Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng bao giờ phục hồi?
Với việc Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến bất động sản nghỉ dưỡng cùng với đó là sự tích cực từ du lịch thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng thị trường bất động sản nghỉ dưỡng nhiều khả năng sẽ có sự phục hồi nhẹ, thậm chí “lội ngược dòng” trong giai đoạn từ giờ đến cuối năm.
-
Nhiều khó khăn với bất động sản nghỉ dưỡng
Với các nhà đầu tư bất động sản, bất động sản nghỉ dưỡng từ lâu đã được xem là phân khúc hấp dẫn và là khoản đầu tư sinh lời trong dài hạn.
Có thể thấy, sang năm 2023 thị trường bất động sản vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn liên quan đến các vấn đề nguồn tín dụng cho vay từ ngân hàng tiếp tục siết chặt điều kiện vay vốn, lãi suất vẫn duy trì ở mức cao, trong khi kênh huy động vốn đầu tư từ trái phiếu DN vẫn chưa khơi thông trở lại...
Số liệu từ báo cáo thị trường bất động sản quý II/2023 của BHS Group cho thấy thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục chứng kiến sự trầm lắng cả về nguồn cung và thanh khoản trong quý II/2023.
Cụ thể, với phân khúc nghỉ dưỡng cao tầng trong quý II/2023 chỉ có khoảng 1.320 căn hộ nghỉ dưỡng được đưa ra thị trường, tăng nhẹ hơn 3% so với quý I nhưng giảm hơn 70% so với cùng kỳ.
Trong đó, nguồn cung nghỉ dưỡng cao tầng có thời hạn (condotel) chiếm 80% tổng số nguồn cung ra thị trường. Nguồn cung tập trung tại khu vực miền Nam với khoảng hơn 500 căn, phần lớn đến từ 2 dự án là Crystal Holidays Vân Đồn và Charm Resort Hồ Tràm.
Trong khi đó, nguồn cung căn hộ nghỉ dưỡng lâu dài chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ hơn 21% so với tổng nguồn cung căn hộ nghỉ dưỡng (tăng 50% so với quý I/2023), chủ yếu đến từ dự án Icon40 Quảng Ninh.
Bên cạnh nguồn cung hạn chế, tỷ lệ hấp thụ của phân khúc nghỉ dưỡng cao tầng cũng đạt rất thấp. Tính chung cả thị trường, lượng giao dịch trong quý II chỉ khoảng hơn 200 căn, tỷ lệ hấp thụ đạt 24%.
Các dự án nghỉ dưỡng sở hữu lâu dài mặc dù nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư hơn so với phân khúc condotel, song tỷ lệ hấp thụ cũng chỉ đạt 38%. Tỷ lệ hấp thụ căn hộ condotel, có thời hạn sở hữu rất thấp, chỉ chưa đến 10%.
Tương tự, tại phân khúc nghỉ dưỡng thấp tầng (biệt thự, shophouse biển), thị trường cũng tiếp tục trầm lắng trong quý II/2023. Cả nguồn cung và lượng giao dịch ghi nhận được đều ở mức rất thấp. Trong quý, thị trường không ghi nhận dự án nào mở bán mới, đa phần nguồn cung đến từ hàng tồn kho cũ.
Số liệu từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cũng chỉ ra, các chủ đầu tư vẫn tiếp tục áp dụng những chính sách cam kết, chia sẻ lợi nhuận, hỗ trợ lãi suất… nhằm kích cầu thị trường. Giá bán đi ngang, ghi nhận mức cao nhất tại thị trường miền Nam.
Giá bán bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng có xu hướng đi ngang trong cả 6 tháng đầu năm 2023. Các sản phẩm khu vực miền Nam ghi nhận mức giá bán cao nhất, đạt gần 200 triệu đồng/m2. Khu vực miền Bắc và miền Trung có mức giá ngang nhau, đạt khoảng 80 triệu đồng/m2.
Kỳ vọng cho sự phục hồi
Về diễn biến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trong thời gian tới, VARS dự báo, nhiều khả năng nguồn cung dự án bất động sản nghỉ dưỡng sẽ tăng. Nếu Nghị đinh 10/2023/NĐ-CP được thực thi, rất có thể cuối năm 2023 cả nguồn cung - cầu của phân khúc này sẽ chứng kiến cú lội ngược dòng ấn tượng.
Theo đó, giá bán sẽ xảy ra 2 kịch bản: Nếu kịch bản kỳ vọng khi Nghị định 10/2023/NĐ-CP thực sự phát huy tác dụng, giá bán phân khúc này sẽ bắt đầu đà tăng. Trong khi ngược lại, thì mặt bằng giá tiếp tục đi ngang.
Thực tế, có thể thấy, việc Chính phủ tung ra các giải pháp tháo gỡ nút thắt pháp lý hứa hẹn tạo động lực cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng phục hồi.
Với Nghị định 10, Nghị định đề cập đến việc mở rộng cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu (sổ hồng) cho nhiều loại hình bất động sản mới đang hiện diện trên thị trường. Theo đó, một số điểm mới về đất đai có hiệu lực từ ngày 20/5.
Nhiều chuyên gia nhận định, đây được xem là tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản, đặc biệt là phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đã đóng băng hơn một năm qua. Cụ thể, các căn hộ khách sạn, căn hộ du lịch nghỉ dưỡng (condotel), văn phòng lưu trú (officetel), biệt thự nghỉ dưỡng và những công trình khác phục vụ lưu trú, du lịch trên đất thương mại, dịch vụ nếu đủ điều kiện sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang triển khai nhiều biện pháp kích thích kinh tế, như giảm lãi suất tiết kiệm ngân hàng để khuyến khích đầu tư vào bất động sản. Những chỉ đạo trong việc cấp sổ đỏ cho condotel, biệt thự nghỉ dưỡng..., được kỳ vọng tạo ra động lực cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng phục hồi và phát triển, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư sau một thời gian dài chờ đợi.
Chuyên gia kinh tế, PSG.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, trong ngắn hạn, cần thiết nghiên cứu ban hành những quy định bảo đảm quyền và lợi ích của nhà đầu tư thứ cấp khi tham gia góp vốn vào đầu tư dự án BĐS nghỉ dưỡng để tạo sự an tâm cho nhà đầu tư khi bỏ ra một nguồn tiền lớn.
“Việc kịp thời, chủ động hoàn thiện các căn cứ pháp lý điều chỉnh theo hướng có quy định cụ thể phù hợp với thực tiễn, góp phần quản lý, khai thác và phát triển tốt nhất loại hình BĐS nghỉ dưỡng sẽ tạo điều kiện khơi thông nguồn vốn đầu tư trong phân khúc này, góp phần trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, ông Thịnh nhấn mạnh.