Thị trường vốn chịu nhiều áp lực
Khi các trụ cột quan trọng của thị trường vốn chưa phục hồi, thì nhu cầu vốn cho nền kinh tế đang dồn cả lên vai các ngân hàng, trong khi ngân hàng cũng đồng thời phải đáp ứng các mục tiêu khác về ổn định vĩ mô.
Phân tích của Fiin Pro và VietData đều ghi nhận, cho tới cuối tháng 7/2022 các trụ cột quan trọng của thị trường vốn gồm cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa thực sự khởi sắc. Đối với trái phiếu doanh nghiệp, khối lượng phát hành trong 7 tháng giảm tới gần 40% so với cùng kỳ.
Trên thị trường chứng khoán VN-Index có dấu hiệu phục hồi trong tháng 7, song giá trị giao dịch cả tháng vẫn giảm về mức thấp kỷ lục, giảm hơn 26% so với tháng trước và giảm 46% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2 năm nay.
Võ Trí Thành – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia nhận định, đây là bài toán rất thách thức đối với điều hành chính sách tiền tệ trong bối cảnh hiện nay. Điều hành chính sách tiền tệ phải làm sao để vừa góp phần hỗ trợ cho tăng trưởng, duy trì đà phục hồi, song vẫn phải kiểm soát lạm phát để góp phần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong khi do kinh tế thế giới khó khăn, các động lực tăng trưởng đang quay trở lại thị trường trong nước, khiến nhu cầu vốn lại càng cấp bách hơn bao giờ hết. Vì vậy, công tác điều hành chính sách tiền tệ của NHNN nói chung và hoạt động của các NHTM nói riêng đang đứng trước thách thức.
Do một mặt vẫn phải góp phần quan trọng để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; mặt khác phải làm sao để không bị trôi khỏi khả năng kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, giữ được ổn định nền kinh tế.
Lãi suất thấp, trái phiếu TCTD vẫn đắt hàng
Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong 7 tháng đầu năm 2022, khối lượng trái phiếu phát hành đạt 280.641 tỷ đồng. Trong đó các TCTD đã “soán ngôi” của nhóm doanh nghiệp bất động sản và xây dựng về khối lượng phát hành trái phiếu.
Cụ thể, nếu như trong quý I/2022, hai nhóm doanh nghiệp bất động sản và xây dựng có khối lượng trái phiếu phát hành lớn nhất, chiếm lần lượt 50,98% và 18,87%; thì trong quý II, khối lượng phát hành trái phiếu của các TCTD chiếm tới 64,73% khối lượng phát hành, trong khi doanh nghiệp bất động sản giảm còn 15,49%, xây dựng chỉ còn 0,44%.
Lũy kế 7 tháng, các TCTD nhóm phát hành lớn nhất, chiếm 37,2% tổng khối lượng; còn các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng chiếm lần lượt 31,5% và 8,8%.
Chuyên gia của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) nhận định, việc các TCTD đẩy mạnh phát hành trái phiếu do đây là kênh huy động vốn trung dài hạn khá hiệu quả, trong khi nhu cầu vốn trung dài hạn của các TCTD đang rất lớn; một mặt để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, mặt khác cũng để đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ giảm còn 34% từ 1/10 tới.
Bên cạnh đó, trái phiếu do các TCTD phát hành vẫn hút khách, dù mặt bằng lãi suất phát hành bình quân không thuộc nhóm cao nhất, cho thấy độ tin cậy, sự an toàn của hệ thống TCTD vẫn tương đối tốt so với mặt bằng chung của thị trường.
Cụ thể, số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, lãi suất phát hành bình quân của các TCTD thuộc nhóm thấp nhất trên thị trường (4,64%/năm), thấp hơn đáng kể so với nhóm cao nhất là các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ (10,38%/năm) và nhóm doanh nghiệp bất động sản (10,27%/năm). Sự tham gia của các TCTD chuyên nghiệp, có quy củ cũng phần nào thể hiện rằng sự đảm bảo của thị trường trái phiếu vẫn đang được duy trì và củng cố.
Đáng chú ý theo một chuyên gia ngân hàng, hiện nay nguồn vốn từ trái phiếu của các TCTD phát hành so với tổng huy động vốn của toàn hệ thống ngân hàng vẫn còn rất nhỏ bé. Cùng với mặt bằng lãi suất phát hành không quá cao, kỳ hạn cứng, khối lượng phát hành chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng dư nợ, có thể nói hoạt động phát hành trái phiếu của các TCTD không dẫn tới rủi ro lãi suất tăng lên.
NHNH sẽ ưu tiên nới ''room'' cho ngân hàng nào?
Trong báo cáo về hoạt động điều hành tín dụng mới đây, NHNN cho biết đã phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2022 cho từng TCTD trên hai cơ sở chính.
Thứ nhất là theo kết quả xếp hạng từng TCTD theo các tiêu chí và chấm điểm quy định tại Thông tư 52 năm 2018 của NHNN. Cụ thể, Thông tư 52 chấm điểm để xếp hạng các TCTD theo 6 tiêu chí, gồm: Vốn, Chất lượng tài sản; Quản trị điều hành, Kết quả hoạt động kinh doanh, Khả năng thanh khoản; Mức độ nhạy cảm với rủi ro thị trường.
Thứ hai là xem xét một số yếu tố cụ thể hóa chủ trương, định hướng điều hành của Chính phủ, NHNN như tiêu chí giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, tiêu chí tín dụng tập trung vào lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, tiêu chí TCTD tham gia hỗ trợ xử lý các ngân hàng yếu kém… để làm cơ sở điều chỉnh tăng/giảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các TCTD trong quá trình phân bổ/điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng TCTD.
Nhóm phân tích đánh giá, các ngân hàng có mức độ dồi dào vốn chủ sở hữu (hệ số CAR) cao và mô hình quản trị rủi ro tốt như MB, Vietcombank, Techcombank, VPBank, ACB, TPBank, MSB... sẽ được cấp hạn mức tín dụng cao hơn trung bình ngành trong dài hạn. Ngoài ra, trong thời gian tới, các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém sẽ có lợi thế về tăng trưởng tín dụng so với các ngân hàng khác.
Ở chiều ngược lại, các ngân hàng trong diện cảnh báo có tỷ trọng cho vay các lĩnh vực rủi ro như đầu cơ bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp… có thể bị hạn chế ''room'' tăng trưởng tín dụng ở mức vừa phải hơn để bảo đảm hạn chế rủi ro hệ thống.