Thị trường còn dao động, đầu tư an toàn 30 – 50% vào tiền mặt và vàng
Các chuyên gia từ Yuanta cho rằng, thị trường sẽ tiếp tục dao động trong biên độ nhất định đến tháng 7, trước khi khởi sắc hơn trong nửa cuối năm 2025.
Thuế quan của TT Trump, DN Mỹ sẽ có làn sóng phản ứng
Tại hội thảo “Kết nối tầm nhìn châu Á, tạo lập kỷ nguyên thịnh vượng” mới đây, ông Yen Chen-Hui - Giám đốc Phân tích, Phó chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu, Bộ phận tư vấn Chứng khoán Yuanta nhận định, Việt Nam có hiệu suất vượt trội so với các thị trường khác. Mặc dù mức thuế mới của Mỹ có thể được áp dụng, Việt Nam vẫn cho thấy khả năng chống chịu tốt nhờ vào mức thuế thấp hơn so với Trung Quốc và sự ổn định trong nền kinh tế.

Trước khi các mức thuế mới được công bố, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh hơn mức trung bình dài hạn vào năm 2025. GDP sẽ duy trì mức tăng trưởng ổn định, lạm phát được kiểm soát và giá hàng hóa, đặc biệt là xăng dầu, có xu hướng giảm. Việc lạm phát giảm sẽ tạo ra dư địa chính sách lớn cho các cơ quan quản lý.
“Không ai có thể đoán trước điều gì sẽ xảy ra sau 90 ngày. Vì vậy, rủi ro lớn nhất hiện nay là sự bất định của chính quyền Mỹ. Điều quan trọng là chính phủ Việt Nam và Mỹ cần trao đổi về chiến lược hợp tác để giảm thiểu tác động từ thuế đối ứng,” ông Yen cho biết.
Về các giải pháp ứng phó với mức thuế 46%, ông Yen cho rằng tác động không chỉ ảnh hưởng đến Việt Nam, mà còn đến cả Mỹ. Chính sách thuế quan của Mỹ chủ yếu là một chiến lược đàm phán nhằm tái cấu trúc chuỗi giá trị toàn cầu. Nếu quá trình tái thiết chuỗi cung ứng diễn ra thuận lợi, thuế đối ứng sẽ không tăng nhanh như dự đoán. Ngay cả khi mức thuế cuối cùng được ấn định ở mức 20 - 30%, Việt Nam vẫn có lợi thế hơn so với Trung Quốc. Câu chuyện đa dạng hóa chuỗi cung ứng sẽ tiếp tục chuyển dịch về Việt Nam, mang lại cơ hội lớn cho nền kinh tế.
Ông Chu Ka Kit -Giám đốc Chiến lược Đầu tư Chứng khoán Yuanta Hong Kong chia sẻ, các doanh nghiệp Hong Kong có nhà máy tại Việt Nam và Campuchia đang xuất khẩu sang Mỹ. Mặc dù Nike đã kêu gọi chuyển nhà máy về Mỹ, nhưng chi phí lao động và thiếu nguồn nhân lực tay nghề cao khiến điều này không khả thi. Nike tiếp tục đầu tư vào Việt Nam và Trung Quốc, khi mà nguồn đặt hàng vẫn rất lớn.
Theo ông Ka Kit, thuế quan sẽ đẩy một phần chuỗi cung ứng chuyển sang các nước Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam và Campuchia, trong khi chuyển chuỗi sang Mỹ là không khả thi trong hiện tại.
Ông Matthew Smith - CFA, Giám đốc Nghiên cứu Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, thuế quan không có lợi cho Mỹ. Ví dụ, Boeing đang gặp khó khăn khi Trung Quốc trả lại đơn hàng máy bay. Nếu thuế quá cao, Boeing sẽ mất đi khả năng cạnh tranh với Airbus. Các doanh nghiệp Mỹ cũng không hài lòng với mức thuế này, và nếu tiếp tục, sẽ có làn sóng phản ứng từ họ.
Chuẩn bị sức mua, đón cơ hội phục hồi và nâng hạng
Theo ông Matthew Smith, triển vọng năm 2025 của thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố tích cực. Trong đó, yếu tố đầu tiên là kỳ vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi theo phân loại của FTSE, với những tiến triển rõ rệt, đặc biệt sau khi vấn đề pre-funding đã được xử lý.
Tuy nhiên, ông Matthew không quá kỳ vọng vào tác động của việc nâng hạng từ FTSE, bởi theo ông, dòng vốn hút thêm từ các quỹ ETF sẽ chỉ ở mức vài tỷ USD. Điều đáng quan tâm hơn là câu chuyện nâng hạng tiếp theo – khi Việt Nam được MSCI đưa vào danh sách theo dõi (watchlist) để nâng hạng lên thị trường mới nổi thực thụ.
“Điều kiện từ MSCI sẽ khắt khe hơn nhiều. Sau khi thị trường triển khai hệ thống KRX và cơ chế bù trừ đối tác trung tâm (CCP), chúng ta có thể kỳ vọng vào những cải thiện rõ rệt trong vòng 2–3 năm. Khi đó, MSCI có thể bắt đầu đánh giá và đưa Việt Nam vào danh sách watchlist, dự kiến vào giai đoạn 2027–2028,” ông Matthew nhận định.
Ngoài ra, ông cũng đánh giá tích cực về khả năng phục hồi của thị trường bất động sản từ nửa cuối năm 2025. Yếu tố này, cùng với dòng vốn đầu tư quay trở lại, sẽ củng cố thêm triển vọng tăng trưởng của thị trường chứng khoán. VN-Index năm 2025 được dự báo có thể phục hồi lên mức 1.539 điểm, dựa trên hệ số P/E dự phóng khoảng 12 lần – tương ứng với mức P/E năm 2026 vào khoảng 10,6 lần.
Dù vậy, ông Matthew cũng thừa nhận, đây là một kịch bản lạc quan. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam từng ghi nhận mức cao tương tự vào tháng 1/2022 khi VN-Index chạm 1.529 điểm, cho thấy kịch bản này không phải chưa từng xảy ra. Dự báo, thị trường sẽ tiếp tục dao động trong biên độ nhất định đến tháng 7, trước khi khởi sắc hơn trong nửa cuối năm 2025. Nhà đầu tư nên tranh thủ giai đoạn điều chỉnh để phân bổ tài sản vào những cổ phiếu tiềm năng đã giảm về vùng giá hấp dẫn.
Ở góc nhìn khác, ông Yen Chen-Hui nhấn mạnh triết lý đầu tư của Warren Buffett: “Hãy tham lam khi người khác sợ hãi.” Theo ông, nhà đầu tư cần chuẩn bị sức mua từ trước bằng cách phân bổ 30 – 50% tài sản vào các kênh an toàn như tiền mặt và vàng, bởi kinh tế sẽ bật lên mạnh mẽ sau khi câu chuyện thuế quan kết thúc. Đồng thời, nên tập trung vào các lĩnh vực có tiềm năng phục hồi cao như tài chính, bất động sản và bán lẻ.
“Điều quan trọng là nắm bắt được cơ hội khi thị trường phục hồi sau giai đoạn bất định vì chính sách thuế đối ứng. Đầu tư luôn đi kèm rủi ro, nhưng nếu chuẩn bị tốt, có thể dành ra khoảng 10% danh mục để chủ động tận dụng cơ hội. Trong dài hạn, không nên bi quan nếu đã giữ được tỷ trọng tài sản an toàn hợp lý,” ông Yen chia sẻ.