, Tân Hoàng Minh… đến tìm hiểu, đề xuất đầu tư, lập quy hoạch các dự án lớn tại địa phương này.

Cụ thể, Công ty cổ phần Tập đoàn T&T đã có đề đề xuất nghiên cứu, khảo sát, tài trợ lập quy hoạch phân khu cũng như đăng ký thực hiện xây dựng dự án tại phường 11, phường 12 và xã Xuân Thọ với quy mô khoảng 1.211 ha.

Liên danh CTCP Tập đoàn Hưng Thịnh – CTCP Tập đoàn Đèo Cả - CTCP Tập đoàn Nam Miền Trung Group cũng đã có văn bản đề xuất tài trợ lập quy hoạch và đăng ký đầu tư dự án trên khu đất có diện tích khoảng 15.000ha thuộc huyện Lâm Hà, liên danh này nhận định khu đất phù hợp với mục tiêu hình thành một “khu đô thị mới tầm cỡ hiện đại, đồng bộ và đa chức năng”.

Công ty CP Sacom Tuyền Lâm mới đây cũng vừa đề xuất tỉnh Lâm Đồng chấp thuận việc tiếp cận thông tin, tài trợ khảo sát, lập quy hoạch và đăng ký đầu tư dự án tại 2 địa bàn là huyện Bảo Lâm và TP Bảo Lộc. Dự án dự kiến gồm: khu đất khoảng 2.115 ha tại huyện Bảo Lâm (gồm hơn 1.850 ha mặt đất và 258 ha mặt nước) và khu đất 1.430 ha tại xã Lộc Phát, Lộc Thắng tại TP Bảo Lộc.

Hay Công ty CP Him Lam Bảo Lộc đề xuất nghiên cứu khảo sát lập quy hoạch phân khu xây dựng 1/2000 và thực hiện đầu tư khu đô thị nghỉ dưỡng Him Lam – Mắc ca Lộc Tiến (quy mô khoảng 22 ha) tại TP. Bảo Lộc.

CTCP Tập đoàn Crystal Bay là đơn vị tài trợ lập quy hoạch khu Khu du lịch hồ Prenn, TP Đà Lạt với diện tích khoảng 1.000 ha (trong đó đất rừng khoảng 679,6 ha); Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị TDH Ecoland - một công ty trong hệ thống của Ecopark cũng tổ chức khảo sát, triển khai lập quy hoạch chi tiết và đề xuất chủ trương đầu tư dự án Khu dân cư mới Cam Ly với quy mô diện tích khoảng 49,7ha tại phường 5, thành phố Đà Lạt

Vào hồi cuối tháng 8, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh cũng đề xuất nghiên cứu, khảo sát và thực hiện dự án khu đô thị - du lịch – phim trường (quy mô khoảng 2.000 ha) tại xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt.

CTCP Đầu tư Tập đoàn Phương Trang (Futa Group) hồi tháng 9 cũng có văn bản đề nghị nghiên cứu, khảo sát và tài trợ kinh phí lập quy hoạch Khu đô thị phức hợp – Công viên chủ đề - Đông Đà Lạt (diện tích khoảng 2.048 ha) tại xã Xuân Thọ và một phần của các phường 3, 10, 11, TP Đà Lạt.

Công ty CP Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh cũng được UBND tỉnh Lâm Đồng thống nhất chủ trương về việc nghiên cứu khảo sát, lập ý tưởng thiết kế quy hoạch Khu đô thị phía Đông TP Đà Lạt với diện tích 530ha…

Hải Lan

Theo Sở hữu trí tuệ