Thị trường BĐS khu Đông tăng nóng nhờ Thành phố Thủ Đức
Sau khi TP. Thủ Đức được thành lập dòng tiền đầu tư đang tìm về thị trường bất động sản khu Đông TP. Hồ Chí Minh với kỳ vọng “lên đời” nhờ quy hoạch. Cũng từ đó giá đất tại khu vực này liên tục nhảy giá.
Giá đất liên tiếp “nhảy múa”
Việc TP Thủ đức chính thức được thành lập đã như một làn gió nóng phả trực tiếp vào thị trường BĐS TP Hồ Chí Minh, đặc biệt là tại khu Đông thành phố. Nơi mà ngay từ khi chủ trương thành lập TP Thủ Đức mới chỉ manh nha xuất hiện đã tạo nên một cơn “sốt” đất khi hàng loạt những người thạo tin đã đổ về đây “săn đất” chờ thời.
Theo một số môi giới BĐS, địa chỉ nóng nhất trong làn sóng săn tìm nhà đất tại thị trường khu Đông chính là khu vực phường Trường Thọ. Nơi đây sở hữu vị trí khá chiến lược, thuận lợi cho cả 3 loại hình giao thông thủy, bộ và đường sắt đô thị. Đặc biệt, việc phường này được chọn làm khu đô thị trung tâm của TP. Thủ Đức càng khiến giá đất tại đây “nhảy múa”.
Phân khúc đất nền tại khu vực ba quận thuộc TP. Thủ Đức cũng đang cho thấy tiềm năng tăng giá không nhỏ, nhất là đất nền sổ đỏ và đất thổ cư. Lô đất nền gần 130m2 tại khu vực phường Thạnh Mỹ Lợi, cách đường Đồng Văn Cống tầm 1km của ông Nguyễn Thông đang được môi giới gạ bán với giá 12 tỷ đồng. Ông Thông cho biết cách đây khoảng 5 tháng các lô đất gần đó chỉ được giao dịch tầm 11 tỷ đồng, chỉ vì thông tin TP. Thủ Đức nên đất mới tăng giá nhanh.
Theo vị này thì đây là giá rao có giao dịch chứ không phải là rao cho vui. “Tôi thấy rất nhiều môi giới đi săn các lô đất đất nền, nhà phố đang có nhu cầu rao bán trong khu vực này để giới thiệu cho khách mua. Chủ yếu vẫn là người ở phía Bắc đổ vào tìm mua đất, họ thích mua đất thổ, nhà phố hơn là mua căn hộ nên giá căn hộ không biến động nhiều nhưng giá đất thì tăng rất nóng”, ông Thông chia sẻ.
Cũng theo chia sẻ từ các sàn môi giới khu vực quận 2, quận 9 và Thủ Đức, thông tin thành lập TP. Thủ Đức thực sự tác động rất mạnh đến tâm lý của nhà đầu tư. Tính từ khoảng đầu tháng 1 đến nay, số lượng người tìm mua đất tại đây tăng khá nhiều, nhiều lô đất nền sổ đỏ minh bạch tăng giá khoảng 10-15% so với 3-4 tháng trước nhưng nhà đầu tư vẫn chấp nhận mua vào.
Theo bà Trang Bùi – Giám đốc cấp cao JLL Việt Nam, thị trường nhà liền thổ tại TP. Hồ Chí Minh liên tục có xu hướng tăng giá bán trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Cụ thể riêng trong quý 4/2020, giá nhà liền thổ tăng gần 12,8% so với cùng kỳ. Cả năm 2020 thành phố chỉ có khoảng 2.200 sản phẩm nhà liền thổ chào bán, thấp hơn 50% so với giai đoạn cao điểm 2018. Nguồn cung hạn chế được cho là lý do thúc đẩy tâm lý thị trường nhà liền thổ tích cực giao dịch và khiến giá bán liên tục leo thang.
Bà Trang cũng nhận định, hiện nay quỹ đất nền tại TP. Hồ Chí Minh đã không còn nhiều, khu Đông lại càng ít do được săn lùng liên tục các năm qua, trong khi nhu cầu về loại hình BĐS này luôn rất cao cùng với tác động từ việc thành lập thành phố mới, việc giá đất nền, nhà phố khu Đông tăng là điều được dự báo từ trước đó. Đà tăng này có thể sẽ còn tiếp tục trong năm 2021.
Liệu có xảy ra cơn “sốt đất” như năm 2019?
Trước thực trạng giá nhà đất tại khu Đông TP. Hồ Chí Minh liên tục thiết lập mặt bằng giá mới, câu hỏi được nhiều nhà đầu tư đặt ra lúc này là liệu có xảy ra sơn sốt như giữa năm 2019?
Theo phân tích của ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận R&D DKRA Vietnam, về lâu dài, việc thành lập TP. Thủ Đức trực thuộc TP. Hồ Chí Minh mang đến những tác động về phát triển kinh tế. Thời điểm hiện tại, có thể tạm thời chưa nhìn thấy rõ điều đó, nhưng tác động đến thị trường bất động sản luôn dẫn đầu.
“Đây sẽ là thông tin tích cực để các chủ đầu tư tận dụng làm lợi thế gia tăng quảng cáo, thu hút người mua… cho các dự án thuộc khu vực, từ đó đẩy mặt bằng giá lên một mức mới. Vì vậy, việc tăng giá là điều tất nhiên”, ông Hoàng nói và cho biết thêm, việc tăng giá bất động sản thời gian qua xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó việc thành lập TP. Thủ Đức chỉ là một lý do và việc tăng giá cụ thể thế nào phải xem xét từng dự án.
Đồng quan điểm, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc Bộ phận Nhà ở CBRE Việt Nam cho biết, mỗi khi xuất hiện các thông tin về thay đổi quy hoạch đều kéo theo sự thay đổi trong tâm lý của các nhà đầu tư cá nhân. Việc thành lập TP. Thủ Đức cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, làn sóng này kéo dài hay không, sóng cao hay thấp, tính lan rộng đến đâu… còn phụ thuộc vào tình hình chung của thị trường.
Hơn nữa, đại dịch vẫn đang diễn biến phức tạp, nguồn tiền của các nhà đầu tư không còn nhiều như trước, nên việc trữ tiền mặt sẽ được ưu tiên hơn. Vậy nên, việc thị trường khu Đông nổi sóng chỉ tập trung ở một số khu vực, một số phân khúc và ở nhóm nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh.
“Sẽ không có chuyện nhà đầu tư đổ xô đi mua bất động sản như trước đây. Lý do là, mức giá nhà đất tại khu vực này đang neo ở ngưỡng khá cao, trong khi các nhà đầu tư tỏ ra thận trọng hơn rất nhiều khi quyết định vào thị trường, chưa kể tài chính cũng khó khăn hơn trước”, ông Kiệt nhận định.