Thị trường BĐS cuối năm 2022 có thể lâm vào tình trạng hụt nguồn cung
Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS): Quỹ đất hạn chế, tốc độ cấp phép dự án chậm chạp cùng với một số chính sách kiểm soát tín dụng bất động sản (BĐS) khiến thị trường cuối năm 2022 có thể lâm vào tình trạng hụt nguồn cung.
Báo cáo của VARS về “Thị trường BĐS quý II” vừa nhận định: Nền kinh tế Việt Nam đã bước qua nửa năm 2022 với dấu hiệu phục hồi rõ nét sau đợt tàn phá bất ngờ bởi dịch bệnh COVID-19 nửa cuối năm 2021.
GDP quý II/2022 tăng trưởng 7,72% so với cùng kỳ, là mức tăng trưởng GDP quý II cao nhất trong vòng một thập kỷ vừa qua. Kim ngạch xuất khẩu, giải ngân vốn FDI, thu ngân sách, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động… đều có kết quả khả quan.
Tuy nhiên, những rủi ro từ nguy cơ lạm phát trên quy mô toàn cầu sau những tác động của dịch bệnh COVID-19, chiến tranh Nga - Ukraine gây đứt gãy chuỗi cung ứng... vẫn đang hiện hữu.
Trong một cuộc khảo sát gần đây của VARS với các hội viên là những nhà môi giới BĐS đang hoạt động, có tới 83% số người được hỏi cho rằng nên đầu tư BĐS như một công cụ đối phó với lạm phát.
Trong tình hình vĩ mô diễn biến phức tạp và khó dự đoán, hầu hết các nhà môi giới được hỏi (90%) cho rằng giá căn hộ sẽ tăng trong nửa cuối năm nay. Tuy nhiên, chỉ 53% tin rằng giao dịch BĐS sẽ sôi động trong thời gian tới.
Dòng tiền đang chờ đợi những cơ hội lớn hơn trong tương lai và thận trọng hơn với những quyết định đầu tư ở thời điểm hiện tại.
Theo VARS, giai đoạn dòng tiền dễ đã thực sự qua đi sau gần 3 năm thế giới đối mặt với đại dịch.
“Quỹ đất hạn chế, tốc độ cấp phép dự án chậm chạp cùng với một số chính sách kiểm soát tín dụng BĐS khiến thị trường cuối năm 2022 có thể lâm vào tình trạng hụt nguồn cung.
Cùng với đó, nỗi lo lạm phát, nhu cầu tích lũy tài sản, trong đó có tài sản BĐS lên cao, khiến nhu cầu BĐS đầu tư tăng trưởng, thúc đẩy mặt bằng giá tại một số phân khúc”, báo cáo của VARS dự báo.
Thống kê của VARS cũng cho thấy quá nửa nguồn cung BĐS nhà ở thuộc phân khúc căn hộ thấp tầng, đất nền trong khi căn hộ bình dân gần như vắng bóng.
BĐS căn hộ có nhiều điều kiện để thiết lập mặt bằng giá mới trong nửa cuối năm nay. Những bất trắc trong kênh huy động vốn trái phiếu doanh nghiệp khiến chủ đầu tư các dự án đang gặp khó khăn trong việc triển khai dự án.
Ngoài ra, việc cấp phép chậm cho các dự án một lần nữa khiến nguồn cung BĐS nhà ở gặp khó.
Với những nhà đầu tư cá nhân và hộ gia đình đang sở hữu BĐS, nguy cơ lạm phát trên phạm vi toàn cầu khiến họ càng có nhu cầu nắm giữ tài sản thay vì bán ra và thu tiền.
Những yếu tố nói trên dự báo thị trường BĐS nhà ở trong nửa cuối năm 2022 sẽ gặp khó về nguồn cung. Trong khi đó, lạm phát cũng đồng thời thúc đẩy người dân mua BĐS để nắm giữ giá trị, trong đó đất nền và các căn hộ thấp tầng được ưu tiên.
Sự hồi phục kinh tế rõ rệt sau đợt càn quét của COVID-19 khiến tốc độ đô thị hóa bị gián đoạn suốt hai năm qua được phục hồi trở lại. Lượng dân cư đổ lên thành phố khiến nhu cầu nhà ở tăng lên một cách tự nhiên. Nguồn cung bị thắt chặt trong khi nhu cầu được thúc đẩy là các yếu tố khiến giá cả BĐS phân khúc căn hộ sẽ thiết lập mặt bằng giá mới trong nửa cuối năm nay, bất chấp giao dịch sẽ trầm lắng.
VARS dự báo, loại bỏ những cơn sốt đất như cuối năm 2021, đầu 2022, mức giá BĐS nhà ở sẽ tăng bình quân khoảng 10% trong nửa cuối năm 2022.