Thị trường văn phòng Hà Nội sẽ đón hàng loạt các dự án mới

Báo cáo thị trường của các đơn vị nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thị trường văn phòng tại Hà Nội tăng trưởng tích cực sau đại dịch. Dự báo trong 3 năm tiếp theo, thị trường văn phòng Hà Nội sẽ đón nhận hàng loạt các dự án văn phòng mới ở khu phía Tây và rìa trung tâm. Tuy nhiên, cũng có đơn vị lo ngại khi nguồn cung mới dồi dào dự kiến cũng sẽ gây áp lực lên tỷ lệ trống.

Tăng trưởng tốt sau đại dịch

Cushman & Wakefield cho biết, trong quý III, thị trường Hà Nội ghi nhận nguồn cung mới trong quý III/2022 là 22.350 m². Cụ thể, nguồn cung đến từ dự án Epic Tower số 19 Duy Tân, quận Nam Từ Liêm, nâng tổng nguồn cung hạng A và B tại Hà Nội lên là 1,65 triệu m² sàn văn phòng.

Thị trường văn phòng Hà Nội tăng trưởng tốt sau đại dịch
Thị trường văn phòng Hà Nội tăng trưởng tốt sau đại dịch

Trong khi đó, giá thuê văn phòng toàn thị trường tăng nhẹ với 34 USD/m² /tháng đối với hạng A, và 20 USD/m²/tháng đối với hạng B.

Theo Cushman & Wakefield, thị trường chứng kiến khả năng hấp thụ tích cực với lượng hấp thụ thuần trong 9 tháng 2022 là 40.000 m², đến từ các công ty trong lĩnh vực bảo hiểm (25%), sản xuất và chế tạo (25%), công nghệ (20%), dịch vụ (10%) và logistics (5%) và chủ yếu tập trung ở các tòa nhà rìa trung tâm và khu Tây.

Cushman & Wakefield đánh giá, nhu cầu không gian văn phòng vốn gắn liền với nền kinh tế, đồng thời tăng trưởng kinh tế đồng nghĩa với việc nhiều việc làm được tạo ra, từ đó thúc đẩy nhu cầu nhiều hơn đối với tất cả các loại không gian cho người lao động, trong đó có văn phòng.

Theo Savills, thị trường văn phòng cho thuê tại Hà Nội trong quý III/2022 là phân khúc ghi nhận mức độ tăng trưởng tốt. Sự gia nhập của các tòa nhà chất lượng cao mới đã giải tỏa nhu cầu của thị trường, giá thuê hạng A tiếp tục tăng.

Tín hiệu tích cực này đến từ sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ khi GDP của Hà Nội tăng 15,7% trong quý III/2022, nguồn vốn FDI bền vững, số lượng doanh nghiệp mới thành lập gia tăng và cơ sở hạ tầng được cải thiện. Ngoài ra, sự tăng trưởng của các ngành công nghiệp chủ chốt cũng là động lực thúc đẩy tình hình hoạt động kinh tê, đồng thời góp phần mang lại nguồn cầu lớn cho thị trường.

Tổng nguồn cung văn phòng hiện có trên thị trường là 2,13 triệu m2 đến từ 189 dự án, giảm 1% theo quý sau khi có hai tòa nhà ngừng cho thuê. Về phân bổ nguồn cung theo khu vực, phía Tây có thị phần nguồn cung lớn nhất với 40%, tương đương với 849.000 m2, tiếp theo là khu vực nội thành với 830.000 m2, tương đương 39% tổng nguồn cung.

Trong quý này, hầu hết các tòa nhà văn phòng đều duy trì được tỷ lệ lấp đầy tại mức cao. Công suất thuê toàn thị trường ghi nhận tăng 2% theo quý và 4% theo năm, trong đó văn phòng hạng C đạt tỷ lệ lấp đầy cao nhất tại mức 96%.

Sẽ đón hàng loạt dự án mới

Nhận định về thị trường văn phòng Hà Nội thời gian tới, Cushman & Wakefield cho rằng, trong 3 năm tiếp theo, thị trường văn phòng Hà Nội sẽ đón nhận hàng loạt các dự án văn phòng mới ở khu phía Tây và rìa Trung tâm.

Điển hình như các dự án: Techcombank Tower với 36,300 m², Lancaster Luminaire với 21,500 m², BRG Diamond Park Plaza với 33,800 m², Lotte Mall Hà Nội với 41,000 m²….

Cũng tại báo cáo thị trường quý III của Savills, bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc cấp cao Bộ phận Cho thuê Thương mại Savills Hà Nội, tỷ lệ lấp đầy tại thị trường Hà Nội từ giờ đến cuối năm được dự kiến ở mức cao đón thêm 4 dự án mới gia nhập, dự kiến cung cấp thêm 113.000 m2 mặt sàn văn phòng, chủ yếu là hạng B chiếm 64% và hạng A chiếm 34%.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

“Bước sang quý I và II/2023, thị trường văn phòng sẽ ghi nhận có thêm nguồn cung mới khiến tỷ lệ lấp đầy giảm nhẹ. Nguồn cung từ các tòa nhà sắp được ra mắt trong thời gian từ giờ tới quý I/2023 trên thị trường sẽ không quá lớn, trung bình dao động từ 10.000 - 30.000 m2/tòa nhà, sẽ không ghi nhận thêm những tòa nhà văn phòng với quy mô lớn như TechnoPark Tower hay Capital Place. Do vậy, thị trường vẫn có khả năng để hấp thụ nguồn cung mới một cách ổn định, đảm bảo cán cân cung - cầu”, bà Minh nói.

Bà Minh cũng cho biết, nguồn cung tại khu vực ngoài trung tâm từ năm 2023 đến năm 2025 được đánh giá khá dồi dào với khoảng khoảng 699.000 m2 từ 19 dự án mới, bao gồm 36 Cát Linh, Lotte Mall Hà Nội, Tiến Bộ Plaza, Gelex 10 Trần Nguyên Hãn và các dự án tại khu Starlake. Nguồn cung sẽ tâp trung nhiều nhất tại khu vực phía Tây, trong đó Starlake cung cấo tới 430.000 m2, tương ứng 28% nguồn cung tương lai.

Áp lực tỷ lệ trống

Theo CBRE Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm, thị trường văn phòng Hà Nội nguồn cung mới tương đối hạn chế. Giá văn phòng cho thuê trong quý III tiếp tục tăng nhẹ. Tuy nhiên, CBRE nhận định, trong 3 tháng cuối năm, nguồn cung mới dồi dào dự kiến cũng sẽ gây áp lực lên tỷ lệ trống.

Tiếp nối sự cải thiện của hiệu suất thị trường quý trước, giá văn phòng cho thuê trong quý III/2022 tiếp tục tăng nhẹ. Giá chào thuê của văn phòng hạng A đạt mức 26,0 USD/m2/tháng, tăng 0,6% so với quý trước và 6,0% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, giá thuê văn phòng hạng B cũng tăng 0,6% so với quý trước và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt trung bình 14,4 USD/m2/tháng.

Tỷ lệ trống trung bình của các dự án văn phòng cho thuê hiện hữu được ghi nhận giảm khi tỷ lệ trống của dự án hạng A chỉ còn 28,2%, giảm 0,5 điểm phần trăm so với quý trước và 4,0 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, sự ra mắt của một dự án văn phòng hạng B mới tại quận Cầu Giấy đã nâng tỷ lệ còn trống của phân khúc này lên 11,9%, tăng 1,6 điểm phần trăm so với quý trước và 0,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá thuê hạng A được dự đoán sẽ tăng thêm 1 – 2% từ giờ đến cuối năm do nguồn cung mới được phát triển bởi chủ đầu tư có tên tuổi, được trang bị thông số kỹ thuật tốt và cơ sở vật chất mới, hiện đại. Tuy nhiên, nguồn cung mới dồi dào dự kiến cũng sẽ gây áp lực lên tỷ lệ trống. Giá thuê hạng B dự kiến sẽ duy trì ổn định.

Hà Thu

Theo Chất lượng và Cuộc sống