Thị trường căn hộ dịch vụ tại TP.HCM đang phục hồi
Căn hộ dịch vụ tại TP.HCM trong 9 tháng đầu năm chứng kiến nhiều sự sụt giảm do chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Mặc dù vậy, các chuyên gia đang bắt đầu nhận thấy những tín hiệu phục hồi đầu tiên của thị trường này.
Báo cáo diễn biến thị trường căn hộ dịch vụ tại TP.HCM 9 tháng qua của Savills cho thấy, 3 quý đầu năm 2020, nguồn cung căn hộ dịch vụ (loại cho thuê có đầy đủ tiện ích, dịch vụ như khách sạn) liên tục sụt giảm. Rổ hàng ghi nhận 164 căn hộ dịch vụ hạng B (trung cấp) đóng cửa để sửa chữa nâng cấp và 31 căn hạng C (hạng phổ thông) đóng cửa để chuyển đổi chức năng thành văn phòng cho thuê.
Hiện giá thuê trung bình toàn thị trường căn hộ dịch vụ tại TP.HCM giảm 10% theo năm, còn 23 USD/m2/tháng. Giá thuê hạng B giảm mạnh nhất, rớt 12% theo năm để thu hút khách thuê dài hạn. Có đến hơn 20% dự án hạng B phải giảm đến 30% giá thuê dài hạn hoặc miễn phí các dịch vụ tiện ích.
Đây là mức giảm giá mạnh nhất thị trường căn hộ dịch vụ cho thuê trong vòng nửa thập niên qua. Công suất trung bình toàn thị trường cũng xuống thấp, chủ yếu khai thác nhóm khách thuê nội địa khi đại dịch Covid-19 tác động mạnh đến nhóm khách thuê chủ lực đến từ thị trường quốc tế.
Dù thị trường ảm đạm suốt 9 tháng qua, Savills đánh giá căn hộ dịch vụ cho thuê có thể kỳ vọng vào lực đỡ từ việc 6 đường bay quốc tế mở lại. Chính phủ dự báo khoảng 20.000 lượt khách nhập cảnh hàng tháng với các chuyến bay từ Trung Quốc, Nhật Bản và rất nhiều lượt khách có tần suất hoạt động cao tại TP.HCM. Tuy nhiên, đơn vị này thừa nhận, các chủ đầu tư dự án căn hộ dịch vụ cho thuê cần có chiến lược kinh doanh linh hoạt để khai thác cả nguồn khách ngắn hạn và dài hạn cũng như khách nội địa lẫn quốc tế để vực dậy thị trường này sau giai đoạn khó khăn vừa qua.
Cũng theo giới chuyên gia, hoạt động của thị trường căn hộ dịch vụ có liên quan mật thiết đến nguồn vốn FDI. Do đó, trong tương lai khi Việt Nam thu hút vốn FDI mạnh cũng tạo ra nguồn cung căn hộ dịch vụ lớn, đặc biệt là tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Bên cạnh đó, thị trường căn hộ dịch vụ sẽ phát triển tại các vùng lân cận.
Đặc biệt, trong những năm tới, khi các “gã khổng lồ” di chuyển công xưởng, nhà máy vào Việt Nam sẽ kéo theo hàng loạt đội ngũ nhân sự, chuyên gia, nên nhu cầu nhà ở cho đối tượng này là rất lớn. Điều đó sẽ mang đến một cơ hội phát triển mới cho thị trường bất động sản Việt Nam, đặc biệt là với lĩnh vực bất động sản công nghiệp, dịch vụ tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.
Một thống kê cũng cho thấy, số lượng người nước ngoài hàng năm vào Việt Nam tăng trưởng trung bình từ 8 - 10% để tìm hiểu thị trường, công tác. Trong tương lai, căn hộ dịch vụ sẽ là thị trường cực kỳ hút khách.
Chị Trang Nhung - Chủ điều hành đơn vị dịch vụ cho thuê căn hộ tại TP.HCM cho biết, trong thời gian xảy ra dịch Covid-19, công suất lấp đầy sản phẩm cho thuê của đơn vị này đạt 92%, có giảm nhẹ so với 98% thời điểm trước dịch. Chị Nhung cũng chia sẻ, mặc dù là thời điểm xảy ra dịch bệnh, nhưng nhu cầu về nhà ở của những người đang đi làm không vì thế mà mất đi, họ vẫn phải làm việc bình thường trong điều kiện giãn cách. Nhiều đơn vị vận hành cho thuê có tỷ suất lấp đầy cao là do có những hợp đồng thuê dài hạn.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam: "Thời điểm hiện tại nguồn cung mới sản phẩm căn hộ dịch vụ sẽ chịu ảnh hưởng ít nhiều bởi các dự án mới chậm triển khai do vướng mắc về các thủ tục cấp phép và giai đoạn giãn cách xã hội do dịch Covid-19.
Nhưng nhu cầu thuê vẫn ở mức cao, đặc biệt là nhóm khách ngoại quốc có khả năng chi trả tốt về giá thuê và dịch vụ, sẽ mang đến sự hấp dẫn cho những nhà phát triển bất động sản trong thời gian tới".