Thị trường địa ốc tín hiệu phục hồi ngày càng rõ nét
Sau thời gian đóng băng, thị trường bất động sản đã có tín hiệu tích cực. Thanh khoản tăng trở lại cùng với niềm tin của giới đầu tư được cho là tín hiệu rõ nét nhất cho thấy, thị trường đang dần phục hồi.
Thị trường lao dốc thảm hại
Thị trường bất động sản đối mặt với nhiều thách thức khi thị trường rơi tự do, các chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc tái cơ cấu nợ do thắt chặt các khoản vay ngân hàng vào bất động sản và giám sát chặt chẽ trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, lãi suất tăng làm suy yếu nhu cầu mua nhà. Nguồn cung mới có thể sụt giảm bởi quá trình phê duyệt pháp lý chờ được khai thông với Luật đất đai sửa đổi.
Thực trạng thị trường lao dốc khiến nhiều nhà đầu tư tay ngang chịu áp lực tài chính, một loạt các phân khúc như đất nền, nhà liền kề, biệt thự,… đã xảy ra tình trạng giảm giá, bán tháo, cắt lỗ nhưng vẫn không có người mua. Thanh khoản thị trường gần như “đóng băng”.
Hệ luỵ diễn biến khó khăn của thị trường địa ốc đã khiến doanh nghiệp bất động sản gặp khó. Nhiều doanh nghiệp phải bán bớt tài sản. Theo báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, chỉ riêng trong quý 1/2023, đã có thêm khoảng 50% sàn giao dịch phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động với hàng nghìn lao động phải mất việc. Ước tính, số môi giới đang hoạt động hiện nay chỉ còn khoảng 30-40% so với giai đoạn đầu năm 2022.
Cụm từ “giải cứu thị trường bất động sản” xuất hiện nhiều trên truyền thông, từ giới chuyên gia đến doanh nghiệp và nhà đầu tư nhỏ lẻ đều gặp khó khăn vì thị trường lao dốc.
Thị trường bất động sản được “trợ lực” từ chính sách
Tuy nhiên, từ đầu năm 2023 trở lại đây, dấu hiệu phục hồi của thị trường đã xuất hiện bởi thị trường liên tục nhận “trợ lực” từ các chính sách của nhà nước.
Trước hết là Nghị quyết số 33 về các giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Sau đó, Chính phủ tiếp tục ban hành văn bản số 178, Nghị định số 10 về "sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành luật đất đai".
Đặc biệt là sau khi Hà Nội cho phép phân lô, tách thửa trở lại, đất nền ở khu vực ngoại thành Hà Nội rục rịch giao dịch trở lại.
Ở phân khúc căn hộ, các chủ đầu tư cũng mạnh dạn bung hàng. Lượng giao dịch bắt đầu tăng trở lại.
Chưa kể, một số chủ đầu tư cũng công bố sẽ khởi động trở lại các dự án bị đình trệ trong giai đoạn khó khăn. Đơn cử như, mới đây, Novaland thông báo sẽ tái khởi động dự án tại Phan Thiết và Hồ Tràm nhờ hoạt động giải ngân tài trợ vốn của ngân hàng MB. Điều này cũng phần nào giải cứu bế tắc của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (nhà thầu thi công chính 2 dự án trên của Novaland).
Các dấu hiệu của thị trường kể trên cho thấy tín hiệu tích cực đã quay trở lại và kỳ vọng thị trường sẽ bước qua giai đoạn khó khăn để phục hồi và phát triển.
Theo ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc cho rằng, đến thời điểm này, những tín hiệu lạc quan trên thị trường bất động sản đã rõ ràng hơn khi Chính phủ, các bộ ngành tích cực ban hành những chính sách tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đặc biệt là các giải pháp về vốn và pháp lý, thúc đẩy thị trường hoạt động theo hướng minh bạch, bền vững hơn.
Cộng hưởng với những hoạt động tái cấu trúc và các giải pháp chủ động từ phía doanh nghiệp, chúng tôi tin tưởng rằng, trong quý II/2023, thanh khoản của thị trường bất động sản sẽ phục hồi rõ rệt hơn, tất nhiên vẫn cần thêm thời gian để thị trường quay trở lại trạng thái sôi động như trước đây.
Ông Quyết nhận định, Tôi cho rằng, giai đoạn này có nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư bất động sản chuyên nghiệp và người mua ở thực khi các chủ đầu tư và đơn vị phân phối đang đưa ra nhiều chính sách bán hàng ưu đãi chưa từng có để kích cầu. Theo đó, những người đang dự trữ sẵn tiền mặt có thể mua được sản phẩm ưng ý với mức giá phù hợp.