Thị trường đang trên đà phục hồi, các nhà phát triển bất động sản có thể 'hái quả ngọt' năm Giáp Thìn không?
VinaCapital dự đoán các công ty sẽ phục hồi, tăng trưởng 10-15%, đặc biệt với nhóm ngành bất động sản lợi nhuận có thể lên mức siêu khủng trong năm 2024.
Bất động sản nói riêng và toàn thị trường nói chung mang theo kỳ vọng phục hồi lớn trong năm 2024
Trong báo cáo thị trường cuối năm 2023, VinaCapital ước tính lợi nhuận của các công ty niêm yết sẽ phục hồi từ không tăng trưởng trong năm 2023 lên mức tăng trưởng 10-15% trong năm 2024, nhưng lợi nhuận giữa các ngành sẽ có khác biệt lớn.
Trong đó, đơn vị này kỳ vọng lợi nhuận của các công ty tiêu dùng niêm yết sẽ hồi phục từ mức giảm 22% trong năm 2023 lên tăng 33% trong năm 2024 và có sự tăng trưởng nhẹ trong tổng mức bán lẻ thực tế, từ 7,1% trong năm 2023 lên 7,5% trong năm 2024.
Về nhóm ngành công nghệ thông tin gắn liền với FPT, VinaCapital dự đoán tổng doanh thu của FPT sẽ tăng từ 20% trong năm 2023 lên 24% trong năm 2024. Lợi nhuận của các công ty chứng khoán có thể tăng nhanh, từ mức tăng 14% trong năm 2023 lên 38% trong năm 2024 bởi lãi suất thấp hơn sẽ hỗ trợ giao dịch ký quỹ nhiều hơn và các hoạt động ngân hàng đầu tư bị hoãn vào năm ngoái do nền kinh tế chậm chạp có khả năng sẽ được tiếp tục trong năm nay.
Cổ phiếu ngân hàng sẽ hưởng lợi từ sự tăng trưởng lợi nhuận, từ khoảng 7% trong năm 2023 lên 18% trong năm 2024. Lợi nhuận của các ngân hàng Việt Nam sẽ được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng tín dụng nhanh chóng đối với cả nhà phát triển bất động sản và người mua nhà mới, phù hợp với kỳ vọng về sự phục hồi khiêm tốn trong phát triển bất động sản năm nay.
Về bất động sản, dự kiến sẽ phục hồi lợi nhuận từ mức giảm 51% lên tăng 109% trong năm 2024. Các nhà phát triển bất động sản (trừ Vinhomes) sẽ hưởng lợi từ sự phục hồi khiêm tốn trong hoạt động phát triển bất động sản ở Việt Nam trong năm nay.
VinaCapital loại trừ Vinhomes (VHM) khỏi phân tích của mình vì quy mô của công ty lớn hơn nhiều so với các công ty khác trong ngành và lợi nhuận của công ty dự kiến sẽ giảm khoảng 20% trong năm nay sau khi đã tăng gần 30% trong năm 2023.
Vì sao VinaCapital tự tin dự báo về khả năng phục hồi của hàng loạt nhóm ngành?
Theo VinaCapital, lãi suất vay thế chấp đạt đỉnh lên đến 16% tại một số ngân hàng vào năm 2023, nhưng sau đó lại giảm đáng kể. Sự sụt giảm này giúp thúc đẩy giao dịch tại một số sự kiện mở bán. Đơn cử 80% số căn hộ của một số dự án như dự án phân khúc tầm trung "Privia" của Khang Điền House (KDH), dự án Glory Heights của Vinhomes (VHM), dự án Akari của Nam Long (NLG) được bán nhanh chóng khi vừa mở bán.
Lãi suất thế chấp tại các ngân hàng ở Việt Nam
Bên cạnh đó, khối lượng giao dịch đất nền, phân khúc có tính đầu cơ cao nhất thị trường đã tăng đáng kể trong thời gian gần đây. Đất nền là một phân khúc đã trầm lắng trong nhiều tháng, do đó sự hồi phục của phân khúc này là một dấu hiệu tốt cho thấy các nhà đầu tư đã bắt đầu chú ý đến thị trường bất động sản một lần nữa.
Ngoài ra, một số bất động sản cao cấp ở trung tâm TP. HCM và Hà Nội đã tăng giá mạnh đối với những căn đã có giấy tờ sở hữu/quyền sở hữu rõ ràng. Theo VinaCapital, việc tăng giá phần lớn là do các nhà đầu tư giàu có rút tiền ra khỏi ngân hàng (khi lãi suất huy động giảm) và mua bất động sản.
Năm ngoái, khi lãi suất ngân hàng lên đến 10%, các cá nhân có tài sản ròng cao đã đổ tiền vào tài khoản tiết kiệm ngân hàng 6 tháng. Khi các tài khoản tiết kiệm này đến hạn vào đầu năm nay, các nhà đầu tư đã đổ tiền gửi đáo hạn vào các kênh đầu tư khác trong đó có bất động sản thay vì tiếp tục gửi tiết kiệm với lãi suất thấp.
VinaCapital nhận định, các dấu hiệu trên đang cho thấy thị trường bất động sản đang phục hồi và có thể sẽ hồi phục mạnh vào giữa năm 2024.
Các chuyên gia dự đoán kịch bản thị trường địa ốc năm 2024 như thế nào?
Nhiều chuyên gia đưa ra kịch bản cho rằng thị trường bất động sản sẽ phục hồi từ quý III/2024.
Các chuyên gia cho rằng thị trường bất động sản sẽ có sự phục hồi từ quý III/2024 nhờ sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, ban, ngành đã giải quyết các khó khăn, tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, tiếp cận vốn…
Dẫn tin từ báo Pháp luật, chuyên gia bất động sản Nguyễn Hoàng đưa ra 7 nguyên nhân về việc Việt Nam chỉ đang nằm vùng chờ thời cơ phục hồi.
Thứ nhất, nhà ở xã hội sẽ tiếp tục được Chính phủ thúc đẩy trong năm 2024 và sẽ có sự phát triển tốt hơn giai đoạn trước.
Thứ hai, nguồn cung mới căn hộ sẽ tăng hơn so với 2023, dự kiến sẽ có khoảng 15.000 căn cho khu vực vùng TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An.
Thứ ba, nhiều chủ đầu tư sẽ tập trung thế mạnh nhà ở căn hộ giá vừa phải (tại TP. HCM là khoảng 45-50- 60 triệu đồng/m2) phục vụ cho nhu cầu ở thực, đây mới là phân khúc chủ đạo dẫn dắt thị trường đi lên trở lại.
Thứ tư, nhà gắn liền với đất, đất nền các tỉnh xung quanh TP. HCM cũng sẽ có những chuyển biến tích cực thoát khỏi đóng băng như 2023, nhất là những dự án có giá bán phù hợp.
Thứ năm, bất động sản nghỉ dưỡng vẫn chưa thể theo kịp như các phân khúc khác, tiếp tục khó khăn.
Thứ sáu, mức giá nói chung (nhất là căn hộ) nửa đầu năm 2024 sẽ duy trì như hiện nay và sẽ chỉ tăng khi thị trường có dấu hiệu sôi động và, hoặc một vài dấu hiệu của kinh tế vĩ mô như tăng trưởng GDP, lạm phát…
Thứ bảy, thị trường thứ cấp (mua bán lại đất nền, nhà gắn liền đất, căn hộ) sẽ bắt đầu rục rịch nhộn nhịp hơn, nhiều nhà đầu tư phải thoát được hàng thì mới tìm kiếm đầu tư mới.
Ảnh minh hoạ
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng đồng quan điểm và cho rằng, thị trường bất động sản đang có một số động lực để phục hồi.
Sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, ban, ngành đã giải quyết các khó khăn trên thị trường bất động sản, từ đó tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, tiếp cận vốn… Thị trường đang tiếp tục quá trình tái cấu trúc ở các phân khúc, đặc biệt với phân khúc nhà ở cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng.
Năm 2024, các chủ đầu tư sẽ phải tập trung nguồn lực vào các dự án khả thi để nhanh chóng đưa ra thị trường, thúc đẩy dòng tiền quay trở lại. Ngoài ra, Chính phủ có đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội sẽ góp phần nhanh quá trình tái cấu trúc thị trường, đổi mới hoạt động, tăng cường năng lực của thị trường một cách nhanh nhất.