Thị trường bất động sản vẫn cần thời gian thẩm thấu khi Luật có hiệu lực
Mặc dù khi 3 luật sớm có hiệu lực cùng với việc các ngân hàng hạ lãi suất cho vay mua nhà, nhưng thị trường bất động sản vẫn cần thêm thời gian để các chính sách của Chính phủ “thẩm thấu”. Các doanh nghiệp cũng cần thêm thời gian để phục hồi sau giai đoạn tái cấu trúc.
Hiện nay, tuy thị trường bất động sản đã qua thời điểm khó khăn nhất nhưng để doanh nghiệp tiếp tục vượt qua khó khăn cần sự tiếp sức của các cơ quan chức năng trong việc khơi thông rào cản pháp lý, sự đồng hành của các bên liên quan như khách hàng, nhà thầu, đối tác... để thị trường bất động sản đủ thời gian thẩm thấu, các doanh nghiệp thì cần thời gian để phục hồi sau giai đoạn tái cấu trúc, cũng như 2 năm khó khăn của thị trường.
Câu chuyện pháp lý bất động sản kéo dài suốt những năm qua được kỳ vọng sẽ được giải toả trong năm 2024, khi ba bộ luật lớn liên quan đến bất động sản là Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Nhà ở chính thức được thông qua. Điều này sẽ góp phần giúp hành lang pháp lý cho bất động sản được khơi thông, đẩy nhanh gỡ vướng cho những khó khăn pháp lý còn tồn đọng trên thị trường trước đó.
Trong 6 tháng đầu năm, thị trường bất động sản đã có phản ứng tích cực với nhiều tín hiệu tốt. Theo đó mức độ quan tâm, tìm kiếm thông tin về bất động sản của khách hàng, nhà đầu tư tăng cao; lượng giao dịch đối với loại hình căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ và đất nền có xu hướng tăng (quý sau cao hơn quý trước và cao hơn so cùng kỳ).
Nguồn cung bất động sản sau một thời gian còn hạn chế đang có dấu hiệu chuyển biến theo chiều hướng tích cực, ghi nhận sự quay trở lại của hàng loạt dự án cũ được tái khởi động, dự án mới mở bán; lãi suất ngân hàng được điều chỉnh giảm, các chủ đầu tư đưa ra nhiều chính sách có lợi cho người mua nhà đã gia tăng niềm tin khách hàng, thanh khoản trên thị trường.
Mặc dù thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, tuy nhiên thị trường và các doanh nghiệp bất động sản vẫn đang phải tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố bất lợi trong và ngoài nước.
Theo ông Ngô Quang Phúc - Tổng giám đốc Phú Đông Group, đánh giá: Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ có những thay đổi quan trọng cho thị trường. Tuy nhiên, phải sau ít nhất 3 năm kể từ ngày các bộ luật mới được thực thi, các chủ đầu tư mới có đủ thời gian để giải quyết vướng mắc và hoàn thiện dự án. Cho nên, sẽ chưa có tác động gì nhiều với thị trường trong ngắn hạn.
Theo ông Phúc: “Câu chuyện hiện nay của các doanh nghiệp đó là việc thẩm định tiền sử dụng đất tại các tỉnh còn quá chậm, khiến cho các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc phát triển và bán hàng tại các dự án. Kỳ vọng khi Luật Đất đai 2024 được áp dụng, khâu thẩm định tiền sử dụng đất cho dự án sẽ được đẩy nhanh”.
Thị trường sẽ dần ổn định từ năm 2025
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, năm 2024 có thể sẽ là năm cuối trong quá trình “vượt khó” của thị trường bất động sản và sẽ dần đi vào “ổn định” từ năm 2025. Bức tranh toàn cảnh sẽ thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn trong thời gian tới.
Phân tích ở góc độ cung - cầu, PGS.TS. Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng cho biết, để thị trường bất động sản Việt Nam thực sự ổn định và phát triển trở lại, cần phải “thông cầu, thông cung”- để cung và cầu bất động sản bị tắc nghẽn hiện nay có thể gặp nhau, thị trường mới “đổi sắc”.
Để giải quyết vấn đề này, vị chuyên gia này cho rằng, các vướng mắc thể chế phải được giải quyết nhanh và dứt điểm, để không kìm hãm nhịp phục hồi của thị trường. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện các giải pháp thu hút dòng đầu tư để duy trì và thúc đẩy phân khúc bất động sản công nghiệp, thương mại và du lịch, nghỉ dưỡng.
“Quan trọng nhất, các giải pháp cần được thực hiện một cách đồng bộ, “nút thắt” nào có cơ hội được giải tỏa thì giải tỏa ngay để tránh mất đà phục hồi của thị trường, trong đó khơi thông vốn cho thị trường bất động sản chính là khâu trọng yếu”, PGS.TS. Trần Đình Thiên nhận định.
Bà Phạm Thị Miền - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu BĐS Việt Nam cho biết, loại hình thấp tầng và đất nền cũng bắt đầu các tín hiệu phục hồi tích cực khi một số dự án ghi nhận kết quả mở bán, giao dịch chuyển nhượng khá tốt. Khu vực vùng ven Hà Nội trong những tháng cuối năm sẽ chứng kiến đà tăng giá của đất nền từ 10 - 20% so với đầu năm 2024.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Võ Hồng Thắng - Giám đốc Đầu tư DKRA Group cho rằng, khi các luật liên quan đến BĐS có hiệu lực thì phân khúc căn hộ ở các đô thị lớn đáp ứng nhu cầu ở thực sẽ dẫn dắt thị trường và có những bước điều chỉnh trong những tháng cuối năm. Đặc biệt, từ giữa năm 2025 đến đầu năm 2026, thị trường sẽ có những tín hiệu khởi sắc rõ nét hơn với các phân khúc còn lại.