Thị trường mặt bằng bán lẻ Hà Nội phục hồi chậm chạp

Thị trường mặt bằng bán lẻ đã trải qua gần 2 năm ảm đạm khi dịch bệnh Covid-19 liên tục tái bùng phát. Đợt dịch Covid-19  lần thứ 4 vào cuối tháng 4 là đợt dịch nặng nề nhất khiến thị trường mặt bằng kinh doanh bán lẻ tiếp tục giảm giá sâu và rơi tình cảnh ế ẩm.

Khách thuê quay lại thị trường

Khi giãn cách được nới lỏng, các hoạt động kinh doanh mua bán dần được mở lại, khách thuê cũng bắt đầu quay lại với phân khúc này, thay vì tình cảnh đóng băng hoàn toàn như trong thời gian giãn cách.  Tuy nhiên, lượng khách hỏi thuê ít ỏi, chỉ bằng 30% so với cùng kì của các năm 2018-2019, thời điểm chưa có dịch bệnh.

Mối quan tâm của khách hàng đối với từng khu vực là khác nhau. Trong đó, các mặt bằng cho thuê khu vực phố cổ được hỏi thuê ít nhất. Những mặt bằng cho thuê thuộc các tuyến phố trung tâm khác như Kim Mã, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Hồ Đắc Di, Thái Hà, Thái Thịnh, Nguyễn Trãi, Xuân Thủy… và các mặt bằng bán lẻ nằm trong các ngõ nhỏ thuộc Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Hà Đông… được hỏi thuê nhiều hơn.

Anh Nguyễn Chí Thông, một môi giới chuyên làm mặt bằng cho thuê khu vực Hoàn Kiếm cho biết sở dĩ có sự khác biệt này là vì mặt bằng kinh doanh phố cổ giá vốn cao hơn hẳn các khu vực khác, lại phụ thuộc lớn vào khách du lịch quốc tế. Dịch bệnh có khiến giá thuê khu vực giảm trong xu hướng giảm chung của thị trường nhưng quan trọng là nguồn cầu chính là khách du lịch quốc tế vẫn chưa thể đến Việt Nam nên hiệu suất kinh doanh khu vực này chưa lớn. Do đó, nhiều khách thuê e ngại và có tâm lý nghe ngóng, chờ đợi tình hình kiểm soát dịch bệnh.

Trong khi đó, mặt bằng kinh doanh ở các tuyến phố trung tâm khác như Kim Mã, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Hồ Đắc Di, Thái Hà, Thái Thịnh, Nguyễn Trãi, Xuân Thủy… nơi đã hình thành các khu dân cư hiện hữu đông đúc ghi nhận mối quan tâm cao hơn của người thuê khi nhịp sống của trạng thái bình thường mới đang dần trở lại. Các mặt bằng kinh doanh nhỏ lẻ nằm trong các ngõ nhỏ với mức giá thuê 4-8 triệu đồng/tháng ghi nhận tỉ lệ lấp đầy cao nhất. Những mặt bằng này dù không sở hữu vị trí đắc địa nhưng lại tận dụng được lượng dân số đông của Hà Nội nằm trong các ngõ và lợi thế giá rẻ nên vẫn thu hút khách thuê.

Thị trường mặt bằng bán lẻ Hà Nội đang phục hồi một cách chậm chạp.  
Thị trường mặt bằng bán lẻ Hà Nội đang phục hồi một cách chậm chạp.  

Chị Thanh Nhàn, môi giới mặt bằng bán lẻ Nam Từ Liêm cho biết dịch bệnh khiến thu nhập, nguồn tiền của khách thuê bị giảm sút. Nhiều khách thuê trước đó có ý định tìm thuê mặt bằng ở các vị trí trung tâm, đắc địa đang có xu hướng chuyển đổi vào các mặt bằng nằm trong các ngõ lớn bởi mức giá rẻ hơn và việc bùng nổ của xu hướng mua hàng online khiến khách thuê kinh doanh một số mặt hàng nhận thấy không nhất thiết phải thuê mặt bằng ở các vị trí trung tâm, đắt đỏ.

Tuy nhiên, dù khách thuê đã quay lại với thị trường mặt bằng bán lẻ nhưng giá thuê vẫn đang duy trì ở mức đi ngang sau khi giảm sâu qua các đợt Covid-19. Mức giảm trung bình ghi nhận 20-30% so với năm 2019. Đơn cử, giá thuê mặt tiền kinh doanh trong ngõ khu vực Xuân Thủy, Trần Quốc Hoàn (Cầu Giấy) dao động ở mức 4-10 triệu đồng/tháng, mức giảm trung bình là 20% so với năm 2019 – thời điểm dịch bênh chưa xuất hiện. Tương tự, khu vực Mễ Trì, Đồng Me, Tân Mỹ, Nhân Mỹ (Nam Từ Liêm), giá thuê là 4-7 triệu đồng/tháng, bằng khoảng 70% so với năm 2019. Tương tự, Khương Trung, Khương Hạ, Bùi Xương Trạch (Thanh Xuân) ghi nhận mức 4,5-8 triệu đồng/tháng, giảm 15-30% so với 2 năm trước đó.

Theo khảo sát, nhiều mặt bằng kinh doanh các tuyến phố trung tâm như Lý Nam Đế, Hàng Bông, Bà Triệu, Quang Trung, Hàng Bài, Trần Hưng Đạo, Kim Mã, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Hồ Đắc Di, Thái Hà, Thái Thịnh, Nguyễn Trãi, Xuân Thủy… cũng ghi nhận giá thuê giảm phổ biến 15-30%.

Trái chiều cảm xúc khách thuê

Dù đại dịch chưa được kiểm soát hoàn toàn, nhưng với việc tiêm chủng vaccine Covid-19 được đẩy mạnh, nhiều khách thuê đi tìm mặt bằng kinh doanh thời điểm này tỏ ra khá lạc quan. Chị Phạm Phương Mai, mới thuê một mặt bằng ở Mễ Trì để bán quần áo cho biết: “Tôi nghĩ vaccine đang được tiêm chủng toàn dân thì dịch bệnh sẽ dần được kiểm soát, mọi thứ trở lại bình thường. Việc buôn bán của chúng tôi sẽ dần trở lại thuận lợi nên tôi cũng tranh thủ đợt này giá mặt bằng cho thuê đang rẻ thuê luôn vì việc kinh doanh là lâu dài”.

Anh Nguyễn Kế (Đồng Me, Nam Từ Liêm) cho biết, anh có ý định mở mặt bằng kinh doanh cả năm nay nhưng do dịch bệnh nên đã hoãn lại ý định này. Ở thời điểm hiện tại, khi việc tiêm vaccine được đẩy mạnh, anh quyết định mở mặt bằng kinh doanh cửa hàng cắt tóc. Anh Kế lý giải: “Tôi không thể đợi hết dịch hoàn toàn mới kinh doanh được vì dịch thì không biết bao giờ mới kiểm soát được hoàn toàn. Tôi vẫn cần phải lao động và kiếm tiền. Năm tới có lẽ sẽ tốt hơn khi mọi người đều được tiêm vaccine. Hơn nữa, thuê mặt bằng vào thời điểm này, tôi có lợi thế vì thuê được giá rẻ với mức giá chỉ bằng 2/3 so với khi chưa có dịch, hợp đồng thuê lại dài hạn”.

Thế nhưng trái với chị Mai và anh Kế, bà Nguyễn Hữu Lan đang tìm thuê mặt bằng kinh doanh trong tâm trạng lo lắng. Bà Lan cho biết, vào năm ngoái bà đã trả mặt bằng do dịch bệnh. Bà đã gắn với nghề bán giầy dép chục năm nay và khi trả mặt bằng vào năm ngoái, bà quyết định chuyển nghề nhưng việc chuyển đổi không hiệu quả. Chính bởi vậy, đợt này bà quay lại bán giầy dép. Bà vẫn lo lắng dịch có thể bùng lại bất cứ lúc nào, cửa hàng phải đóng cửa, nguồn thu bị ảnh hưởng. Bà cũng lo ngại vấn đề sức khỏe của mình nếu bị Covid trong quá trình bán hàng do có nhiều bệnh nền. “Rất nhiều nguy cơ khi quyết định mở lại cửa hàng nhưng nếu không làm thì tôi… chết đói”, bà Lan cho biết.

Minh Đức

Theo Kinh doanh & Phát triển