Thị trường tài chính tiêu dùng hồi phục, công ty tài chính tăng tốc mạnh mẽ
Bước qua giai đoạn khó khăn, dường như thị trường tài chính tiêu dùng dần phục hồi hoàn toàn nhờ chính sách kích cầu, tình hình dịch bệnh được kiểm soát và sự tăng tốc trở lại của các công ty tài chính.
Thị trường tài chính tiêu dùng hồi phục
Trong suốt gần hai năm qua, trước tác động từ đại dịch Covid-19 tình hình thị trường tài chính tiêu dùng chịu ảnh hưởng không nhỏ khi việc tiếp cận khách hàng mới cũng như thu hồi nợ khách hàng hiện hữu gặp nhiều khó khăn dẫn đến tổng dư nợ của các công ty tài chính tăng trưởng thấp hơn kế hoạch trong khi đó tỷ lệ nợ xấu tăng vọt lên mức 9%.
Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của Chính phủ trong công tác chống dịch Covid-19; chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng khách hàng của các công ty tài chính; chiến lược quản trị rủi ro và kiểm soát chất lượng tín dụng hiệu quả thì ngành này đã dần phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng ngay trong quý IV/2021.
Bước sang năm 2022, nền kinh tế cả nước chuyển sang giai đoạn thích ứng linh hoạt, an toàn và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, nhiều hoạt động thương mại, dịch vụ… mở cửa trở lại đã thúc đẩy nhu cầu vay tiêu dùng gia tăng. Để kích cầu cho vay tiêu dùng cá nhân, các công ty tài chính tích cực triển khai nhiều chương trình ưu đãi nhờ vậy tăng trưởng tín dụng của ngành này cũng tăng mạnh.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2022, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2022, tăng trưởng tín dụng dự kiến khoảng 14%. Tín dụng đã tăng tốc đáng kể trong tháng 3 và tháng 4, tăng trưởng tín dụng đến ngày 25/4 đạt 6,75% so với cuối năm 2021. Đồng thời, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng đảm bảo tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; cân đối nguồn vốn, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, cho vay phục vụ đời sống, tín dụng tiêu dùng với mức lãi suất hợp lý. Điều này sẽ tiếp tục là động lực giúp thị trường tài chính tiêu dùng hồi phục mạnh mẽ và phát triển bền vững trong tương lai.
FE CREDIT tăng tốc mạnh mẽ, giữ vững vị thế đầu ngành
Là công ty tài chính luôn giữ thị phần lớn trong ngành tài chính tiêu dùng, FE CREDIT đang nỗ lực từng giờ, từng ngày để lấy đà tăng trưởng sau giai đoạn khó khăn vừa qua đồng thời đóng góp tích cực trong việc kích cầu vốn tiêu dùng.
Tính đến cuối quý I/2022, dư nợ cho vay của công ty đạt 76.600 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái riêng dư nợ cho vay của khách hàng mới đạt 27.500 tỷ đồng, chiếm 36% tổng dư nợ. Doanh số giải ngân đạt mức 15.400 tỷ đồng, ngang bằng giai đoạn trước dịch. Bên cạnh đó, số lượng khách hàng mà công ty đã phục vụ không ngừng tăng trưởng khi đạt con số 14 triệu người tính đến hết ngày 31/3/2022.
Tất cả những kết quả tích cực đó không chỉ đến từ sức mạnh nội tại mà còn nhờ tư duy đổi mới và sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong nhiều năm liền của FE CREDIT. Doanh nghiệp này luôn nổi bật với sự đầu tư bài bản vào công nghệ và chuyển đổi số, nhằm mở rộng thị trường cũng như nâng cao năng lực phục vụ khách hàng. FE CREDIT đã không ngừng đầu tư vào công nghệ trong thời gian dài. Điều này cũng khiến chi phí hoạt động trong quý I tăng lên 1.340 tỷ đồng.
Đối với chi phí đầu vào, nhờ cải thiện và đa dạng các kênh huy động vốn trong và nước ngoài nên chi phí sử dụng vốn chỉ ở mức 6,1% giảm đáng kể so với con số 7,4% trong quý I/2021.
Theo công bố của lãnh đạo VPBank tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư mới đây, kết thúc quý I/2022, FE CREDIT ghi nhận con số lợi nhuận gần 800 tỷ đồng, cao gần gấp đôi kết quả cả năm 2021.
Hiện công ty có tới 80% khách hàng trả được nợ và tiếp tục vay mới, chỉ còn 20% khách hàng phải tái cấu trúc lần hai. Chia sẻ trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư, lãnh đạo VPBank kỳ vọng, mảng kinh doanh của FE CREDIT sẽ sớm hoàn toàn hồi phục, nhờ thị trường tài chính tiêu dùng vẫn giàu tiềm năng, nhất là khi Chính phủ đang triển khai các chương trình kích cầu.
“FE CREDIT từng trải qua các cuộc khủng hoảng tài chính trước đó nên có kinh nghiệm để bứt tốc nhanh hơn các công ty tài chính tiêu dùng khác. Bên cạnh đó, tập đoàn tài chính tiêu dùng lớn nhất Nhật Bản là SMBC hỗ trợ công ty hoạt động ngày càng an toàn và hiệu quả. VPBank đã đặt ra nhiều kịch bản lợi nhuận cho FE CREDIT năm 2022, trong đó có kịch bản đạt 5.000 - 6.000 tỷ đồng”, lãnh đạo VPBank chia sẻ thêm.
Còn theo báo cáo mới đây của công ty chứng khoán, dự báo thu nhập từ lãi của FE CREDIT tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước nhờ vào cho vay tăng 16% và tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) đạt mức 22,5% trong năm 2022. Công ty chứng khoán cũng cho rằng nhu cầu tiêu dùng tăng cao từ bán lẻ và các cá nhân khi nền kinh tế phục hồi và sự hỗ trợ từ SMBC sẽ giúp FE CREDIT phục hồi trở lại mức trước đại dịch.