Thị trường bất động sản sẽ phục hồi mạnh mẽ vào những tháng cuối năm 2021?

Thị trường bất động sản đang có tín hiệu tích cực sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Thị trường dần phục hồi

Làn sóng Covid-19 lần 4 đã và đang làm giảm mạnh sức mua, ngưng trệ giao dịch, các hoạt động xây dựng và hoàn thiện thủ tục đầu tư trên thực tế gần như bị trì hoãn. Cùng với đó là tăng áp lực giảm giá, biên lợi nhuận của các phân khúc thị trường bất động sản.

Trong quý III/2021, dù không nằm ngoài những ảnh hưởng của dịch bệnh, phải thực hiện nhiều đợt giãn cách kéo dài, thị trường bất động sản Hà Nội vẫn được đánh giá là khả quan so với nhiều địa phương, thành phố khác.

Cụ thể, theo dữ liệu từ Batdongsan.com.vn, lượng tin đăng bán các loại hình chung cư, nhà riêng và đất nền tại Hà Nội ghi nhận mức giảm thấp hơn so với nhiều thị trường chủ lực, lần lượt là 38%, 40% và 42%, nhu cầu tìm mua 3 phân khúc này giảm 26%, 27% và 40%.

Khác với Hà Nội, TP Hồ Chí Minh là thị trường chịu tác động mạnh nhất trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4. Gần như toàn bộ thị trường bất động sản tại thành phố này cùng các địa phương liền kề phía Nam đều phải tạm ngưng giao dịch trong suốt 3 tháng vừa qua.

Thị trường BĐS tại TP Hồ Chí Minh và khu vực lân cận ‘đứng hình’ vì dịch bệnh trong 3 tháng qua.  
Thị trường BĐS tại TP Hồ Chí Minh và khu vực lân cận ‘đứng hình’ vì dịch bệnh trong 3 tháng qua.  

Đơn cử, lượng tin đăng bán chung cư, nhà phố, đất nền ở TP Hồ Chí Minh trong quý III/2021 giảm kỷ lục, lần lượt giảm 78%, 86%, 87%; nhu cầu tìm mua những sản phẩm thuộc các phân khúc này cũng giảm lần lượt 41%, 55%, 62%. Như vậy, các chỉ số về thị trường bất động sản tại đây đều giảm một nửa so với thị trường Hà Nội.

Bước sang tháng 10, TP Hồ Chí Minh cơ bản đã khống chế được dịch bệnh và phần nào hướng đến mục tiêu tiêm vaccine toàn dân. Nếu những thành quả chống dịch của thành phố được duy trì, việc mở cửa lại nền kinh tế thuận lợi, nhu cầu giao dịch nhà đất được thúc đẩy trong thời gian tới đây. Tuy nhiên, mức hồi phục này vẫn sẽ chậm hơn so với thị trường Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc.

“Sức bật” của thị trường bất động sản

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, những ảnh hưởng của dịch Covid-19 vừa qua là quá nặng nề, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng tại TP.HCM gần như “chết đứng” do giao dịch đình trệ, tòa nhà văn phòng đóng cửa, công trình dừng thi công… Vì vậy, khi bước sang quý IV, TP Hồ Chí Minh cần nhiều thời gian hơn cho quá trình tái khởi động, vực dậy của các doanh nghiệp cũng như thị trường bất động sản.

Vị Chủ tịch HoREA cũng đề xuất, một trong những lực đẩy giúp thị trường TP Hồ Chí Minh hồi phục nhanh hơn là tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho các doanh nghiệp. Nên tạo điều kiện để doanh nghiệp bất động sản được các ngân hàng quan tâm xem xét tiếp tục cấp tín dụng, đảm bảo dòng tiền.

Thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ sau dịch.  
Thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ sau dịch.  

Theo chuyên gia kinh tế, TS.Nguyễn Minh Phong, hiện nay, thị trường bất động sản đang ghi nhận những tín hiệu tốt như: Bộ Xây dựng đang cùng các Bộ, ngành nghiên cứu chỉnh sửa Luật Đầu tư 2020, Luật Xây dựng và Luật Đất đai. Bộ Xây dựng đang đề xuất chỉnh sửa Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở cho phù hợp với Luật Đất đai mới, phù hợp với chương trình của Quốc hội.

Trong năm 2021, có 2 văn bản pháp lý sẽ được ban hành. Đó là Nghị định hướng dẫn Luật Kinh doanh bất động sản và Nghị định về hệ thống thông tin thị trường bất động sản. Sau khi vấn đề pháp lý được hoàn thiện, thị trường sẽ phát triển khởi sắc hơn…

Ngoài ra, các dự án đầu tư công, đặc biệt là về phát triển cơ sở hạ tầng, có tác động trực tiếp cũng đang được chú trọng đầu tư triển khai góp phần làm tăng xung lực của thị trường bất động sản trong tương lai.

Tuy nhiên, theo ông Phong, để phục hồi thị trường nhanh hơn, đòi hỏi cần có thêm nhiều giải pháp tháo gỡ hơn nữa đến từ cả hai phía là doanh nghiệp bất động sản và nhà nước.

Về phía doanh nghiệp, các công ty bất động sản cần linh hoạt điều chỉnh hoạt động đầu tư kinh doanh trong tâm thế xác định sống chung với dịch; ưu tiên tập trung vốn vào các dự án có triển vọng thị trường; nghiên cứu triển khai thêm các giải pháp hỗ trợ khách hàng, như giãn tiến độ thanh toán, tăng chiết khấu, giảm giá thuê và phí dịch vụ cho khách thuê văn phòng hoặc áp dụng chính sách tái ký hợp đồng thuê với mức tăng thấp hơn giai đoạn trước dịch; bảo đảm uy tín về thời hạn bàn giao và chất lượng sản phẩm bất động sản theo cam kết; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để bán sản phẩm cho khách hàng trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh kéo dài…

Về phía nhà nước, cần có thêm những cú hích chính sách hỗ trợ liên quan đến giảm thuế, phí và tăng vốn cho vay ưu đãi. Đơn cử như cần giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân trong năm 2021 cùng hoãn nộp các loại thuế này 6 tháng kể từ khi hoạt động lại; đồng thời, tiếp tục nhận diện và sớm tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách pháp luật để triển khai thêm nhiều dự án sau dịch.

“Có thể kết luận, dù còn không ít rủi ro gắn với tính đầu cơ cao và phân tán đầu tư, khả năng dự báo thị trường chưa tốt, song trong thời gian tới, cùng với những nhân tố trên, trong bối cảnh lãi suất ngân hàng liên tục giảm, lãi suất vay thế chấp đang ở mức thấp, cũng như nút thắt pháp lý đang dần được tháo gỡ, chắc chắn thị trường bất động sản sẽ bật lên mạnh mẽ ngay khi dịch Covid-19 được kiểm soát”, ông Phong nhấn mạnh.

Minh Đức

Theo Kinh doanh & Phát triển