Thị trường bất động sản trầm lắng có phải thời cơ “bắt đáy”?
Thị trường bất động sản (BĐS) phía Nam nói chung bắt đầu rơi vào trạng thái trầm lắng, nhiều nhà đầu tư buộc phải cắt lỗ, bán tháo BĐS vì áp lực tài chính. Ngược lại, với những NĐT có tiềm lực về tài chính thì thời điểm này lại là thời cơ để “bắt đáy”.
Giá bất động sản tụt dốc
“Giá bây giờ bằng năm 2020, anh/chị bắt đáy đi ạ”, “Bây giờ không mua là không còn cơ hội giá tốt nào đâu…”, là những câu mà môi giới BĐS liên tục chào mời các nhà đầu tư mua BĐS thời điểm này. Điều này cũng dễ hiểu khi mà, thị trường BĐS đang xuất hiện tình trạng cắt lỗ hoặc giảm kì vọng lợi nhuận của nhà đầu tư ở một số BĐS, khu vực.
Ghi nhận cho thấy, tính thanh khoản hiện nay của các sản phẩm BĐS trên thị trường tương đối kém. Một vài phân khúc sau đà tăng trưởng mạnh thì mức giá đang giảm đáng kể như đất nền, biệt thự, nhà phố.
Theo báo cáo thị trường BĐS trong quý III ở TP.HCM và các tỉnh lân cận của DKRA ghi nhận tỷ lệ chênh lệch cung cầu vẫn chưa được cải thiện. Nguồn cung giảm đáng kể ở hầu hết các phân khúc, cụ thể phân khúc đất nền giảm 65.6%, căn hộ chung cư giảm 63.8%, riêng phân khúc biệt thự, nhà phố nguồn cung tăng nhẹ 22.4% so với quý II. Bên cạnh đó tỷ lệ tiêu thụ giảm mạnh, phân khúc đất nền giảm 77.8%, căn hộ chung cư giảm 77.5%, biệt thự nhà phố giảm 5.2%, ảnh hưởng không nhỏ đến tính thanh khoản của thị trường. Dẫn đến giá bán sản phẩm ở một số phân khúc bắt buộc hạ giá, giảm giá để thu lại nguồn vốn.
Bên cạnh đó, đất nền là phân khúc có mức độ quan tâm cũng như tỷ lệ hấp thụ thấp nhất, ở thị trường TP.HCM hầu như không xuất hiện thêm dự án mới nào được mở bán, nguồn cung chủ yếu tập trung ở tỉnh Bình Dương và chiếm trên 59% tổng nguồn cung trên thị trường, tỷ lệ tiêu thụ đạt khoảng 52% là mức tiêu thụ thấp nhất từ thời điểm đầu năm đến nay.
Không chỉ riêng ở thị trường miền Nam, mức độ quan tâm và thanh khoản các sản phẩm BĐS trên cả nước đều có dấu hiệu đi xuống. Nhu cầu mua BĐS giảm mạnh trong quý III ở một số tỉnh thành như Hải Phòng giảm 19%, Đà Nẵng giảm 12%, Cần Thơ giảm 14%.
Giữa bối cảnh thị trường BĐS trầm lắng, tốc độ tăng trưởng thị trường chững lại, lo sợ thanh khoản trên thị trường ngày một kém đi nhiều nhà đầu tư không có đủ năng lực tài chính cầm cự đành phải bán chạy, bán tháo hàng loạt sản phẩm với giá rẻ, áp dụng các chính sách chiết khấu, hỗ trợ lãi suất… nhằm thu hút khách hàng.
“Đầu cơ” biến mất
Nhiều chuyên gia dự đoán rằng trong những tháng cuối năm nay giá bán các phân khúc BĐS sẽ không có nhiều thay đổi. Nguồn cung chủ yếu hướng đến các dòng sản phẩm cao cấp, hạng sang trong khi nhu cầu phần lớn của ngươi dân là những sản phẩm giá rẻ phù hợp với mức thu nhập.
Giá bán BĐS trên thị trường thứ cấp sụt giảm mạnh nhất là ở những dự án có tính chất đầu cơ, tính thanh khoản thấp… nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do tình hình lạm phát và lãi suất tăng mạnh trong thời gian qua đã ảnh hưởng không ít đến khả năng tài chính của nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư sử dụng đòn bẫy tài chính
Bên cạnh đó, ở một số địa phương nhiều môi giới lợi dụng các thông tin quy hoạch để đồn thổi, tạo tin đồn không căn cứ để nâng cao giá bán BĐS tạo nên hiện tượng “sốt ảo”, “giá ảo”. Mức giá bị đẩy lên quá cao nhưng các dự án quy hoạch không được thực hiện như lời đồn khiến giá BĐS tụt dốc nhanh chóng sau “cơn sốt”.
Tuy nhiên, vấn đề tụt giá mất thanh khoản chỉ xuất hiện ở một vài khu vực diễn ra sốt nóng, không phải là tình trạng chung của toàn thị trường. Mặc dù thị trường BĐS trong thời gian gần đây khá ảm đạm, số lượng giao dịch sụt giảm nhưng không phải là vấn đề đáng lo ngại khi nhu cầu và mức độ quan tâm vẫn cao. Hơn nữa, đây là cơ hội tốt để thanh lọc lại thị trường hạn chế hoạt động đầu cơ diễn ra.
Trong bối cảnh thị trường BĐS hạ nhiệt không ít những nhà đầu tư năng lực tài chính không vững đã rao bán sản phẩm BĐS với giá rẻ. Nhiều nhà đầu tư đã tận dụng cơ hội này để “bắt đáy” sinh lời. Tuy nhiên, đây không phải là biện pháp lý tưởng mà bất kỳ nhà đầu tư nào cũng áp dụng được, cần phải nghiên cứu và thận trọng.
Do đó, thận trọng khi quyết định sử dụng đòn bẫy tài chính để “bắt đáy”. Hơn hết, hiện tượng giảm giá, bán lỗ chỉ xuất hiện ở một vài địa phương, không diễn ra quá nhiều. Thời cơ “bắt đáy” trong thời điểm hiện tại chỉ phù hợp với những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh và đầu tư dài hạn. Tốt nhất vẫn nên chú ý, tìm hiểu kỹ thị trường, tránh rủi ro trước khi xuống tiền.
Để bảo đảm an toàn, nên lựa chọn nên lựa chọn đầu tư vào những phân khúc BĐS có nhu cầu thực, hiệu quả khai thác cao, không chạy theo phong trào, số đông. Không vay vốn ngân hàng, nhất là trong bối cảnh tín dụng BĐS bị hạn chế, quá trình phê duyệt khó khăn, khó được thông qua, hơn nữa lãi suất được dự đoán sẽ tăng cao trong thời gian tới.